Huyện Kbang nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc
- Thứ sáu - 29/11/2024 13:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo đó, trong năm 2024, Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kbang đã triển khai và đạt kết quả đáng khích lệ trong việc bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong đó, nổi bật nhất là đã hoàn thành hồ sơ để triển khai thực hiện dự án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", vận động nhân dân tham gia góp phần làm cho văn hóa trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phục dựng lễ Cúng bến nước tại làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng huyện Kbang. Đây là một trong những nghi lễ truyền thống của người Ba Na ở huyện Kbang
Ngoài ra, Phòng Văn hóa, Thông tin còn phối hợp với các đơn vị liên quan, UBND xã Kông Lơng Khơng tổ chức phục dựng Lễ "Cúng bến nước" tại làng Kgiang; sưu tầm tượng nhà mồ đúng bản sắc văn hóa truyền thống của người Ba Na ở xã Kông Lơng Khơng.
Song song với đó Phòng Văn hóa, Thông tin đã cùng các đơn vị liên quan nghiệm thu công trình tu bổ, tôn tạo di tích Làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung; hoàn chỉnh hồ sơ trình Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với "Đền tưởng niệm liệt sĩ KaNak".
Cán bộ của Phòng Văn hóa, Thông tin đã tích cực tuyên truyền để đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và nâng cao nhận thức bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng.
Tuy vậy, ông Đinh Đình Chi, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kbang, cho biết công tác bảo tồn, khai thác và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trong đó nhận thức về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của một bộ phận người dân địa phương, nhất là trong lớp trẻ đối với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình chưa đầy đủ. Cùng với đó, kinh phí dành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, nhất là việc điều tra, thu thập và thống kê số lượng di sản hàng năm còn hạn hẹp.
Hoàng Thanh