Dòng chảy tâm hồn của người lính Châu La Việt
- Thứ ba - 19/11/2024 16:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Tố Hữu với gia sản thơ đồ sộ cũng luôn nhắn nhủ độc giả rằng trường ca “Theo chân Bác” chính là bài thơ tâm đắc và thành công nhất của ông, những người làm tuyển thơ ông có thể không chọn bài này bài kia, nhưng “Theo chân Bác” là nhất thiết phải có. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cũng bỏ rất nhiều công sức để kể cho bạn đọc nghe câu chuyện của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trên Hắc Hải ngày nào trong truyện thơ “Bài ca Hắc Hải”...
Bìa cuốn trường ca “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh - NXB Quân đội nhân dân, 2024
Nhiều năm tháng trôi qua, những nhà thơ và thể loại thơ này vẫn có những lớp nhà thơ sau tiếp nối, dù là không dễ dàng. Nhà thơ Châu La Việt đã rất dũng cảm khi luôn thủy chung với mảng thơ này. Ông vẫn giữ một giọng điệu thơ riêng xuyên suốt toàn bộ các tập thơ như hàng chục năm qua.
Bài thơ đầu tiên của Châu La Việt được in trên trang đầu báo Văn nghệ: “Tuổi trẻ Trường Sơn,” năm 1968, năm ấy Châu La Việt 16 tuổi và bài thơ in trước ngày anh lên đường nhập ngũ ra mặt trận. Từ ngày ấy và mãi về sau này, thơ Châu La Việt vẫn luôn có nét riêng và rung động lòng người bởi chất trữ tình lãng mạn hòa quyện với chất mạnh mẽ của hiện thực, chất lính xù xì hòa hợp với chất bay bổng của văn chương.
Riêng trường ca về lãnh tụ, Châu La việt đã có ba tập: Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ (NXB Quân đội), Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn (NXB Văn học) và mới đây nhất là trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành trong đợt sách kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhìn lại những tập trước như “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ”, đây là một bản trường ca đặc biệt và độc đáo. Độc đáo trước hết là cách Châu La Việt xây dựng chân dung hai tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu trong một tác phẩm mang âm hưởng sử thi hào hùng và bi tráng. Giọng điệu thơ ngọt ngào, giản dị, chân thành vừa pha chút âm hưởng dân ca Huế, vừa có chất thơ hiện đại gọn gàng, chắc khỏe.
Thú vị nhất là cách Châu La Việt sử dụng đan cài rất nhiều câu thơ của Tố Hữu trong toàn bộ trường ca một cách tinh tế, khéo léo, từ những câu thơ trong các tập thơ đầu tay: Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa đến những tập thơ Tố Hữu viết trong những năm cuối đời Một tiếng đờn, Ta với ta. Thiết nghĩ phải có một tình yêu tha thiết, một sự yêu mến và trân trọng lớn lao với Tố Hữu, nhà thơ Châu La Việt mới có thể thuộc nhiều, biết nhiều và trích dẫn khéo léo đến thế các câu thơ của Tố Hữu vào tác phẩm trường ca của mình.
Thể thơ thất ngôn (7 chữ) được sử dụng trong trường ca cũng là thể thơ Tố Hữu đã sử dụng trong những bài thơ nổi tiếng: Bác ơi, và trường ca Theo chân Bác, điều này góp phần giúp cho trường ca tăng thêm sự trang trọng mà không khuôn sáo, giúp cho hơi thơ liền mạch, tự nhiên, diễn tả được hiện thực đa dạng và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau.
Về ngôn ngữ, cũng giống như nhà thơ Tố Hữu, Châu La Việt không chú ý sáng tạo từ mới, cách diễn đạt mới mà thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc của dân tộc song lại phát huy cao độ tính nhạc của thơ thông qua các từ láy và sự kết hợp tài tình của các thanh điệu và nhịp thơ như:
“Những cánh rừng sẽ còn hát mãi
Hát về người đại tướng lừng danh
Từng qua đây những năm đánh Pháp
Dép cao su, áo lính phong phanh...”
Nối tiếp “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” là trường ca “Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn”, và “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh”. Năm tháng trôi qua, nhà thơ luôn bền bỉ với phong cách thơ trữ tình chính trị. Châu La Việt đã có 5 tập thơ và trường ca: Người gõ trống; Những vị tướng và người lính binh nhì; Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ; Người chiến binh mang tên sông Thạch Hãn và Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh.
Những nhà lãnh đạo của Đảng và cách mạng như Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (Khúc tráng ca về Nguyễn Văn Linh) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhà thơ Tố Hữu (Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ), NSND Tô Lan Phương và anh hùng lực lượng vũ trang Tô Quyền... đã được phản ánh trong thơ Châu La Việt hết sức lung linh, cao đẹp và giàu cảm xúc, được đông đảo bạn đọc, nhất là các cán bộ chiến sĩ quân đội yêu thích.
Điều đặc biệt là các trường ca đều được nhà thơ Châu La Việt hoàn thành trong các trại sáng tác của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Trung tâm hỗ trợ sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Vũng Tàu, Đà Lạt, Tam Đảo các năm 2020, 2022 và 2024. Châu La Việt luôn tâm niệm anh viết bởi cảm xúc dào dạt của một nhà thơ, nhưng cũng bởi nhiệm vụ của một người lính đã được quân đội trao cho cây bút sáng tạo từ những ngày còn là chiến sĩ.
Tự hào về những lãnh tụ, những người anh hùng của đất nước đã hy sinh cho nền hòa bình độc lập hôm nay, càng cảm động hơn khi vẫn còn có những nhà thơ vẫn miệt mài sáng tác để khắc ghi cho thế hệ mai sau chân dung của những người anh hùng dân tộc, những người lính thời đại. Có thể nói, trong dòng văn học hôm nay ít người có tâm viết đề tài này cũng như thủy chung với dòng thơ trữ tình chính trị như nhà thơ Châu La Việt.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Hiệp Văn