Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Ông già hừng đông

“… Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi

Để một mai vươn hình hài lớn dậy

Ôi cát bụi tuyệt vời

Mặt trời soi một kiếp rong chơi…”

(Cát bụi - TCS).

Ảnh minh họa.

Sáng nào cũng vậy, hình như đó là thói quen, tôi đến một quán cóc quen thuộc, ngồi uống một ly cà phê, nhìn ra công viên thấy nhiều người già, lẫn những bà sồn sồn tập thể dục, bỗng dưng tôi thấy cuộc đời sao mà ngắn thế!

Không tin, cứ nhìn bước chân họ thì rõ! Hình như đối với người già họ sợ thời gian, họ muốn “Off” thời gian, nhưng thời gian cứ thế mà “On”, còn người già cứ thế mà… “Old”!

Tiếc rằng, đa số những người trẻ, lúc còn trẻ họ sống phung phí tuổi xuân, nhưng đến lúc về già, họ mới giật mình nhìn lại đời mình “bỗng đã xanh rêu!”.

Chớm hừng đông, đường thưa, không khí trong lành, cái thời khắc ấy thích hợp cho những người già tập thể dục, mơ ước sống lâu như ông Bành Tổ, hoặc ít ra cũng đến bách niên… Nhất là những người giàu sang, lắm của, nhiều bạc vàng, châu báu, đất thì bao lô, nhà thì bao la, họ sợ chết trên đống của, mà bao đời dành dụm, nhưng chưa kịp hưởng, thì đã ngủm củ tỏi!

Đến quán cà phê cóc này lâu rồi, tôi làm quen với một ông già mỗi sáng hừng đông đều đặn đi tập thể dục. Tôi nhìn ông qua quần áo, giày dép hàng hiệu, tai đeo ống nghe (đừng tưởng ông điếc), hai sợi dây loòng-thoòng, chỉ có khuôn mặt ông hơi… ngơ ngơ (hình như ai đeo tai nghe, nhìn mặt ngơ ngơ làm sao ấy!), lưng đeo bao tử heo bên trong đựng máy phone Sony. Ông nói, nghe âm nhạc có thể chữa được bệnh, nhưng coi chừng có một số bài hát của những ông (bà) “bỗng dưng thành nhạc sĩ” sáng tác, nghe rồi muốn bịnh luôn đó nghe! (Tôi thích câu nói này của ông).

Không biết tên ông, có lần tôi định hỏi, nhưng tôi ngại vì sợ mang tiếng là “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nên tôi tạm gọi ông là “Ông già hừng đông”, vì vào giờ này, sau “tiết” thể dục, ông già hừng đông ghé quán này uống ly cà phê.

Ngồi đối diện với ông tôi thấy cũng vui vui… Nhấp một ngụm, ông kêu thêm đường, ông nói với tôi, về già ông bỗng dưng “thèm ngọt!”. Tôi đùa với ông, thèm thì không sao, nhưng “hảo” thì hãy coi chừng “hồi-dương liệt-lão” đấy! Nghe tôi nói câu này, ông tỏ ra thân thiện với tôi, “chú mày coi bộ chơi được”. Ông là người rất dễ thân thiện và vui tính. Ông nói ông mê nhạc TCS, “… Bao nhiêu năm làm kiếp con người/ Chợt một chiều tóc trắng như vôi/ Lá úa trên cao rụng đầy/ Cho trăm năm vào chết một ngày …” (Cát bụi). Tôi nhìn tóc ông còn đen, ông cười, ậy, tôi nhuộm ấy mà… già rồi. Như thể trúng đài, ông phấn chấn hẳn lên: Về già, tôi khoái câu nói của TCS: “Đừng bao giờ nói tôi già rồi em ạ, vì nói như thế là một điều vô lễ…”.

Lâu rồi, dễ chừng mấy tuần lễ, không thấy ông già hừng đông ghé uống cà phê, tôi thấy nhớ ông - nhớ ông già hừng đông vui tính - dẫu sao tôi quen ông một thời gian cũng khá lâu, và có lần ông hứa, hôm nào ông dẫn tôi về nhà ông uống rượu rồi sẽ kể lại cái thời vàng son của ông. (Ông nói nếu cần, sẽ cho tôi xem cái lý lịch trích ngang, để chứng tỏ rằng ông không nói dóc). Tôi thăm dò… chắc trước đây ông làm lớn lắm, ông nói cũng không lớn gì, nhưng có thể dẹp được cái đám lôm côm thấy mà ngứa con mắt?

Một thời gian khá lâu, tôi không biết vì lý do gì mà ông không đi tập thể dục nữa, vì tôi đang nhớ ông, đành phải hỏi bà chủ quán cà phê, bà chợt ngó ly cà phê đang khuấy trên tay, rồi nói với tôi rằng, ông “đi về nơi xa lắm!” nghĩa là ông đã “Passed away”! Tôi giật mình, nhưng cố bình tĩnh lại, và nói với bà rằng, chết thì nói chết cho rồi, bày đặt nói tiếng Anh? Bà cũng không chịu thua, nói chú thông cảm, tôi già rồi nên tôi dị ứng chữ “Chết” lắm! Tôi nói để khỏa lấp nỗi buồn: Bà đừng sợ, vì có “Sự sống sau khi chết” như BS Raymond A. Moody Jr. đã viết một cuốn sách nói về vấn đề này.

Tôi thoáng buồn… dẫu biết rằng già rồi thì phải ra đi, nhưng đi đột ngột như “Ông già hừng đông” làm tôi tiếc! Và như mọi buổi sáng hừng đông này, cũng nơi quán cà phê này, ngồi nhìn qua bên kia công viên lại thấy nhiều ông già “hừng đông” đang tập thể dục!!!

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây