Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Vụ 'Bé mẫu giáo tan học 3 ngày không thấy bố mẹ đến đón, cô giáo mở cặp sách thì ngỡ ngàng' gây tranh cãi

Con cái luôn là món quà quý giá, hạnh phúc với các bậc làm cha làm mẹ. Thế nhưng cũng có không ít những trường hợp, chỉ vì bố mẹ gặp trục trặc trong vấn đề hôn nhân đã biến những đứa trẻ vô tội phải chịu đựng nỗi đau của người lớn. Thậm chí một số bậc cha mẹ khi muốn bắt đầu một cuộc sống mới sau khi ly hôn, họ dễ dàng bỏ mặc đứa con mà họ từng dành hết tất cả yêu thương. Giống như câu chuyện của cô bé Tiểu Mỹ dưới đây.

Câu chuyện được chia sẻ bởi một cô giáo mầm non họ Triệu (Trung Quốc). Cô cho hay, vào một ngày kia khi tất cả các em học sinh tan học đều được bố mẹ đón về nhà thì chỉ có cô bé Tiểu Mỹ vẫn không có người thân đến đón. Cô Triệu đành ở lại cùng Tiểu Mỹ đợi bố mẹ vì nghĩ chắc bố mẹ bé còn bận việc chưa tới được.

Thế nhưng chờ mãi, hai cô trò vẫn không thấy bố mẹ, người thân của Tiểu Mỹ đến đón. Lúc này cô Triệu đành lục tìm số điện thoại của bố mẹ Tiểu Mỹ để liên lạc. Nhiều cuộc gọi qua đi vẫn không ai bắt máy.

Ảnh minh họa

Ngày hôm đó, cô Triệu đành phải dẫn Tiểu Mỹ về nhà và cho cô bé nghỉ ngơi tại nhà mình và chờ bố mẹ bé liên lạc, đến đón con. Suốt buổi tối ngày hôm đó, cô Triệu luôn để ý điện thoại nhưng tuyệt nhiên không có cuộc gọi nào đến từ phía phụ huynh của Tiểu Mỹ.

Điều kì lạ là ngày hôm sau khi cô giáo đưa Tiểu Mỹ đến trường, cha mẹ cô bé vẫn không đến gặp con. Tiểu Mỹ là đứa trẻ hiểu chuyện, kể từ lúc xảy ra vụ việc, dù bố mẹ không đến đón nhưng bé lại không khóc lóc hay gây rắc rối gì cho cô, bé ngoan ngoãn, vâng lời cô giáo khiến cô Triệu lại càng ngạc nhiên hơn.

Sau 3 ngày không liên lạc được với gia đình Tiểu Mỹ, cô Triệu thảo luận với hiệu trưởng nhà trường về hướng giải quyết. Tất cả đi đến quyết định tìm trong cặp sách của cô bé xem có thông tin địa chỉ nhà hay không. Và tất cả những người có mặt đã lấy làm lạ khi kiểm tra, trong ba lô của Tiểu Mỹ chứa đầy quần áo của bé.

Linh cảm có chuyện chẳng lành, phía nhà trường nhanh chóng tìm đến sự giúp đỡ của cảnh sát. Cuối cùng, địa chỉ nhà của ông bà Tiểu Mỹ được tìm thấy và toàn bộ sự thật được bật mí.

Hóa ra bố mẹ Tiểu Mỹ mới ly hôn và nói một cách chính xác, cả hai không ai muốn liên quan gì đến đứa trẻ này nữa. Trong lúc họ cãi nhau, người bố bỏ hai mẹ con Tiểu Mỹ ở lại, mẹ cô bé cũng nghĩ "Tại sao mình phải chăm sóc đứa bé?".

Cuối cùng, mẹ Tiểu Mỹ cũng đã nhét quần áo vào ba lô của con và đưa bé đi học. Cô nghĩ rằng ông bà sẽ đến đón đứa trẻ sau giờ tan học. Thế nhưng vì ông bà của Tiểu Mỹ lại không hề biết chuyện đó nên cũng đã không đi đón cháu gái. Biết được câu chuyện Tiểu Mỹ bị bố mẹ bỏ lại sau khi gia đình tan vỡ, ai cũng nghẹn ngào thương cô bé.

Nhiều người lên án bố mẹ đứa trẻ, nhưng một số khác lại cho rằng đây chỉ là câu chuyện câu view bên mạng xã hội Trung Quốc vì có không ít tình tiết vô lý, chẳng hạn như tại sao phải đợi đến ngày thứ 3 cô giáo mới mở cặp Tiểu Mỹ ra, không lẽ trong quá trình học ở lớp cô giáo chưa từng kiểm tra xem cặp sách học sinh mang theo những gì hay sao. Hơn nữa, bình thường với những tình huống thế này thì phải xử lý ngay, không thể đợi đến 3 ngày sau mới tìm cách giải quyết như thế được.

Dù không biết mức độ thực hư của câu chuyện như thế nào, tuy nhiên nó cũng là bài học dành cho các bậc bố mẹ cùng trong hoàn cảnh này. Ngoài câu chuyện kể trên, thực tế còn nhiều em bé khác cũng đáng thương không kém.

Đơn cử như một bé trai cũng từng gây xôn xao mạng xã hội cách đây ít lâu. Vào tháng 4/2020, có một bé trai 2 tuổi cũng từng bị bố mẹ bỏ lại ở nhà ga. Được biết, bố mẹ cậu bé cãi nhau, sau khi người mẹ bỏ đi, người cha cũng nhanh chóng lái xe đi mà không để ý đến con. Sự việc chỉ được giải quyết khi cảnh sát vào cuộc và liên lạc được với chú của cậu bé, người đã đến đón cháu về an toàn.

Như đã nói ở trên, mọi đứa trẻ chào đời đều là món quà vô cùng quý giá mà tạo hóa ban tặng cho các bậc làm cha làm mẹ. Thế nhưng trong cuộc sống đôi khi vì một lý do nào đó chúng vô tình lại bị chính cha mẹ của mình bỏ rơi, trở thành người đón nhận hậu quả khi bố mẹ cãi nhau, chia tay.

Cha mẹ cãi nhau, bất hòa ảnh hưởng lớn đến con cái:

- Đứa trẻ trưởng thành có nhiều khuyết điểm: Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình không hoàn chỉnh thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về nhân cách. Một số trẻ có thể trở nên nhạy cảm và thiếu tự tin, trong khi những trẻ khác lại rụt rè và nhút nhát. Có những em chọn cách thu mình lại hoặc nổi loạn, trong khi một số khác dễ cáu kỉnh và thậm chí có hành vi bạo lực. Những khiếm khuyết này có thể ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ.

- Đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn: Nhiều đứa trẻ tin rằng những cuộc cãi vã của cha mẹ là do chính chúng gây ra, điều này làm tăng thêm gánh nặng tâm lý cho chúng. Nỗi sợ hãi, bất an, căng thẳng dày vò trong thời gian dài sẽ khiến trẻ mất đi cảm giác an toàn.

- Không dám lập gia đình: Bởi vì cha mẹ thường cãi nhau trước mặt con cái, điều này có thể khiến con cái sợ kết hôn khi lớn lên, thậm chí không muốn kết hôn vì sợ sẽ rơi vào hoàn cảnh giống như cha mẹ.

Chính vì thế, khi bố mẹ có những bất đồng, cãi nhau, hãy làm với con mình:

- Thành thật với con: Nói với con bạn rằng việc bố và mẹ bất đồng quan điểm trong mọi việc là điều bình thường và không có điều gì là hoàn hảo.

- Làm hòa trước mặt con: Nếu có xung đột trước mặt trẻ, hãy làm hòa trước mặt con. Đừng chỉ trích hay la mắng nhau trước mặt con cái. Hãy cho con biết rằng những cuộc cãi vã chỉ là tạm thời và mọi xung đột sẽ qua đi.

- Nói với con rằng bố mẹ vẫn yêu con.

- Đừng bắt con phải đứng về bên nào: Hãy nói với con rằng "Chuyện của bố mẹ không liên quan gì đến con". Đừng đặt gông cùm lên con quá sớm. Chúng không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc tồi tệ của bố mẹ.

Và cuối cùng, nếu phải đi đến kết cục chia tay, ly hôn như trường hợp của cô bé Tiểu Mỹ ở trên, bố mẹ cũng hãy thu xếp ổn thỏa:

- Trò chuyện trực tiếp với con: Trong bối cảnh gia đình có sự thay đổi, việc trò chuyện với trẻ về ly hôn là rất quan trọng. Cha mẹ nên giải thích lý do ly hôn một cách đơn giản, dễ hiểu và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Điều này giúp trẻ nhận thức rõ hơn về tình huống. Đồng thời, cha mẹ cần tạo không gian để trẻ bày tỏ cảm xúc của mình, dù là buồn bã, tức giận hay lo lắng. Việc lắng nghe và chấp nhận cảm xúc của trẻ sẽ giúp trẻ cảm thấy được hỗ trợ và an toàn trong giai đoạn khó khăn này.

- Duy trì mối quan hệ: Khuyến khích trẻ duy trì mối quan hệ gắn bó với cả bố và mẹ là điều rất quan trọng. Việc này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được yêu thương mà còn giúp trẻ tránh cảm giác bị bỏ rơi. Cha mẹ nên tham gia vào các hoạt động chung với trẻ, như đi dạo, chơi thể thao hoặc xem phim, để tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ và tăng cường sự kết nối trong gia đình.

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây