Người phụ nữ nghèo 12 năm nuôi nấng đứa trẻ mồ côi
- Thứ ba - 29/11/2022 06:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Những tia nắng chiều phủ lên căn nhà xập xệ cuối thôn 8 (Đăk La, Đăk Hà, Kon Tum), bà Y Thảo (50 tuổi, người đồng bào Rơ Ngao) dáng người còm nhom đang khệ nệ vác gùi trở về nhà sau ngày dài bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Trong gian bếp dựng tạm bằng tre bà Thảo bồi hồi nhớ lại 12 năm trước, khi đang làm ruộng thì phát hiện một bé gái sơ sinh chừng hai tháng tuổi ở con đường nhỏ ven ruộng. Xót thương, bà bế về làm thủ tục và đặt tên là Y Thương.
Bỏ qua điều tiếng của dư luận, chị Y Thảo đã cưu mang cháu bé bằng tình thương và lòng dũng cảm của người mẹ suốt 12 năm qua.
Lúc bé, Y Thương đau ốm triền miên do thiếu chất, bà Thảo chạy vạy khắp nơi để có tiền lo cho con. Thế nhưng tiền thăm khám và sữa cho bé quá lớn, bà phải xin gia đình bán đi hai con bò. Khi Thương lớn hơn chút nữa, bà phải tìm đủ nghề để kiếm sống. Từ cắt cỏ bò, làm cỏ cà phê, gặt lúa… ngày công chỉ vỏn vẹn 100 nghìn đồng bà đều dành hết mua sữa cho con.
“Không có tiền mình phải đi làm chứ sao. Lưng gánh gùi, trước thì địu con. Sáng hay chiều, nắng mưa tôi cũng mang bé đi theo. Nhiều hôm tôi và con bị té vì mệt và quá nặng, khổ nhưng phải cố gắng thôi", bà Thảo kể.
Những ngày đầu "tập làm mẹ", bà Thảo cứ lúng túng như gà mắc tóc vì không có kinh nghiệm. Lâu dần, người phụ nữ đồng bào Rơ Ngao đã biết cách pha sữa, xắt nhỏ thịt nấu cháo, chắt nước gạo làm sữa cho con.
Từ đứa trẻ non nớt đau ốm triền miên, nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc của bà nên Y Thương nay đã là cô bé 12 tuổi khỏe mạnh và đang theo học lớp 7 (Trường Tiểu học – THCS Lương Thế Vinh, thôn 9, xã Đăk La).
Dù cuộc sống của hai mẹ con còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng Y Thương vẫn nỗ lực nuôi ước mơi bước chân vào giảng đường đại học.
Việc bà Thảo “nhặt” nuôi đứa trẻ sơ sinh dần trở thành câu chuyện bàn tán của xóm giềng, hơn nữa là sự cấm cản từ người bố. Vì đau yếu, nhà lại quá nghèo nên bố bà một mực không cho nuôi. Xóm giềng người lành tính thì bảo “khùng” vì đau ốm vậy sao đủ sức nuôi con. Những người độc miệng thì xúi bẩy bà trả lại con, mỉa mai, so sánh, dè bỉu…
Bà Thảo kể, có lần Y Thương cuống cuồng chạy về nhà tìm mẹ khóc nức nở vì bị trêu ghẹo là con rơi. Khi đó, người phụ nữ giàu lòng nhân ái này chỉ biết ôm con vào lòng mà dỗ dành, an ủi.
“Tôi thấy con vậy tôi xót lắm. Chẳng thà mình không đem về nuôi, chứ nuôi rồi lại bỏ thì tội lắm. Mình thương người ta như thế nào thì sau này cũng có người thương mình như thế”, bà Y Thảo tâm sự.
Bà Thảo không lấy chồng, sống nương nhờ cùng mẹ già và người em gái đã có gia đình. Nay có thêm người con nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng hơn nhưng bà Thảo vẫn cố gắng chăm sóc và quyết cho Y Thương được đến trường để con có tương lai tốt đẹp hơn.
“Tôi hối hận vì trước đây không đi học. Biết cái chữ đi ra ngoài đỡ vất vả hơn nhiều. Tôi không muốn con giống mình khi trước, nên giờ tôi cho con đi học, tôi sống để lo cho Y Thương thôi”, bà Thảo nói.
Thương mẹ vất vả nên Y Thương luôn cố gắng học tập.
Trời tắt hẳn nắng, Y Thương trong bộ đồ đũi lấm lem, chân đất thoăn thoắt chạy vào nhà hớn hở khoe thành quả của cả buổi chiều đi cắt cỏ thuê. Ngồi nép bên mẹ Y Thương cho biết, đường từ nhà đến trường dài hơn 2km nhưng Thương chưa bỏ buổi học nào.
Hai năm trở lại đây ngoài giờ học em phụ giúp mẹ việc nhà, buổi nào được nghỉ thì đi làm mướn, cắt cỏ thuê mỗi bao cỏ em được 20 nghìn đồng. Tất cả số tiền có được em gửi mẹ để trang trải cuộc sống.
“Lúc lên lớp 4 em mới biết mình không phải con ruột của mẹ. Em buồn lắm. Sau đó mẹ đã giải thích, em hiểu ra mẹ đã vất vả nuôi em từ bé. Em không buồn nữa mà yêu thương, giúp đỡ mẹ nhiều hơn”, ôm chầm lấy mẹ, Y Thương kể.
Nói về ước mơ sau này, Y Thương cho hay em muốn được đi học và xa hơn là học đại học. Nhưng giờ thấy mẹ khổ quá nên chỉ mong có sức khỏe để giúp mẹ nhiều hơn, sau này sẽ tính tiếp.
Chia sẻ về hoàn cảnh của 2 mẹ con Y Thương, ông Trần Văn Tâm – Phó chủ tịch UBND xã Đăk La cho biết hoàn cảnh của chị Y Thảo rất khó khăn. Tuy nhiên vì hai mẹ con sống chung với mẹ và em gái nên không nằm trong diện hộ nghèo.
“Khi nào có các nguồn xã hội hóa, các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm thì chính quyền địa phường đều tạo điều kiện để hai mẹ con chị Thảo tiếp cận. Trong khả năng có thể, xã và các đơn vị chức năng đều sẽ hết sức, quan tâm hỗ trợ”, ông Tâm cho biết.
Thu Hiền