Cuộc thi Trường học không ma túy 'Viral' trên mạng xã hội
- Thứ sáu - 29/11/2024 19:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cuộc thi "Trường học không ma túy" thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
"Sự vào cuộc của những con người trách nhiệm"
Cuộc thi "Trường học không ma túy" năm 2024 được tổ chức ở 11 tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham gia 87 đội thi đến từ 87 trường học. Trong đó, 20 cuộc thi dành cho học sinh khối THPT và 10 cuộc thi dành cho khối đại học, ước tính đã có khoảng hơn 30.000 học sinh, sinh viên trực tiếp tham dự.
Đặc biệt, trên mạng xã hội, hiệu ứng lan tỏa của “Trường học không ma túy” có thể nói là đạt tốc độ rất ấn tượng, bởi có những video hơn 2 triệu lượt xem chỉ trong khoảng 1 tuần, cho thấy chương trình đã có tính lan tỏa.
Thời gian qua, cuộc thi có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh - sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Ban Khoa giáo (Đài Truyền hình Việt Nam). Đặc biệt là sự tham gia hào hứng của các trường học trong việc phối hợp cùng Ban tổ chức, hỗ trợ khuyến khích các em học sinh, sinh viên.
Một trong những phần thú vị nhất, hào hứng nhất, thu hút đông đảo sự theo dõi, ủng hộ tại mỗi cuộc thi chính là sự xuất hiện của những người nổi tiếng KOL như Trường Giang, Mạc Văn Khoa, Trung Ruồi, Đinh Thái Sơn, H’ HenNie, Ngọc Hân, Mai Phương, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu…
Đến với trường học không ma túy, họ đều có những màn xuất hiện vô cùng đặc biệt, trình diễn và thể hiện tài năng của mình một cách độc đáo. Nhưng trên hết là những thông điệp sâu sắc, lan tỏa mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên trong công tác phòng chống ma túy với câu khẩu hiệu “Không thử, không giữ, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần”.
Để học sinh, sinh viên tham gia chương trình tự tin, hùng biện thực tiễn, hóa thân vào nhân vật trong các vai diễn thể hiện tài năng và hiểu biết về kiến thức phòng, chống ma túy, có sự đóng góp không nhỏ của các cán bộ, chiến sĩ công an Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy các địa phương với vai trò hỗ trợ, cố vấn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Những phần trình diễn được đầu tư bài bản lôi cuốn người xem.
Em Lê Anh Quân - học sinh Trường THPT Hà Huy Tập (Nghệ An) cho biết, bản thân được phân công đóng vai một nhân vật bị lôi kéo sử dụng ma túy. Lúc đầu không biết làm thể nào để vừa hiểu tâm lý nhân vật, lại phải truyền tải được thông điệp về phòng, chống ma túy. "Sau khi được các anh chị ở Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy hướng dẫn tỉ mỉ nên em tự tin hơn khi thể hiện nhân vật của mình và đã được các thầy cô, các bạn cổ vũ nhiệt tình, ban giám khảo đánh giá cao" - Quân nói.
Thượng tá Nguyễn Thị Hồng Thúy - Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên đã có 28 năm gắn bó với nghề. Thượng tá Thúy hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi không chỉ với trách nhiệm được phân công mà còn với tư cách một người mẹ có con cùng lứa tuổi.
Không chỉ tư vấn hết mình cho các học sinh, thượng tá Thúy còn tận tình hướng dẫn cho các đội tham gia một số tư thế võ thuật. Có những buổi thượng tá Thúy đã chỉnh sửa động tác cho các em đến 23 giờ nhằm diễn cảnh vây bắt tội phạm đúng chuẩn với thực tế nhất có thể.
Thêm sân chơi cho học sinh, sinh viên
Trong suốt thời gian chương trình diễn ra, các em học sinh, sinh viên đã mang đến cho người xem thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, sự thán phục trước tài năng, bất ngờ vì sự hiểu biết, và đặc biệt hơn là những khoảnh khắc hết sức xúc động. Qua đó, các em nhận được sự đánh giá cao về kỹ năng xử lý từ NSND Xuân Bắc - giám khảo trong nhiều chương trình của cuộc thi.
Ngồi “ghế nóng” Trưởng Ban giám khảo hầu hết các cuộc thi, Thượng tá Dương Thị Thanh Huyền - Phó trưởng phòng 1, Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy ghi nhận rằng có rất nhiều những màn trình diễn độc đáo, ấn tượng của các đội thi khiến cho Ban Tổ chức, Ban Giám khảo bất ngờ, khâm phục.
"Qua các phần thi còn thấy được sự chỉn chu, nghiêm túc, chuyên nghiệp của các nhà trường và học sinh khi chuẩn bị, nghiên cứu kiến thức về phòng, chống ma túy và có sự đầu tư kỹ lưỡng" - Thượng tá Huyền nói và chia sẻ, khi cuộc thi thành công, chúng tôi cảm thấy sức nặng trên vai về phòng chống ma túy giảm bớt, bởi có sự đồng hành của các em học sinh, sinh viên. Họ là những tuyên truyền viên tích cực, giúp công việc của lực lượng chuyên trách được giảm tải và có thời gian dành thêm cho những việc khác, cho công tác chuyên môn, mà mục tiêu là góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho mọi nhà.
Trung tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng Ban Tổ chức đánh giá: “Cuộc thi đã tạo nên một sân chơi bổ ích hấp dẫn, thu hút đông đảo giới trẻ và có sức lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến cộng đồng, xã hội. Không chỉ đưa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng chống ma túy một cách sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn mà còn giúp cho học sinh, sinh viên có được kỹ năng hữu ích để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước hiểm họa ma túy; lan tỏa thông điệp “Nói không với ma túy”, “Cùng nhau chung tay đẩy lùi ma túy”.
Các em học sinh giao lưu tại chương trình.
Bên cạnh các hoạt động trong khuôn khổ cuộc thi, học sinh, sinh viên các trường còn góp phần lan tỏa cuộc thi bằng nhiều ý tưởng, cách làm mới, thực sự là cánh tay nối dài, đắc lực trong công tác phòng chống ma túy như tuyên truyền, cổ động, hướng dẫn cho các học sinh, sinh viên khác...
Những dự án rất thiết thực của khối sinh viên đã triển khai thực tế và đem lại hiệu quả cụ thể, một ví dụ điển hình đó chính là dự án của Sinh viên Trường Đại học Đại Nam phối hợp với địa phương cùng dọn dẹp, thắp sáng nhiều khu vực trên địa bàn phường Phú Lãng (quận Hà Đông, Hà Nội).
Bà Nguyễn Thị Phương (người dân) cảm thấy rất đau lòng khi tận mắt chứng kiến nhiều học sinh, sinh viên sa ngã, thậm chí chết vì ma túy trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. "Khi biết cháu tôi cũng như các học sinh, sinh viên trên toàn quốc tham gia cuộc thi, biết và tránh xa ma túy, tôi rất mừng" - bà Phương chia sẻ.
Cuộc thi mang thông điệp sâu sắc, lan tỏa mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên trong công tác phòng chống ma túy với câu khẩu hiệu “Không thử, không giữ, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần”.
Còn theo Đại tá Hoàng Tâm Hiếu - Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, cuộc thi không chỉ là nơi học sinh, sinh viên thể hiện kiến thức, mà còn là nơi họ thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội, với tương lai của chính mình, chủ nhân của đất nước.
"Họ đã là những đại sứ tuyên truyền, lan tỏa thông điệp mạnh mẽ đến bạn bè, gia đình và cộng đồng xung quanh. Các em chính là những người đã, đang và sẽ tiếp nối sứ mệnh bảo vệ môi trường học đường trong sạch, xây dựng một cộng đồng không có ma túy” - Đại tá Hoàng Tâm Hiếu nói.
Thanh Hà