Nỗi sợ từ tiệc độc thân ở tuổi 30
- Thứ hai - 13/01/2025 11:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chi phí ở bữa tiệc độc thân khiến không ít người ngán ngẩm.
Ellie Harrison là biên tập viên đài truyền hình ở Anh. Trong bài viết gần đây trên The Independent, cô đã chia sẻ ý kiến riêng và nỗi lo về tổ chức tiệc độc thân.
Khi tôi bước sang tuổi 30, nhiều người xung quanh chia sẻ với tôi những lời khuyên nghe có vẻ rất hay ho. Họ nói rằng lo âu sẽ biến mất ở độ tuổi này và tôi sẽ tìm thấy "chính mình". Nhưng nó chẳng đúng lắm.
Họ cũng nói rằng cơ thể sẽ “trả đũa” cho tất cả những gì bạn đã làm với nó trong những năm 20 tuổi, còn quá trình trao đổi chất thì bỏ chạy và cười nhạo bạn. Chuẩn không cần chỉnh. Nhưng điều mà chẳng ai chịu nói cho tôi biết là tôi đang bước vào một thập kỷ của "địa ngục tiệc độc thân".
Tin hay không thì tùy, nhưng năm 2025 này, vẫn có cách để tổ chức một bữa tiệc độc thân không điên rồ hay đốt sạch túi tiền. Hiện tại, tôi đang ở trong một nhóm WhatsApp tên là “Hen Hen Hen” - nghe tên thì khá đáng sợ, nhưng nội dung bên trong lại khá bình thường.
Một nhóm bạn đang tổ chức một chuyến đi cuối tuần trước đám cưới của người bạn thân nhất. Điều quan trọng là chuyến đi diễn ra trong chính đất nước chúng tôi sống, không quá tốn kém. Và chúng tôi sẽ tự tạo niềm vui với những hoạt động “cây nhà lá vườn”.
Tuy vậy, tôi đã nghe vô số câu chuyện “kinh hoàng” mà bạn bè kể về những lần họ phải chi hàng trăm bảng Anh cho tiệc độc thân, thường là ở nước ngoài. Đây là những bữa tiệc mà họ chẳng hề muốn tham gia hay thậm chí không đủ tiền để đi.
Ám ảnh chi phí
Theo nghiên cứu từ Aviva, những người tham gia tiệc độc thân tại Anh thường phải bỏ ra trung bình 779 bảng Anh (khoảng 24,3 triệu đồng). Nếu ở nước ngoài, con số này tăng lên tới 1.208 bảng Anh (gần 37,8 triệu đồng). Đây là một khoản tiền khổng lồ mà nhiều người chỉ chi trả để tránh bị mang tiếng là “bạn bè tồi” hoặc tệ hơn là không có tiền.
Một người bạn của tôi run rẩy kể rằng cô ấy đã tiêu hết 650 bảng Anh (gần 20,3 triệu đồng) chỉ cho vé máy bay, taxi và chỗ ở, trước khi cô ấy kịp đặt chân đến Tuscany để tham dự tiệc độc thân kéo dài 5 ngày.
Ellie Harrison nghe nhiều câu chuyện khi tham gia tiệc độc thân phải tiêu tốn hàng nghìn bảng Anh.
Cô cũng biết rõ rằng, khi đến nơi, sẽ còn rất nhiều chi phí phát sinh khác, từ nguyên liệu pha cocktail, những bữa ăn sang chảnh, đến cả đồ ăn nhẹ cho buổi bơi lội bên hồ. Vào đêm thứ hai, cô dâu tương lai đã giận dỗi bỏ đi vì cảm thấy không vui khi mọi người đi ngủ quá sớm.
Một người khác thì liên tục mất ngủ vì cảm giác tội lỗi khi phải từ chối tiệc độc thân của anh rể mình. Lý do là chuyến đi sẽ tiêu tốn gần 1.000 bảng Anh trong chưa đầy 36 tiếng ở Latvia, với lịch trình dày đặc gồm bắn súng sơn, đạp xe uống bia và đá bóng.
Tất cả đều do các công ty chuyên "moi tiền" các nhóm lớn. Phần lớn những người tham gia thậm chí còn chẳng quen nhau, ngoài những lần gặp thoáng qua trong các dịp sinh nhật. Giờ đây, họ phải thức dậy trong cùng một chiếc giường, ngửi mùi bia từ hơi thở của nhau.
Tệ hơn nữa, nhiều người còn phải tham dự nhiều bữa tiệc khác nhau, một buổi ở quê nhà, một buổi ở nước ngoài, một buổi dành cho gia đình. Chỉ trong chớp mắt, toàn bộ ngân sách kỳ nghỉ và ngày phép cả năm đã bị “nuốt chửng” bởi những chuyến đi và hoạt động mà chúng ta hầu như chẳng có tiếng nói.
Trên các diễn đàn như Reddit, tràn ngập những bài đăng về các bữa tiệc độc thân bị hủy hoặc mất đi nửa số người tham gia vì chi phí leo thang. Một người viết: “Mọi người có mất trí không vậy? Tôi chưa từng thấy ai phớt lờ ngân sách đến vậy. Dù sao, tôi cảm thấy thật tệ cho cô dâu vì cô ấy sẽ đối mặt với một buổi tiệc có ít người tham dự”.
Vậy đấy, “địa ngục tiệc độc thân” là có thật. Liệu đã đến lúc chúng ta nên suy nghĩ lại và quay về với niềm vui đơn giản thay vì tiêu tốn quá nhiều tiền và sức lực cho những bữa tiệc mà chính chúng ta chẳng thật sự muốn tham gia?
Đến lúc thay đổi
Câu hỏi được đặt ra cho các cô dâu tương lai là những buổi tiệc này thực chất là dành cho ai? Liệu tất cả màn phô trương hào nhoáng này có thực sự là điều người sắp kết hôn mong muốn? Có phải họ muốn tất cả bạn bè thân thiết và người thân trong gia đình mình sẽ đến ngày trọng đại trong tình trạng kiệt quệ về tài chính và chất chứa sự oán trách?
Hay tệ hơn, phải bỏ lỡ tiệc cưới hoàn toàn? Hoặc đây chỉ là áp lực đè lên vai phù dâu hoặc phù rể - những người cảm thấy bị ép buộc phải tổ chức “bữa tiệc độc thân hoành tráng nhất từ trước đến nay”?
Mỗi khi có một cặp đôi thông báo đính hôn, tiêu chuẩn lại bị đẩy lên cao hơn. Mọi bữa tiệc sau đó phải hoành tráng hơn những lần trước.
Nhiều người ép buộc tham gia chỉ để giữ mối quan hệ bạn bè.
Sự bất bình đẳng về thu nhập giữa bạn bè khi chúng ta bước sang tuổi 30 lại càng làm vấn đề trầm trọng hơn. Trong những năm 20 tuổi, nhiều người trong chúng ta có mức lương khởi điểm tương tự và đối mặt với những thách thức giống nhau: làm sao để số tiền đó đủ chi trả tiền thuê nhà, mua vài cốc bia cuối tuần và sắm một chiếc áo khoác mới.
Việc tham gia tiệc độc thân chẳng khác gì khoảnh khắc khó xử khi chia hóa đơn tại một nhà hàng. Với người có thu nhập cao, họ coi đó là một dịp thú vị, đáng giá cho những nỗ lực làm việc cật lực. Nhưng với người thu nhập thấp, đây có thể là một quyết định tài chính đẩy họ vào nợ nần, hoặc khiến họ không thể đi chơi suốt cả tháng sau đó.
Từ góc nhìn của tôi, mọi thứ không nên phức tạp đến thế. Chúng ta liên tục than phiền với nhau về sự điên rồ của các buổi tiệc độc thân ngày nay. Chúng ta phàn nàn về những bữa tiệc mà mình đã buộc phải chi trả, và hứa hẹn rằng “sẽ không bao giờ nữa”.
Nhưng rồi, một ngày nọ, đến lượt chúng ta phải tổ chức một buổi tiệc. Và để “bằng chị bằng em”, chúng ta lại đẩy những người bạn thân thiết vào vòng xoáy địa ngục mà trước đây mình từng chỉ trích. Và cứ như thế, chu kỳ khủng khiếp này lại tiếp diễn.
Đúng là không thể đặt giá trị vật chất lên tình bạn, nhưng cần phải thay đổi. Theo CNBC, để giảm bớt gánh nặng tài chính khi tham dự các sự kiện này, dưới đây là năm gợi ý:
Lập ngân sách cụ thể: Xác định số tiền bạn có thể chi tiêu và tuân thủ ngân sách đó để tránh chi tiêu quá mức.
Chia sẻ chi phí: Nếu có thể, hãy chia sẻ chi phí đi lại và chỗ ở với những người tham dự khác để giảm bớt gánh nặng tài chính.
Mua sắm thông minh: Tìm kiếm ưu đãi và giảm giá khi mua quà tặng hoặc trang phục để tiết kiệm chi phí.
Ưu tiên sự kiện quan trọng: Nếu không thể tham dự tất cả sự kiện, hãy chọn những sự kiện quan trọng nhất để tham gia, giảm bớt số tiền phải chi.
Lên kế hoạch trước: Đặt vé máy bay và chỗ ở sớm để có giá tốt hơn, tránh tình trạng giá tăng cao vào phút chót.
Minh Vũ