Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Ngăn ngừa thói xấu của trẻ

Những đứa trẻ chưa ngoan

Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, chị Trần Ngọc D. (sống tại TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ câu chuyện về con trai chị, bé Huỳnh Thành T. (4 tuổi). Tết vừa rồi, vợ chồng chị đưa con đến thăm nhà một người bạn, đến khi ra về, chị thấy bé lấy từ trong chiếc túi nhỏ ra một chiếc xe hơi đồ chơi mà trước giờ chị chưa từng thấy. Chị hỏi thì bé không chịu trả lời, mãi sau mới thú nhận đã lấy từ đống đồ chơi của con người bạn khi nãy.

Món đồ chơi có trị giá không lớn, nếu lúc ở nhà bạn mà con chị xin thì chắc chắn người bạn sẽ cho ngay, nhưng điều đáng nói là bé đã lẳng lặng lấy cắp món đồ đó. Vợ chồng chị D. đều rất sốc bởi nhà chị thuộc dạng khá giả, trước nay cũng chiều con, ít khi nào từ chối đòi hỏi của bé. Vợ chồng chị bỏ dở chuyến du xuân để về nhà, cùng ngồi lại để xem đã sai ở đâu trong cách dạy con, vì sao bé lại có hành động mà theo cả hai là “đáng xấu hổ” như vậy.

Chị Nguyễn Thu M. (nhà báo, công tác tại một tòa soạn báo ở TPHCM) lại chia sẻ một hoàn cảnh khác. Con chị, bé Nguyễn T.L. (5 tuổi), ở cái tuổi đến trường mẫu giáo rồi về nhà với cha mẹ, ông bà. Thế nhưng, một ngày nọ, ngay trong bữa ăn cả gia đình, do lỡ tay, bé làm rớt món ăn mà mình thích xuống đất và đã bật ra một câu chửi thề.

Câu chửi khiến tất cả choáng váng, bởi hầu như trong nhà không bao giờ có những câu chửi như vậy. Trong lúc tức giận, chị M. nhắn tin mắng em trai bởi trong nhà chỉ có cậu em này là trẻ nhất, tính lại bỗ bã. Chị cho rằng em mình đã buột miệng nói ra những từ không hay trước mặt cháu để cháu bắt chước.

Sống trong tình yêu thương giúp trẻ hạnh phúc và phát triển đúng hướng. Ảnh: THU HƯỜNG

Cách nay không lâu, trên mạng xã hội có tranh luận câu chuyện về một bé gái ngay trong ngày thôi nôi em mình đã đòi “ném em qua cửa sổ”. Dù nhiều người cho rằng đây chỉ là câu nói hờn dỗi của một đứa bé khi thấy em mình được nhiều người quan tâm, nhưng cũng có bậc phụ huynh lại than thở tình trạng con lớn trong nhà bắt nạt đứa nhỏ hơn.

Anh Vũ Văn L. (quê tỉnh Tiền Giang) tâm sự trên Facebook về việc đứa lớn nhà anh dù chỉ mới 6 tuổi nhưng đã “nổi tiếng” từ nhà đến trường vì hay bắt nạt bé khác. Ở nhà thì bé cấu véo em, đến trường thì lên giọng “anh, chị” với bạn bè, thậm chí còn bắt nạt trẻ em hàng xóm. Điều đáng nói là theo anh L., trước đây bé rất ngoan, chẳng hiểu vì sao lớn một chút bắt đầu đổi tính.

Hướng trẻ đến với những điều tốt đẹp

Những lời than phiền kiểu “con tôi đột nhiên hư” như trên xuất hiện rất nhiều nhưng theo các chuyên gia tâm lý, đây lại là các vấn đề hết sức bình thường trong quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Có khác chăng, ở một số bé, do bản thân, do điều kiện sống, hoàn cảnh gia đình… mà mức độ có thể khác biệt.

Như chuyện ăn cắp vặt, rất nhiều bậc phụ huynh đã xem đó như “một tương lai u ám”. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý đều khẳng định, ở giai đoạn dưới 4 tuổi, trẻ khó có khả năng phân loại xem thứ nào thuộc quyền sở hữu của mình, thứ nào thì không. Chính vì thế, trẻ có xu hướng thích cái gì thì muốn chiếm đoạt cái ấy, không cần biết đó là của ai.

Nguyên nhân đến từ nhiều lý do, như thỏa mãn lòng ích kỷ, trẻ nếu được nuông chiều thái quá sẽ có tâm lý muốn là phải có cho bằng được; tâm lý phản kháng với sự cấm đoán khi càng cấm trẻ càng tò mò, muốn sở hữu. Hay với một số trẻ là do lòng ganh tỵ, xuất hiện ở những trẻ ít được cha mẹ quan tâm nên so bì, ghen ghét, sẵn sàng lấy cắp rồi phá đồ chơi của bạn chỉ vì không muốn bạn hơn mình…

Một số chuyên gia cũng cho rằng, khi phát hiện con mình bắt đầu có thói xấu này, phụ huynh nên bình tĩnh tìm hiểu các nguyên nhân để có cách giải quyết cụ thể. Việc gây căng thẳng hay ngược lại, vì sĩ diện mà che giấu càng khiến trẻ phản ứng chống đối hoặc xem việc lấy cắp đồ là bình thường.

Xử lý trường hợp trẻ chửi thề hay nói những lời tục tĩu cũng vậy. Thực ra, vào khoảng 3-4 tuổi, trẻ hầu như không hiểu rõ ý nghĩa của những lời nói đó mà chỉ muốn bắt chước người lớn. Tuy nhiên, nếu bạn im lặng bỏ qua, bé sẽ hiểu rằng bạn đồng tình với những câu nói đó và tiếp tục nói nhiều hơn. Nhưng cũng không nên la mắng, đánh đập bởi điều này lại khiến trẻ nảy sinh tâm lý “sợ mà không phục”.

Bé sẽ chỉ bỏ tật xấu này khi có mặt bạn còn sau lưng, đâu lại hoàn đấy. Nhẹ nhàng khuyên răn và dạy cho trẻ ý thức được hành vi đó là sai, mưa dầm thấm lâu, cùng với sự kiên trì của người lớn, bé sẽ hiểu ra và không nói bậy nữa.

Với chuyện xung đột giữa các anh chị em cũng vậy, với trẻ đó là điều tự nhiên và bình thường. Tuy nhiên, nếu cha mẹ không khéo giải quyết và có thái độ xử lý không đúng, sẽ khiến con cái lo lắng, mất cảm giác an toàn.

Trong gia đình mà có trẻ mắc thói xấu này thì thường là do cha mẹ. Nhiều khi, mọi người tập trung lo cho em bé nhỏ mà lơ là đối với đứa lớn khiến nó sinh buồn tủi và nuôi lòng căm ghét đứa em đã “lấy mất” tình thương của cha mẹ dành cho nó. Từ mối ác cảm, nó sẽ tìm cơ hội bắt nạt đứa em của mình và thậm chí, nếu không thể bắt nạt trong nhà, trẻ sẽ mang điều đó ra bên ngoài.

Chúng ta không thể mong đợi con trẻ hoàn toàn không có một tật xấu nào. Thế nhưng, phát hiện ra thói xấu và ngăn chặn kịp thời, đúng phương pháp sẽ giúp trẻ trở về với “tính bổn thiện” của chúng. Điều quan trọng là cha mẹ nên kiên trì giúp con bỏ thói xấu bằng tất cả tình thương yêu… Nếu vì trẻ có lỗi mà tỏ ra ghét bỏ, lạnh nhạt thì sẽ khiến trẻ ngày càng sa vào thói xấu nhiều hơn.

MINH THƯ

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây