Chuyện chưa từng biết về NSND Trà Giang và bức tranh gây ám ảnh
- Thứ tư - 27/11/2024 06:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
NSND Trà Giang và NBK Nguyễn Thị Hồng Ngát. Ảnh: Quỳnh An
Năm 1987, vừa tốt nghiệp khoa Biên kịch ở Nga về, tôi được Giám đốc Hãng Phim truyện Việt Nam là NSND Hải Ninh nhận ngay về làm việc ở phòng Biên kịch. Trong phòng này lớn tuổi nhất, xinh đẹp nhất, tài năng nhất là nhà biên kịch Đoàn Lê. Chị vốn là diễn viên Khóa 1 nhưng sau chuyển sang viết và vẽ. Chị mất cũng dễ mươi năm nay rồi.
Buổi đầu tiên đi làm vào sáng thứ 3, tôi ngỡ ngàng vì số 4 Thụy Khuê tuy là một cơ quan nhưng lên làm việc toàn là tài tử giai nhân, những người đẹp, trai thanh gái tú có tên tuổi bước từ màn ảnh lớn xuống đang hiện hữu ở đây. Kia là NSND Trà Giang, NSND Tuệ Minh, NSND Ngọc Lan, NSƯT Lịch Du, NSND Trần Phương, vợ chồng NSƯT Lân Bích, Minh Đức…
Ngày niên thiếu được xem phim các nghệ sĩ đóng phim nay lại được làm việc cùng cơ quan với họ, được gặp họ không hàng ngày thì mỗi tuần cũng 2 lần vào thứ 3 và thứ 6 thật vui và cảm thấy mình may mắn, vinh hạnh.
Tôi quý mến kính trọng tất cả các anh chị nhưng riêng với NSND Trà Giang có chút đặc biệt hơn.
Chị xinh đẹp, ăn hình và có đôi mắt to buồn buồn, có giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ dễ nghe. Chị là học sinh miền Nam theo cha mẹ ra Bắc tập kết.
Thấy tôi chân ướt chân ráo ở Nga về đã có kịch bản được đưa vào sản xuất ngay nên chị quý lắm. Đó là kịch bản phim Một thời đã sống về Trường Sơn do NSƯT Xuân Sơn đạo diễn. Giám đốc Hải Ninh bảo: ''Anh giao cho anh Xuân Sơn làm là yên tâm phim sẽ hay vì bộ phim Chuyện cổ tích cho tuổi 17 do anh ấy đạo diễn vừa đoạt giải Bông Sen Vàng em ạ''.
Sâu xa hơn, NSND Trà Giang quý tôi còn là vì hồi đầu đời tôi làm việc ở Khu Văn công Mai Dịch được ông cụ thân sinh ra chị - đạo diễn Khánh Cao - rất quý. Ngày ấy mới ở tuổi 24 đang chiến tranh ác liệt, tôi đã có vở kịch thơ ngắn Người mẹ trẻ viết về B52 ném bom khu An Dương. Kịch bản được đoàn Văn công Liên khu 5 dàn dựng, anh Vĩnh Huế làm đạo diễn.
Bác Khánh Cao và gia đình ở tầng 2 khu nhà của đoàn văn công này. Bác còn chụp cho tôi và Hà - em gái chị Trà Giang một bức ảnh rất đẹp. Tôi còn chứng kiến anh Bích Ngọc - nghệ sĩ violin bế bé Trà (nghệ sĩ solist piano nổi tiếng Bích Trà bây giờ - PV) mấy tháng tuổi được gửi ở ông bà ngoại cho chị Trà Giang đi dự LHP Quốc tế Matxcova và tại LHP này chị đã nhận giải Diễn viên xuất sắc cho vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm.
Sau này gia đình chị chuyển vào Nam sinh sống, mỗi lần ra Bắc gặp mặt hay dự LHP là hai chị em đều có ảnh đôi. Khi tôi lên làm quản lý Hãng Phim truyện Việt Nam được chị và các anh chị diễn viên khóa 1 và khóa 2 rất ủng hộ bằng những công việc thiết thực.
Hãng kỷ niệm 40 năm, tôi đương nhiệm phải đứng ra tổ chức tại Nhà hát Lớn. Ngân sách ít ỏi nên chị Trà Giang đã xin được tài trợ thêm nên gỡ được khó khăn rất nhiều. Chị được Thủ tướng Phan Văn Khải ngày đó rất quý trọng nên chị mạnh dạn nhờ ông giúp đỡ. Tất nhiên ông không thể lấy tiền ngân sách mà ông nói với một doanh nghiệp lớn giúp hộ.
Tôi vốn cũng thật thà chỉ biết cảm ơn chị rất nhiều chứ cũng không khéo bày tỏ bằng hiện vật. Ngày ấy chúng tôi đều sống trong trẻo vậy, giúp được ai cái gì là giúp không nghĩ gì đến chuyện họ phải cảm ơn.
LHP ở Đà Lạt năm ngoái 2023 chị cũng ra dự. Từ ngày nghỉ hưu, chị chuyên tâm vào việc vẽ tranh. Những bức vẽ đầu tiên chị tặng anh em bạn bè ở Hãng Phim truyện Việt Nam. Tôi cũng được chị tặng 1 bức. Có 1 bức nét vẽ đầu đời tuy còn ngây thơ nhưng mang nỗi buồn sâu thẳm về người chồng - anh Bích Ngọc - mất sớm. Hình ảnh một mâm cơm giản dị có 2 cái bát, 2 đôi đũa thì 1 bát úp và 1 bát mở... Tôi ám ảnh mãi về ý tưởng của bức tranh này cho dù sau này chị vẽ rất đẹp rất nhiều đề tài khác nhau và đã có vài triển lãm. Các nhà sưu tập tranh mua giá khá cao nhưng tôi vẫn nhớ bức tranh kia của chị.
Yêu chị - một nghệ sĩ xinh đẹp tài năng sống vô cùng giản dị, giàu lòng yêu thương và luôn giữ gìn hình ảnh của mình đẹp mãi trong mắt người hâm mộ.
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát