Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Thuyền giấy

Có một lần hết giấy, tôi đánh liều lấy trộm quyển sách của cha. Dù chưa biết chữ nhưng tôi đoán trang giữa chắc ít người để ý nên lén xé nó, cất trong áo ra suối gấp thuyền thả trôi như mọi lần. Hiềm nỗi hôm ấy nước suối rất lạ, mãi không đẩy thuyền đi xa được cho đến khi có một bàn tay vớt con thuyền lên…

Thầy Khôi giở con thuyền giấy ra, nó vừa nhúng nước nên chưa tan biến. Ôi trang thứ 125 của một câu chuyện. Câu chuyện ấy thầy đã đi tìm khắp các thư viện các trường mà không có. Thầy chạy theo tôi vừa hổn hển thở vừa cố giải thích: “Cháu bé đừng sợ, hãy nói xem cuốn sách ấy đang ở đâu”.

Minh họa: Hiền Nhân.

Thầy Khôi đâu biết tôi có biệt hiệu là “gấu con” - một thằng bé cô đơn lầm lì và táo bạo. Cha tôi luôn vắng nhà, mẹ tất bật, tôi chỉ thiếu nước leo lên chọc thủng trời xanh kia là chưa làm được. Tôi nằm trên Gò Mốc thở mà đâu biết thầy Khôi ôm ngực đau quặn.

Thầy Khôi vốn ở dưới xuôi. Gia đình đi tản cư rồi lưu lạc, thầy quay về Hà Nội học rồi trở thành sinh viên một trường đại học. Trong những năm ấy, thầy bắt đầu đam mê viết sách. Viết, đọc, tìm kiếm tư liệu trong sự say mê ráo riết và cuối cùng ôm chiếc va ly da mà phần lớn là sách vở ngược lên vùng bán sơn địa này.

Miền núi xa xôi vốn chẳng có cấp học tương đương, thầy tình nguyện xuống cấp II rồi sau đó đến điểm trường lẻ dạy cấp I. Ít ai ngờ, sau cặp kính trắng, dáng người thấp đậm là một người đàn ông không bao giờ bỏ cuộc. Đêm đêm, một tay thầy cầm thanh củi vào đuốc, một tay vẫn lần giở từng trang sách. Sốt rét đến đứng không vững thầy vẫn chống gậy đi. Mùa đói, người đàn ông ấy vác thuổng dài đào củ mài, mùa rét lại đập vỏ cây nhét vào vỏ chăn cho thêm ấm. Cam go đến đâu, thầy vẫn trụ lại được, thành một cái cây lớn mà mỗi tán lá xòe ra là chữ nghĩa.

Tôi sợ quá nên chạy về đến nhà liền đem giấu quyển sách ấy đi. Một đêm mưa, cha tôi về, quần áo ướt sũng. Tôi cũng không hiểu sao cứ mưa như thế ông mới trở về. Mẹ tôi cầm cái bọc cha đưa cho rồi lặng lẽ cất vào cái hòm luôn đóng kín. Sáng hôm sau, điều bất ngờ xảy đến, tôi được mẹ đưa tới trường dẫu còn một năm tuổi thơ nữa. Người lớn dắt những đứa con đuổi theo những chuyến xe sắp lăn bánh gấp gáp cho kịp một thời cơ nhưng vô tình hằn sâu nỗi âu lo trong lòng trẻ.

Ban đầu là một cô giáo dạy lớp tôi. Cô hay cười, dạy trò chơi và kể chuyện. Nhưng một buổi sớm cô khẽ bảo: “Vậy là chúng ta phải tạm biệt nhau rồi”. Lớp được trả lại cho thầy giáo. Thầy Khôi bước vào lớp, áo dạ đã phải mạng nhiều vết, tóc điểm bạc bên thái dương, cặp kính dày và nặng đứng trước lũ trẻ như một nhà bác học bước ra từ trang sách.

Nhưng lũ trẻ chẳng có cơ hội để đùa nghịch bởi một ảo thuật gia tài ba.

Hóa ra ở đâu trời cũng xanh, mây cũng trắng, dòng sông cũng đầy ắp cá tôm và trẻ em đều tinh nghịch hồn nhiên. Chẳng có con thuyền nào đi xa được, chẳng có chiếc máy bay nào có thể lượn khắp trái đất và không có con đường nào dẫn lối cho chúng ta đến thôn cùng xóm vắng, làng xa… bằng chính những con chữ.

Chỉ một viên phấn, thầy lướt nhanh một nét liền, bản đồ đất nước hình chữ S hiện lên. Không cần đọc sách, thầy kể về các trận đánh của tổ tiên như thể có một bộ phim đang chiếu trên bảng. Con hạc giấy được thầy gấp khéo như thể sắp vút lên trời xanh… và thú vị nhất là những bài toán được thầy biến thành trò chơi sau giờ lên lớp. Hết trốn tìm, đóng kịch đến leo đồi, sự bất ngờ là những con số, cộng, trừ, nhân, chia là những nguyên cớ. Lũ trẻ đến trong sương mà như đi trong mơ, thầy Khôi vừa như phiến đá để chúng trèo lên nô đùa vừa vững vàng chắn gió bão.

Tôi không hề hay biết mình đã thành một đứa choai cao lộc ngộc, cầm bát bát vỡ, làm cỏ ngô cuốc phải ngô, phát cỏ xoan chém phải xoan, hớ hênh mà vụng dại, điều bí mật như hạt mầm chôn sâu sớm muộn cũng chồi lên mặt đất.

Thầy đã sai lầm khi nhiều lần đợi một đứa trẻ vừa nhút nhát và lầm lì lên tiếng. Vốn dĩ chỉ là một cuốn sách không có gì quan trọng nhưng chính sự tìm kiếm của thầy và sự lo sợ về cái trang bị xé khiến tôi đã vô tình đẩy câu chuyện đi xa hơn.

***

Chiều ấy, mưa lại đến như trút, dưới mái hiên một bóng đen xuất hiện, cha tôi lần này trở về với cái túi lép kẹp, bộ mặt như trái cây héo và đôi mắt vằn lên những tia lửa đỏ của sự hằn học. Sáng sớm hôm sau, có lẽ chính xác hơn phải là cuối đêm, bởi chưa có tiếng chim rừng nào cất lên, tôi đã nghe tiếng mẹ và bố nói với nhau. Bố tôi ra đường như thế nào không rõ nhưng trước mẹ và tôi, chưa bao giờ ông nói một câu nặng nề, ông cưng chiều hai mẹ con như báu vật. Mẹ tôi có quyền, một quyền hành của sự yêu thương và sắc sảo. Mẹ nói gì đó rất nhỏ, giọng thanh, nửa như giảng giải, nửa như thanh minh. Bố nói gì đó giọng trầm đục khó nghe. Khi ánh sáng hắt vào song cửa, tôi ngó ra sân thấy một chiếc xe đỗ ngay chỗ gốc cây nhãn cổ thụ. Trên xe từ lúc nào đã chất đầy đồ đạc của gia đình tôi. Tôi kịp hiểu ra những gì cần cho một chuyến đi xa đều đã gói ghém, nghĩa là không còn cơ hội nào để nán lại. Mẹ hỏi tôi:

- Con cần mang theo gì không, trừ sách vở?

- Sao lại không cần sách vở mẹ?

- À, vì con chưa đủ tuổi, năm nay chỉ là dự thính thôi, đến nơi ấy con sẽ được học lại từ đầu.

Tôi bàng hoàng khi biết tin đó, chẳng nghĩ được gì nhiều, tối vớ lấy hộp bút rồi bước lên xe mà chẳng biết sẽ phải làm gì nữa. Cửa xe đóng sập lại, bỗng vang lên tiếng đập từ ngoài cửa kính. Trên xe chật ních đồ, tôi cố ngoi lên nhìn và thấy thầy Khôi đang gõ vào chỗ ghế lái. Hình như người lớn nói lời qua tiếng lại một chuyện gì đó. Lát sau thầy Khôi đứng chăm chăm nhìn đống rác đang cháy ngùn ngụt, trong đó có cái túi thổ cẩm mà tôi cất giữ cuốn sách. Bỗng dưng tôi như người được trút bỏ gánh nặng, hả hê và khoái chí nhìn cái dáng thầy cứ xa dần, xa dần.

“Cốc”, ai vừa cốc vào trán làm tôi bừng tỉnh. Cả lớp như đàn ong râm ran tiếng đọc bài. Thì ra tôi vừa mơ, giật mình khi trước mặt là thầy Khôi. Thằng Vinh búng vào má tôi: “Ê, dậy đọc bài đi bay” - nó nói như ra lệnh. Tôi chẳng kịp định thần, chưa thoát được vai trong mơ đã nhập vai thực tại khoanh tay trước thầy khai ra rất cả.

Xế trưa, lũ bạn đang đói được tôi “khao” một trận cười hả hê. Sao có một kẻ ngu muội đến thế. Kể tuốt tuồn tuột rồi lướt thướt ngẩn tò te. Thầy Khôi lấy kính ra lau, càng lau mắt thầy càng nhòe, đầu thầy hói rõ rộng, bóng nhẫy và rộng như cái sân bóng phía dưới đồi, lũ trò chiu chít như chim sẻ. Thầy gọi chúng tôi lại, kể hết một mạch về cuốn sách mà thầy đã được đọc. Một cuốn sách kỳ lạ về hành trình một cậu bé không may bị liệt đôi tay đã dùng chân viết chữ và những gì cậu viết đã lan tỏa khắp các vùng đất trên thế giới. Hóa ra ở đâu trời cũng xanh, mây cũng trắng, dòng sông cũng đầy ắp cá tôm và trẻ em đều tinh nghịch hồn nhiên. Chẳng có con thuyền nào đi xa được, chẳng có chiếc máy bay nào có thể lượn khắp trái đất và không có con đường nào dẫn lối cho chúng ta đến thôn cùng xóm vắng, làng xa… bằng chính những con chữ.

Cuốn sách ấy thầy đọc từ nhỏ, suốt tháng năm tuổi trẻ đi tìm và đang ở trong chính ngôi nhà tôi. Chiều ấy, tôi dẫn thầy đến nhà, ngôi nhà của hai người làm nông nhưng nhiều sách đến kỳ lạ. Điều khó hiểu ấy chỉ được giải đáp khi thầy khuỵu hai gối xuống, đón từ tay mẹ tôi ba nén hương và khấn niệm: “Con là Lê Đình Khôi, nay mới tìm được đến thắp hương viếng thầy, mong thầy đại xá cho sự chậm trễ này…”.

Hóa ra ông ngoại tôi là thầy giáo trước khi làm thầy lang, nghề nào cũng tạo đức cho đời. Cha tôi đứng sững ngoài cửa từ khi nào, tay nải rớt xuống, từ ấy ông không còn đem bán những thứ đồ cổ cho cánh lái buôn nữa. Nhưng đúng lúc đó, tiếng ai đó hét lên, lửa từ vạt rừng đang lan đến lớp học, thầy Khôi lao đi bằng đôi chân mập và ngắn, dáng thấp đậm mà quả quyết. Sách, những cuốn sách mà cả đời thầy ấp ủ mang đến nơi này như bảo bối đang thành mồi ngon của lửa.

Chiều ấy, cha tôi và những người đàn ông trở về mặt đen nhẻm khói bụi và chúng tôi không bao giờ còn được thấy thầy nữa. Những đứa trẻ không tin được vào sự mất mát cứ ngơ ngác như thể thầy chỉ vừa mới khuất sau những tảng đá kia. Riêng tôi, tôi đã gấp xong con thuyền giấy và thả trôi theo dòng suối, con thuyền mang theo bao điều ước cứ dần khuất xa đến vô cùng.

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây