Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Nhiều cặp đôi Trung Quốc chọn sống xa nhau

Hôn nhân hiện đại

Ngày càng nhiều cặp đôi ở Trung Quốc lựa chọn sống ở các thành phố khác nhau để cân bằng giữa sự nghiệp và mục tiêu gia đình. Phụ nữ, đặc biệt là những người có bằng cấp giáo dục đại học, nhiều khả năng chủ động lựa chọn cách sắp xếp này. Nhưng những cuộc hôn nhân như vậy thường đi kèm với căng thẳng về mặt cảm xúc, vai trò giới không bình đẳng và giảm mong muốn sinh con.

Đây là một trong những phát hiện chính của một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên China Youth Studies - một tạp chí học thuật tập trung vào các vấn đề liên quan đến thanh thiếu niên, do các nhà nghiên cứu từ Đại học Giao thông Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc thực hiện.

Ảnh minh họa: ST

"Hôn nhân xa" nói đến các cặp đôi sống ở những thành phố riêng biệt để theo đuổi các mục tiêu nghề nghiệp cá nhân, đặc biệt phổ biến trong giới trẻ thành thị. Nhưng thuật ngữ này bắt nguồn từ phương Tây, đặc biệt ở Mỹ, nơi các cặp đôi duy trì mối quan hệ xa nhau do công việc, nghề nghiệp.

Trong những năm gần đây, xu hướng này đã gây ra tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một hashtag liên quan đã thu hút hàng triệu lượt xem trên nền tảng blog Weibo, phần lớn cho rằng hôn nhân xa thật khó để duy trì.

Một bài đăng được chia sẻ rộng rãi có nội dung: "Hy sinh sự gần gũi về mặt tình cảm của hôn nhân để phát triển sự nghiệp là mất mát cho cả hai. Xét cho cùng, lý do một người chọn làm việc ở nơi khác ngay từ đầu là để có cuộc sống tốt đẹp hơn".

Nghiên cứu của Đại học Giao thông Tây An, được công bố trực tuyến ngày 27/12 vừa qua, tập trung vào ưu và nhược điểm liên quan đến mô hình hôn nhân hiện đại này. Các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 15 cá nhân, từ 29 - 32 tuổi, đến từ 9 thành phố. Hầu hết đều có trình độ đại học, đã kết hôn từ 1 - 6 năm, với thời gian xa cách thường xuyên kéo dài từ 2 tuần đến 4 tháng.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng hôn nhân xa thường là lựa chọn hợp lý, với nguyên nhân bởi tham vọng nghề nghiệp, sự bất ổn về tài chính và mong muốn an toàn lâu dài cho gia đình. Đối với nhiều cặp đôi, sống xa nhà không phải là sự thỏa hiệp thụ động mà là quyết định chủ động để tối đa hóa các cơ hội trong thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh ở thành thị.

"Những người trẻ thành thị chọn kết hôn nhưng sống xa nhà với hy vọng đạt được sự cân bằng giữa hôn nhân và sự nghiệp, cuộc sống cá nhân và gia đình, cũng như các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn bằng cách hy sinh thời gian và không gian", các nhà nghiên cứu cho hay. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng những lựa chọn như vậy, mặc dù hợp lý, nhưng thường đem đến cảm giác miễn cưỡng và đầy rủi ro.

Nghiên cứu cũng chỉ ra những thách thức đáng kể về mặt cảm xúc. Trên thực tế, các cặp đôi thường phải rất vất vả để duy trì sự thân mật và kết nối trong thời gian dài xa cách. Dù công nghệ truyền thông khá hữu ích, nhưng chúng không thể thay thế hoàn toàn tương tác trực tiếp, đặc biệt là trong những khoảnh khắc khủng hoảng cá nhân hoặc gia đình.

Ví dụ, một người được phỏng vấn bày tỏ sự thất vọng khi vợ/chồng họ vắng mặt trong những lúc cần thiết, nhấn mạnh những hạn chế của giao tiếp ảo, cuộc gọi trong việc duy trì quan hệ tình cảm.

Những căng thẳng về mặt cảm xúc này thường trầm trọng hơn do sự bất bình đẳng giới.

Một người phụ nữ 29 tuổi được phỏng vấn cho biết: "Ngoài công việc, tôi còn phải đảm nhiệm nhiều vai trò, như con dâu, hay làm mẹ, v.v... Nếu có bất kỳ vấn đề nào với việc học của con hoặc bất kỳ điều gì khác, mọi người đều tìm đến tôi, như thể việc nuôi dạy con cái là trách nhiệm duy nhất của mình tôi. Còn người đàn ông chỉ cần tập trung vào việc kiếm tiền".

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng hôn nhân xa có thể góp phần làm chậm trễ việc sinh con, do áp lực tài chính, ưu tiên nghề nghiệp và khoảng cách địa lý giữa vợ chồng.

Để giải quyết những thách thức của hôn nhân xa, nghiên cứu đã đề xuất các chính sách có mục tiêu nhằm làm giảm bớt căng thẳng về mặt cảm xúc, thúc đẩy vai trò bình đẳng giới và cung cấp các nguồn lực tốt hơn cho sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình.

Không trọn vẹn hay vẫn có thể giữ lửa?

Vợ chồng sống xa nhau đã trở nên phổ biến ở Trung Quốc. Thoạt nhìn, kiểu hôn nhân này giống với kiểu “särbo” của Thụy Điển, một kiểu quan hệ đối tác mà các bên sống riêng và chỉ dành thời gian cho nhau vào cuối tuần, ngày lễ hoặc những dịp đặc biệt. Tuy nhiên, ở Trung Quốc, người chồng có thể sống với gia đình chồng, trong khi người vợ ở với gia đình cô ấy.

Sự xuất hiện của kiểu hôn nhân mới này bắt nguồn từ tình hình kinh tế.

Các cặp đôi mới buộc phải phụ thuộc rất nhiều vào cha mẹ khi có con. Tuy nhiên, cũng có người trong số họ chưa sẵn sàng cho một đám cưới và cuộc sống riêng. Họ không có đủ tiền và vẫn chưa tin tưởng nhau. Vì vậy, họ đồng ý “hôn nhân ở xa” dù như vậy có thể khiến đem lại cảm giác hôn nhân không trọn vẹn.

Cặp đôi Wilfred Wong và Joyce Leung đang sống với gia đình riêng của họ. Leung ngủ trên chiếc giường tầng thời thơ ấu của cô, rải rác những con thú nhồi bông. Wong sống cách đó 40 phút đi xe. Họ biết rằng sẽ phải đợi nhiều năm nữa mới có thể sống chung, nhưng họ vẫn quyết định kết hôn vào đầu năm nay.

“Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sống xa nhau thực sự có thể giữ lửa hôn nhân của bạn” – Wilfred Wong bày tỏ. Wong cho biết cặp đôi nhắn tin để sắp xếp các cuộc gọi điện thoại và hẹn hò để đảm bảo giữ tình cảm luôn gần gũi.

Tương tự như vậy, Lok và Chau hẹn hò và đi du lịch đến Nhật Bản bất cứ khi nào cha mẹ họ có thời gian chăm sóc cháu là cô con gái tên Yu. Đôi khi họ ngủ qua đêm tại các khách sạn địa phương và đưa Yu đến Disneyland để cả gia đình đi chơi. Mỗi tuần, Chau cố gắng dành nhiều thời gian hơn cho con gái Yu và vợ Lok bằng cách đưa họ về, sau đó anh đi tàu điện ngầm trở về nhà mình.

Minh Vy

Theo ST

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây