Trong lòng đêm tháng Chạp...
- Thứ bảy - 11/01/2025 15:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trên chiếc xuồng máy đưa tác giả và đồng nghiệp ra đảo.
Đêm tháng Chạp gợi lên nhiều dư vị. Đêm là khoảnh khắc tận cùng của một ngày và tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm. Tôi vẫn thao thức nằm đó, trằn trọc nghe tiếng lòng mình chìm sâu vào thinh không, tĩnh lặng. Ngoài trời, mưa gieo mình trên tán lá, mưa tí tách trên mái hiên khiến đêm càng thêm cô tịch. Tôi cảm nhận rất rõ ràng sự chảy trôi của thời gian, sự hữu hạn của đời người và nỗi bất lực của chúng ta trước sự vận hành kiên định và khắc nghiệt ấy. Sự chảy trôi ấy vừa là thử thách nhưng chính nó cũng là động lực thôi thúc. Để khi ngoảnh mặt nhìn lại hành trình đã đi qua, mình vui sướng vì biết rằng mình đã thực sự sống chứ không phải là tồn tại. Lòng tôi bất giác chộn rộn lên câu hỏi như một lời tự vấn: “Năm qua, tôi đã làm gì?”.
Cơn đau tột cùng và niềm hạnh phúc tột độ là những trạng thái cảm xúc mở đầu năm Giáp Thìn 2024 của tôi. Giây phút được chào đón một sinh mệnh bé bỏng mà mình đã ngóng đợi suốt 9 tháng 10 ngày là điều thiêng liêng, tuyệt vời xiết bao đối với gia đình tôi trong năm qua. Tôi đã mạnh mẽ bước qua một trong những dấu mốc quan trọng nhất cuộc đời mình. Bế con trên tay, ôm con vào lòng, nhìn con từng ngày lớn lên.., từng chút, từng chút một đều khiến trái tim người làm mẹ thổn thức.
“Thời gian như bóng câu ngoài cửa sổ”, mới đó thôi đứa trẻ cất tiếng khóc oe oe báo danh với cuộc đời nay đã sắp sửa lên 1 tuổi, đã chập chững bước đi đầu tiên. Lặng ngắm đứa con trai bé bỏng đang say giấc nồng, tôi hít hà mùi thơm, tôi khẽ khàng sát lại để lắng nghe nhịp thở. Khi tôi đang già đi từng ngày thì song song với đó, những đứa trẻ của tôi sẽ từng ngày lớn lên. Với tôi, “con cái là của trời cho”, mỗi đứa trẻ đến với thế giới này như một món quà mà tạo hóa ban tặng. Con trẻ dạy chúng ta lớn lên. Sự hồn nhiên của trẻ dạy ta cách sống có trách nhiệm, biết quan tâm, sẻ chia, dạy ta về tình yêu, lòng nhân ái... Cảm ơn cuộc đời vì đã cho tôi hạnh phúc lớn lao ấy. Và tôi nỗ lực sống từng ngày với sự biết ơn.
Nghĩ về một năm đã qua, mỗi ngày của tôi chẳng bao giờ tách rời khỏi công việc. Trong đêm, những nơi tôi đã đặt chân đến, những con người tôi đã gặp, những câu chuyện tôi đã dụng công lắng nghe... cứ thế hiển hiện chân thực, sắc nét.
Tôi thấy mình đã hồ hởi về với núi rừng, men theo những con đường mòn, dốc núi, đã luồn sâu vào rừng, ngã sóng soài bên mép suối và suýt trượt chân xuống vực khi quyết tâm theo nhịp bước quân hành của người lính biên phòng để được chạm tay vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng trên tuyến biên giới.
Tôi nhớ chuyến đi đảo đầy thú vị cùng đồng nghiệp trên chiếc xuồng máy do ngư dân cầm lái. Chiếc xuồng nhỏ cứ thế chở chúng tôi lướt nhẹ trên mặt sóng lấp lánh ánh bạc. Càng tiến gần đến đảo, khung cảnh thiên nhiên của một vùng biển trời quê hương càng thêm tươi đẹp, thu hút. Cái cảm giác ngồi trên thuyền, chốc chốc lại vô thức giật mình vì đàn cá nhỏ, tươi rói nảy mình tanh tách lên khỏi mặt biển mang đến sự mới mẻ, thích thú. Hình ảnh những chòi canh ngao của ngư dân nằm rải rác trên mặt biển gợi lên trong lòng chúng tôi cảm giác ngậm ngùi, rưng rưng...
Đêm nối dài kỷ niệm của tôi với nghề. Tôi nhớ về chàng trai cùng tuổi mà mình đã gặp ở ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ trong khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông được xây dựng nên từ chính sách an sinh xã hội, quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nụ cười hiền bừng sáng trên gương mặt rám nắng rắn rỏi. Cậu thẳng thắn chia sẻ về cuộc sống thiếu khó, bấp bênh, vô định của mình cùng gia đình trên chiếc thuyền nhỏ khi còn lênh đênh sinh sống trên sông. Tôi đã sững lại trong phút chốc khi biết rằng cậu sống hơn 30 năm cuộc đời mà chẳng có nổi tờ giấy khai sinh, chưa bao giờ biết tới niềm vui được cắp sách đến trường. Cậu ngại ngùng nói với tôi, cậu không biết chữ.
Nhưng giờ đây, cậu ấy gánh vác gia đình bằng ý chí, nghị lực của người thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương vợ con, biết lo nghĩ cho tương lai. Cậu bươn chải với đời bằng đôi bàn tay chăm chỉ, bằng sự chịu thương chịu khó... “Cố gắng để lo cho con cái đủ đầy, không phải chịu cảnh giống mình”, câu nói mộc mạc vậy mà tôi thương và cảm phục vô cùng. Câu chuyện của cậu và nhiều người dân chài nơi đó giúp tôi đạt được chút thành tích nho nhỏ với nghề. Nhưng hơn thế, tôi càng có cái nhìn sáng rõ hơn về những phận đời trong xã hội, về ý chí, nghị lực sống và tác động lớn lao, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những chính sách an sinh xã hội...
Vậy đấy, một năm - 365 ngày của tôi gói gọn vào gia đình và công việc. Lẽ dĩ nhiên, xoay quanh đó còn là những mối quan hệ xã hội, những “công to việc lớn” khác nhau nhưng cốt lõi nhất, nền tảng vững vàng nhất trong cuộc sống của một con người vẫn là gia đình và công việc. Có một ngôi nhà để trở về, có một mái ấm gia đình để cùng nhau vun vén, thắp lửa, có một công việc để khẳng định mình... là đã đủ đầy, trọn vẹn.
Tiếng con trẻ ọ ẹ trong đêm cắt ngang những dòng suy nghĩ miên man. Trong lòng đêm tháng Chạp, tôi thấy mình là người may mắn...
Bài và ảnh: Nguyên Linh