Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Những lá thư đầy ắp nỗi niềm

Chuyện của Dũng sĩ diệt xe tăng

Chú rể tên Đinh Gia Đức, vốn là học sinh lớp 10 chuyên Văn, Trường cấp 3 Lê Hồng Phong, Nam Định. Vừa dự thi học sinh giỏi toàn miền Bắc trong đội tuyển của tỉnh xong, chưa nhận tin báo kết quả, Đinh Gia Đức đã bí mật viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Vì chưa đủ tuổi, lại sợ mẹ không cho đi, anh đã chích máu viết đơn rồi mượn xe đạp đạp mấy chục cây số đến nộp thẳng cho thành đội. Lá đơn không có ý kiến của gia đình, nhà trường và địa phương, nhưng vì lời khẩn cầu tha thiết của chàng thanh niên nên thành đội vẫn đồng ý ký giấy gọi nhập ngũ cho anh. Sở dĩ mẹ anh không đồng ý cho con trai lên đường nhập ngũ vì cha anh khi đó đang ở chiến trường. Anh thuyết phục mẹ rằng sẽ xin vào làm cận vệ cho cha, sẽ chăm sóc, bảo vệ cha. Anh dối mẹ như vậy nhưng vô tình lại đúng với một phần thực tế. Người cha kính yêu của anh là Chính ủy Trung đoàn Thủ Đô (Trung đoàn 102), Sư đoàn 308, đang tác chiến trên Mặt trận Đường 9-Nam Lào.

Vợ chồng ông bà Đinh Gia Đức và Tần Ngọc Châu hiện nay. Ảnh do nhân vật cung cấp

Câu chuyện tình nguyện nhập ngũ với lá đơn viết bằng máu của Đinh Gia Đức làm lay động trái tim Tần Ngọc Châu - một nữ sinh lớp 9 xinh đẹp, học cùng trường, sau anh một lớp, được rất nhiều chàng trai mơ ước. Sự kiện một đoàn viên, thanh niên lớp 10, sắp tốt nghiệp, chưa đủ tuổi mà viết đơn bằng máu xin ra trận đã cuốn hút nhiều đôi mắt nữ sinh. Trong lễ giao quân, dường như anh đã nghe Ngọc Châu thốt lời yêu thương. Nhưng lời tỏ tình ngập ngừng thoảng như hơi thở, lẫn trong tiếng xe ô tô nổ máy và gió lộng sân trường.

Lá thư và cặp bút kim tinh - tặng phẩm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: MẠC YÊN

Hành quân 3 tháng đi sâu vào chiến trường miền Đông Nam Bộ, Đinh Gia Đức không tiết lộ lý lịch gia đình, cũng không đề đạt với chỉ huy đơn vị “nguyện vọng gần cha” để thỏa lòng mong ước của người mẹ: Cùng cha chung một chiến hào. Trong một trận chiến đấu, anh đã dũng cảm và khéo léo "bám thắt lưng địch mà đánh", dùng súng B41 tiêu diệt 2 xe tăng của Mỹ. Sau trận đánh, anh được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng, được thưởng Huân chương Chiến công và được kết nạp Đảng ngay tại trận địa, khi mới tròn 18 tuổi. Cuộc chiến đấu cuốn anh sang chiến trường nước bạn Campuchia, làm nghĩa vụ quốc tế. Trong một trận đánh, anh bị trúng quả lựu đạn mỏ vịt nổ gần. Khi tỉnh dậy, Đinh Gia Đức nhận ra mình đã bị thương, khuôn mặt biến dạng vì mất hẳn một hốc mắt.

Một năm nằm bệnh viện điều trị các vết thương, anh nhận được 14 lá thư có đề tên người gửi là Tần Ngọc Châu. Anh quyết định không mở thư mà trả lại quân bưu, coi như không nhận được. Anh làm thế vì không nỡ để người con gái xinh đẹp đã ngỏ lời yêu anh ngày nhập ngũ sẽ phải gắn bó cuộc đời với mình như một gánh nặng từ một thương binh tàn phế. Nhưng chàng dũng sĩ Đinh Gia Đức đã thất bại trong cuộc trốn chạy tình yêu. Một ngày nọ, Tần Ngọc Châu - cô sinh viên năm cuối của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tìm ra tung tích người mình yêu, lặn lội qua nhiều cung đường bom đạn, đến tận giường bệnh anh nằm, bắt anh phải mở, đọc hết 14 lá thư cô viết mà “không tới tay người nhận”. Cô bảo: "Anh mất một mắt, em càng yêu anh". Đinh Gia Đức bật khóc, nước mắt chỉ ứa ra được từ một tròng mắt còn lại.

Lễ cưới từ ý kiến của Thủ tướng

Sau 9 năm tính từ ngày Tần Ngọc Châu đem lòng yêu chàng tân binh học sinh giỏi Văn viết đơn tình nguyện ra trận bằng máu, đôi uyên ương đã tốt nghiệp đại học ra trường. Cô trở thành kỹ sư, còn anh được giữ lại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội làm cán bộ giảng dạy và công tác tuyên huấn. Ổn định công tác, hai người tính chuyện trăm năm. Nhưng không may, năm 1979 xảy ra sự kiện người Việt gốc Hoa vượt biên di cư. Cô kỹ sư bàng hoàng nhận ra mình là người không thuần Việt. Cha mẹ, họ hàng cô đã quyết tâm di cư, bắt cô đi cùng nhưng cô trốn ở lại. Họ hàng thuê người tìm kiếm, bắt cóc cô ra nơi tập kết lên tàu nhưng cô đã trốn thoát nhiều lần. Tần Ngọc Châu không thể hình dung được có một ngày mình lại phải đứng trước một tình thế lựa chọn đau đớn: Hoặc là cha mẹ - gia đình, hoặc là quê hương và người yêu.

Thầy Đinh Gia Đức lúc này cũng rất khổ tâm. Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khi đó đã gợi ý anh hoãn cuộc hôn nhân này một thời gian. Anh không thể cưới chui. Anh viết thư xin ý kiến người cha của mình, lúc này đang chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Chưa nhận được ý kiến của cha, anh đã nghe sáng kiến bất ngờ của người vợ chưa cưới. Tần Ngọc Châu khuyên anh cùng viết thư, mỗi người viết riêng một lá, gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhiều người cười, cho rằng viết thư chỉ là hy vọng mong manh của kẻ “có bệnh phải vái tứ phương”. Bận trăm công nghìn việc, lúc "nước sôi lửa bỏng", Thủ tướng Chính phủ làm sao đọc hết được thư từ của nhân dân. Một tháng rồi hai tháng trôi qua, anh thương binh hỏng mắt vẫn kiên nhẫn ghé mắt kiểm tra thùng thư bưu điện mỗi ngày. Anh không thôi hy vọng, vì anh rất cảm động khi đọc mấy dòng thư người yêu mình viết gửi Thủ tướng: “Cháu đã bỏ cả gia đình (hai bà, bố mẹ và ba em trai) để ở lại, dù Nhà nước đã cho cả nhà ra đi hợp pháp... Bây giờ, cháu mất hết chỗ dựa và chỉ muốn xa lánh tất cả, cháu thấy trong ánh mắt mọi người nhìn cháu có sự căm ghét, nghi ngờ... Cháu có thể vẫn mang dòng máu dân tộc mình, nhưng từ bé đến giờ, cháu chỉ biết có một Tổ quốc duy nhất, một quê hương duy nhất là nước Việt Nam!”.

Chờ đợi, cuối cùng thư cũng đến. Lá thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến như “trái cây rơi vào áo người ngắm quả”. Trong lá thư viết vội của Thủ tướng mở đầu có đoạn: “Bác đã xem hai lá thư của hai cháu. Nếu tình hình đúng như những điều các cháu trình bày trong thư thì hai cháu có quyền và nghĩa vụ cùng nhau kết hôn, xây dựng hạnh phúc gia đình...”.

Cặp đôi run run đọc lại lá thư không biết bao lần, gần như thuộc lòng. Lá thư như chiếc chìa khóa vàng mở cửa thiên đường hạnh phúc. Cầm lá thư, chàng Dũng sĩ diệt xe tăng đem đến trình bày với các cấp lãnh đạo, từ Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đến chi bộ, tổ bộ môn. Chỉ riêng người cha ở chiến trường xa là anh không trình thư được. Lấy được giấy đăng ký kết hôn, anh có cảm giác như nhận thêm danh hiệu dũng sĩ nữa.

Đám cưới không có đại diện gia đình nhà gái, nhưng bù lại sự thiệt thòi đó lại có tin nhắn từ Văn phòng Chính phủ rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng sẽ đến dự. Ban tổ chức quyết định tổ chức cưới vào buổi chiều muộn, quá giờ hành chính để đón Thủ tướng. Khu tập thể 34A phố Lý Nam Đế, Hà Nội chiều hôm đó quá đông vui, hồi hộp. Đúng giờ khai mạc, một chiếc xe Volga đen, cũ chầm chậm tiến vào. Qua cửa kính, mọi người nhận ra một mái đầu đốm bạc, có vẻ già hơn Thủ tướng. Lâu nay, mọi người chủ yếu nhìn thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong ảnh, chưa tận mắt nhìn thấy ngoài đời nên “quan viên hai họ” hướng mắt ra nhìn đón chiếc xe tiếp theo. Nhưng chỉ có chiếc xe con duy nhất và một người duy nhất ôm hoa bước ra. Đó là vị thư ký riêng của Thủ tướng. Ông kể rằng sau giờ làm việc, Thủ tướng mệt nên gửi lời cáo lỗi lỡ hẹn và gửi quà đến tặng hai cháu Đức-Châu.

Cô dâu-chú rể sung sướng, nghẹn ngào, đón bó hoa từ tay bác thư ký. Ngoài hoa, bác thư ký còn trao thêm một gói quà nhỏ. Đó là 2 chiếc bút máy kim tinh nắp vàng Trung Quốc, gồm 1 chiếc bút nam, 1 chiếc bút nữ nho nhỏ, xinh xinh. Sân nhà 34A Lý Nam Đế khi ấy mới nổ ran một tràng pháo tép. Xác pháo như những cánh hoa đào tung lên trong mưa xuân. Chỉ đến khi ấy, cô dâu-chú rể mới nhận ra rằng lễ thành hôn của mình khởi đầu và kết trái đều bằng những lá thư nặng trĩu nỗi niềm.

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây