Người viết trẻ và truyện ngắn đương đại
- Thứ bảy - 11/01/2025 21:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bởi thế truyện ngắn hợp với những người viết trẻ, những người đang ở bước đầu của sự nghiệp văn chương (văn xuôi), chưa có nhiều trải nghiệm sống và kinh nghiệm sáng tác. (Tất nhiên có những nhà văn cả đời chỉ viết truyện ngắn và thành danh lớn nhờ truyện ngắn, nhưng đó là câu chuyện khác).
Lịch sử đã cho thấy nhiều về hiện tượng này, tôi không nói thêm, mà chuyển sự quan tâm của mình vào một vấn đề gần gũi hơn: vậy thì, trong những năm đầu của thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI này, với thể loại truyện ngắn, những người viết trẻ của văn chương Việt Nam đã viết những gì và viết như thế nào?
Nhà văn Võ Đăng Khoa.
Xét về tác giả, những người viết ở độ tuổi từ 35 trở xuống khi công bố tác phẩm, chúng ta có một danh sách khá dài: Lê Vũ Trường Giang, Hiền Trang, Sa Nguyên, Võ Chí Nhất, Hà Hương Sơn, Triều Dương, Phát Dương (Dương Thành Phát), Võ Đăng Khoa, Trần Lam Vy, Đặng Thùy Tiên, Nguyễn Anh Nhật, Giác (Nguyễn Việt Hà), Trang Thụy v.v... (Danh sách này tôi có được khi tham gia mấy mùa chấm sơ khảo cho giải thưởng tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam).
Lê Vũ Trường Giang và Hiền Trang, đó là những tác giả khá đặc biệt, cần phải được nói riêng. Số còn lại, tôi chú ý đến hai người: Trang Thụy (sinh năm 1989), với tập truyện “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” (NXB Hội Nhà văn, 2024), và Võ Đăng Khoa (sinh năm 2001), với tập truyện “Lạc đà bay” (NXB Trẻ, 2023). Đều là những tập truyện ngắn đầu tay.
Sở dĩ chú ý, là vì khi đọc các truyện ngắn của Trang Thụy và Võ Đăng Khoa, có thể nhận thấy rõ cái tính chất nối/ gối tiếp giữa hai tác giả trẻ này với những người cầm bút ngay trước họ một thế hệ, cụ thể là hai nhà văn nữ sinh vào quãng giữa những năm 1970, người ở vùng núi cao lạnh giá Đông Bắc, người ở mênh mông đồng đất Tây Nam bộ, miền sống và miền viết khác nhau, nhưng đều đã được “chúng khẩu đồng từ” xếp vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của truyện ngắn Việt Nam đương đại. Đó là nhà văn Đỗ Bích Thúy và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Nhà văn Trang Thụy.
Tập truyện ngắn “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” của Trang Thụy gồm mười một truyện, thì những truyện hay nhất chính là những truyện có sự lặp lại truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy - với những biến tấu nhiều khi rất xa - về không gian, chủ đề và nhân vật, nhất là những nhân vật phụ nữ miền núi và cuộc sống nghèo khổ, bị áp chế đến lầm lụi xúi xó, đầy những bất hạnh hoặc gần như bị lãng quên hoàn toàn của họ. Có thể kể ra đây ba truyện: “Trước mặt là núi, sau lưng là đá”, “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về”, và “Hạt lúa rơi”.
Cô Mỉ trong “Trước mặt là núi, sau lưng là đá” là nạn nhân của tục tảo hôn. Mỉ bị gả cho Xúa, thằng bé mới hơn mười tuổi, thích ôm con mèo ngủ hơn là phải nằm cạnh cô vợ đang xoan. Xúa lớn lên, biết bén mùi vợ thì phải đi làm ăn xa, Mỉ ở nhà vò võ đợi chờ, để rồi lúc trở về, oái oăm thay, nó lại mang theo vợ mới và một đứa con trai. Cô Xằn trong “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về” bị chồng liên hồi đánh đập, ruồng bỏ lên xuống, yêu một người đàn ông cùng bản, tưởng được anh ta cưới về làm vợ nhưng hóa ra là cưới về làm vợ cho ông bố già bệnh tật sắp chết. Cô Xì trong “Hạt lúa rơi” còn khốn khổ khốn nạn hơn thế, vì Xì chỉ đơn giản là vật gán nợ, vật đổi chác qua lại giữa những gã đàn ông thô lỗ và triền miên say bét, là cục đất để chúng bóp nặn tùy ý.
Những số phận phụ nữ miền núi ấy có là những thực tế của cuộc đời ngoài văn bản hay không, điều đó không quan trọng, mà quan trọng là Trang Thụy đã kiến tạo một thế giới miền núi rất khác biệt của mình. Một thế giới mà từ cảnh vật không gian đến tâm tính và cảm xúc của con người đều đạt tới độ sắc nhọn có thể gây sát thương, khiến đau đớn, làm tàn lụi. Trang Thụy đã diễn tả cái sắc thái ấy bằng những câu văn có nhịp điệu, có hình khối, giàu cảm giác và giàu sức liên tưởng.
Lấy ví dụ một đoạn trong truyện “Trước mặt là núi, sau lưng là đá”: “Đông tới rồi, gió bấc thổi xiết. Hôm qua, đông còn nấp sau tảng đá dài hình mặt ngựa nay đã xồ ra đói vêu lợi. Sơn nguyên này sắp hóa đá, làng bản chìm trong cái rét tái tê, đau đớn. Mỉ run ruột đợi đêm trôi. Đêm ở nhà Lầu A Dứ dầm dề như cái rét muộn luồn qua ống váy”.
Hay một đoạn trong truyện “Còn một đợt rét chót, đêm nay sẽ về”: “Gió từ đồi tràn về, quật ngã buồng chuối. Nải này bấu nải kia, rốn chảy nhựa xanh lè. Dơi bay ngược gió, xô đẩy nhau chui vào tổ. Rét tạt xoe xóe vào hiên nhà, bụi đá phủ trắng những quả hồng săn mẩy. Lửa không soi rõ ba mặt người, một mặt chó. Lếnh nhìn Xằn. Ánh mắt tua tủa vết rạn như bình gốm dính sạn bị đẩy vào lò nung”...
Tuy nhiên, điểm cộng thì cũng chính là điểm trừ. Quá chú ý đến việc tạo nhịp tạo hình, câu văn trong truyện ngắn Trang Thụy - ở những truyện miền núi và cả những truyện “không miền núi” nữa - cứ như thể cố gồng mình lên, căng cứng, vật vã, mất đi vẻ thanh thoát tự nhiên cần thiết, đọc vào thấy khá mệt. Và nếu kể thêm hiện tượng một số motif về cốt truyện và nhân vật cứ lặp lại, xuyên qua nhiều truyện, thì đó là điều đáng tiếc cho tập truyện ngắn đầu tay của người viết trẻ này.
Còn tập truyện ngắn “Lạc đà bay” của Võ Đăng Khoa? Trên bìa bốn cuốn sách, nhà văn đàn chị Nguyễn Ngọc Tư đã viết những lời trân trọng: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc “Lạc đà bay” không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt ra khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Khoa tỉnh táo lần giở những vui buồn cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.
Tôi cho rằng đây là một nhận định thành thực và xác đáng. Bởi lẽ, dường như Nguyễn Ngọc Tư đã tìm thấy và nhận ra “truyền nhân” của mình. Trừ hai truyện “Đất nở” và “Lạc đà bay” ít nhiều mang màu sắc giả/ huyễn tưởng, tám truyện còn lại trong tập “Lạc đà bay” đều là những truyện hiện thực, những truyện mà khi đọc người ta buộc phải liên tưởng tới truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, với những không gian đồng bãi, sông nước, cù lao, mùa nước nổi và những con thuyền lênh đênh thương hồ, những dề lục bình và những đàn vịt chạy đồng, tiếng bìm bịp kêu và những tiếng khóc dấm dứt, nhiều khi như lặn vào bên trong, câm lặng, của những người phụ nữ, những người vợ đầy cam chịu và cam phận.
Về nhân vật những người đàn ông, những người chồng, người cha cũng vậy, ảnh hưởng của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện của Võ Đăng Khoa khá rõ khi Khoa viết về những gã ưa cờ bạc, mê đá gà, tối ngày nhậu nhẹt say xỉn lang bang, cục cằn thô bạo với vợ con, và thường thì chỉ vài tháng sau cưới là coi như vợ không tồn tại trên đời. Thế nhưng vẫn có cái khác, ấy là khi Khoa viết về những nỗi đau của người đàn ông.
Truyện “Nhìn nước” được kể từ nhân vật người kể chuyện xưng Tôi, đứa con trai, là sự quan sát, chứng kiến và cảm thông với nỗi đau của người đàn ông có vợ trước chết đuối trong mùa nước nổi, vợ sau bỏ chồng bỏ đứa con gái nhỏ đi theo nhân ngãi thương hồ, đứa con gái nhỏ cũng chết đuối vài năm sau đó. Nước ôm tất cả và lấy đi tất cả, và nó hóa thạch người đàn ông: “Cha gọt cái dáng người của mình sao cho sần sùi và gai góc nhất, như tự đúc chính mình thành một bức tượng vô hồn, trơ lạnh tỏa ra từ sâu trong lòng khối đá. Những buổi sáng dài vô tận, cha trầm ánh mắt, chỉ ánh mắt, sâu như xuống tận đáy nước... Cha nhìn nhưng không hỏi, khói thuốc nối nhau bay bạc tóc. Chỉ tiếng mối gặm cánh én cũng làm mình điếc cả tai”.
Truyện “Thả mồi” lại kể về một ông già mù vốn là thầy giáo nghỉ hưu. Ngày nào, giờ ấy, ông mù cũng ngồi bên sông buông cần câu cá. Ông rất sát cá, bởi ngoài kỹ năng thiện nghệ, ông còn rất biết kiên nhẫn đợi chờ để giật cần câu đúng thời điểm cá đớp mồi. Chiếc cần như cánh tay ông nối dài, nhưng tiếc thay nó chỉ có thể tóm được cá, còn đứa con trai duy nhất thì đã vuột khỏi dây câu của ông từ lâu. Con nhà giáo nhưng bỏ học sớm, làm phu khuân vác, phạm tội, rồi lĩnh án mười năm tù...
Cứ như thế, chuyện câu cá trong hiện tại và chuyện gia đình từ quá khứ của ông già mù lẫn vào nhau, trôi theo giọng điệu trần thuật và mô tả tinh tế, trầm buồn. Để rồi đoạn kết truyện lóe lên một tia vui hy vọng: “Vài tháng nữa con ông sẽ về nhờ cải tạo tốt, mấy tháng đó không nhằm nhò gì. Ngày về, nó sẽ bắt đầu lại. Ông sẽ không để vuột mất con mình lần nữa, không phải bằng lưỡi câu giấu trong mồi. Ông tin giọt nước mắt ở phiên tòa đó không dễ dàng trôi đi”.
Chỉ tìm hiểu sơ qua hai trường hợp thôi, đã đủ cảm nhận truyện ngắn của những người viết trẻ hiện nay như một bức tranh rộng lớn đa sắc, một phổ âm thanh đa giọng điệu. Có sự nối/ gối mạch của họ với những người viết đi trước, những người đã từng là người viết trẻ, và tất nhiên, có sự nỗ lực làm cho khác đi, thậm chí cả sự nỗ lực vượt qua các tiền bối. Kết quả còn chưa rõ ràng, nhưng cái ý hướng tính văn chương ấy là điều đáng để ta trông đợi. Bản thân tôi mong muốn, bằng tác phẩm, họ hãy làm cho nhanh đến “buổi hoàng hôn của các tượng thần”.
Hoài Nam