Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Miền sông nước êm đềm

Mỗi lần qua lại khúc sông cũ, lòng tôi miên man nỗi nhớ. Chị chèo đò nói với tôi khúc sông ấy giờ đã trở thành điểm du lịch sinh thái đậm chất sông nước, không còn hoang vu, vắng vẻ, thỉnh thoảng chỉ có mấy ghe của thương hồ lang bạt chạy ngang qua như trước đây. Tôi ngồi trầm ngâm nhìn, gió thổi bạt nón lá ngược ra phía sau.

Ảnh minh họa

Dòng sông mênh mang sóng. Những cụm lục bình thủy sinh chấp nhận nổi trôi, một đời bám rễ vào sông. Tàu du lịch dập dìu, qua lại mấy lần trên đoạn sông này để du khách tận mắt chứng kiến cảnh mua bán dập dìu trên sông, ăn sáng cũng trên sông, tắm giặt trên sông, các hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng diễn ra trên sông để chiều lòng du khách. Từ chiếc bè nổi đậu cạnh bờ, âm thanh tiếng đàn tranh, đàn nguyệt vang ra khắp dòng sông như giai điệu gọi mời khách tứ phương về với vùng sông nước hữu tình, thơ mộng.

- Lâu lắm, kể từ khi em còn là đứa con nít bảy, tám tuổi, em chưa có dịp trở lại đây!

Tôi khẽ nói với Tâm khi anh đang loay hoay với chiếc máy ảnh “giở chứng”, sắp sửa phải thay máy mới. Nhưng ảnh mà anh khoe với tôi vẫn đẹp. Hình ảnh chiếc ghe có con mắt to tròn phía trước mũi vẫn rõ và hợp vô cùng giữa không gian xung quanh. Cái đẹp bất chấp mọi giới hạn, kể cả cái máy ảnh cũ.

Dừng tay, nhìn tôi, dường như trong anh đang dấy lên một niềm tò mò vì từ khi đặt chân đến vùng châu thổ trù phú và êm đềm này, Tâm cứ ngỡ đây là lần đầu tiên tôi về miền sông nước. Không đợi anh thắc mắc, tôi phân trần:

- Đồng bằng châu thổ này có lạ gì với em?! Em cũng một thời gắn bó, mưu sinh, phiêu dạt trên những dòng sông, kênh, rạch xứ này. Có lạ gì đâu!

- Anh chưa bao giờ nghe Uyên nói…

Tôi cười, trìu mến ngắm anh rồi thả mắt hướng về những chiếc ghe đang neo lại giữa dòng sông trắng đục màu phù sa châu thổ:

- Mỗi người là một thế giới thẳm sâu những bí mật.

Tâm cười. Tiếng cười tan vào sóng nước.

* * *

Những tưởng tôi là cô gái thị thành đã vỡ ra trong Tâm. Tôi từng là cô gái của vùng sông nước. Thời tôi còn mưu sinh, lang bạt chốn này, đồng bằng vẫn còn đìu hiu, buồn vắng lắm! Trong hoài niệm chập chờn, đứt quãng nhưng không sót vệt ký ức nào của tôi, đoạn sông này khi ấy hẹp hơn, cây cối ven bờ nhiều hơn và sông cũng vắng vẻ hơn.

Những lần đi với má trên chiếc ghe cũ kỹ mà ba để lại trước khi bắt đầu một cuộc đi của riêng ba, qua khúc sông này, tôi với má đều neo ghe lại dưới tán cây lòa xòa ven bờ để nấu cơm, nghỉ ngơi. Rồi những lúc rảnh rỗi, má tôi sẽ nằm trong mui ghe, chân gác lên thành ghe, ngâm nga mấy câu hát đậm mùi phù sa sông nước xứ mình. Tôi cười, ghẹo má:

- Má hát hay vậy, hồi đó không đi làm ca sĩ, đi sông nước chi uổng vậy má?

Má tôi cười khúc khích:

- Cha mày! Tại má thương người ta nên bỏ giấc mộng đẹp thời thanh xuân chứ má hát hay lắm!

Tôi ghẹo tiếp:

- Má yêu cuồng nhiệt quá!

Má tôi “hứ” một cái, liếc tôi:

- Cái con này, ghẹo má! Lớn lên, yêu đi rồi biết, nghen con!

Má con tôi cười phá lên trong mui ghe, rồi má lại hát tiếp. Có chiếc ghe nào chạy ngang qua sông, thả ga nhè nhẹ, khen má tôi:

- Cô gì ơi, hát hay quá, ngọt lịm! Thôi đi theo đoàn hát, đi làm ca sĩ đi cô. Sống kiếp thương hồ uổng lắm!

Má tôi nhìn ngoái theo. Mắt má tôi dịu xuống. Buồn buồn…

Cũng có khi giấc mơ thời trẻ sống lại trong má tôi. Nó như những con sóng ngầm từng đợt, từng đợt dâng lên trong má, cuộn xoáy, khiến má tiếc nuối bâng quơ. Ngày xưa, má tôi mê hát lắm, hễ có đoàn hát về xóm là má tôi “cắm sào” ở đó đến khi đoàn hát vãn, sân khấu tắt ánh đèn má mới trở về. Má cũng thường xin người ta cho má lên hát thử, hát được thì vui, không được thì… diễn hài, cũng mua vui cho người ta chứ có hao tốn gì đâu. Đoàn cho phép, má lên sân khấu, làm bộ đi giống ca sĩ, cũng cúi chào khán giả, cũng đằng hắng lấy giọng rồi hát một bài nào đó mà má tâm đắc. Khán giả khen, mặt má đỏ như người say rượu. Trưởng đoàn cười cười:

- Có triển vọng đó! Về tập hát thêm đi, chừng chín muồi, mời em về đoàn tôi sống kiếp con tằm rút ruột nhả tơ…

Má tôi gật đầu cái rụp.

Đoàn rời xóm. Hẹn sau mùa sa mưa năm sau sẽ quay trở lại.

Má tôi nhìn theo bóng chiếc ghe lớn chở đồ đạc lỉnh kỉnh, nhả khói rời bến.

* * *

Mùa sa mưa năm sau đến sớm.

Rồi mưa cũng ngớt dần sau hơn một tháng dầm dề.

Đoàn giữ lời hứa, về xóm.

Năm ấy, má hát say sưa lắm. Trưởng đoàn gặp má, tấm tắc khen:

- Cái giọng mùi ơi là mùi! Trời ơi! Có em, đoàn anh phất lên mấy hồi, tên tuổi của em vụt lên mấy hồi! Chẳng bao lâu, em không còn là ca sĩ miệt vườn như tụi anh mà nổi tiếng cũng nên.

Má tôi vui lắm! Hát vốn là ước mơ từ nhỏ của má. Ngoại nói đi hát cực lắm, phải chiều lòng khán giả, đôi khi dễ dàng sa ngã. Má nói kệ, tuổi trẻ má chỉ ao ước được làm con tằm rút ruột nhả tơ, cất tiếng ca dâng hiến cho đời. Má nói với trưởng đoàn:

- Em muốn đi lắm nhưng phải để em suy nghĩ thật kỹ. Dù gì cũng là một bước ngoặt của đời người.

Trưởng đoàn gật đầu, chắc nịch chuyến này đoàn sẽ có thêm thành viên mới cùng chung sống, cùng hát ca, tuy lặng thầm dưới bóng sân khấu nhà quê nhưng được sống trọn cuộc đời nghệ sĩ, xướng ca đã là một niềm hạnh phúc vô bờ.

… Nhưng lần ấy má tôi không theo đoàn hát.

Một buổi chiều, trước khi đoàn rời xóm và có lẽ sẽ không quay trở lại vì đoàn người từ quê đổ lên thành thị đã nhiều lên, không ai còn thiết tha với những sân khấu miệt vườn, hội chợ, những đêm xướng ca, đàn tranh, đàn bầu giai điệu rớt sông đêm. Trưởng đoàn nhìn má, hụt hẫng:

- Tiếc quá! Em có tài, có đạo đức. Nếu đi đúng hướng, đời em sẽ sung sướng.

Má tôi cười giả lả:

- Cái duyên không tới, em biết thế nào! Thôi, chúc đoàn mình thượng lộ bình an, chừng nào về xóm, em lại góp vui vài bài.

Trưởng đoàn vỗ vai má tôi, gật đầu, xem như là gieo một mầm hy vọng.

Má đứng nhìn đoàn hát rời xóm mà lòng buồn rười rượi. Nắng chiều từng vạt rớt xuống mặt sông.

* * *

Tôi buột miệng hỏi má:

- Sao hồi đó má không theo đoàn hát? Má mà theo, giờ má đã là ca sĩ nổi tiếng rồi, con tha hồ mà “lên mặt”.

Má tôi cười rúc rích, rồi tự dưng má buồn thiu như thể đang nuối tiếc một giấc mơ xa không thành hiện thực:

- Má mà theo đoàn hát thì bây giờ không có mày đâu con! Uyên ơi, má có lý do riêng của má.

Mãi sau này tôi mới biết, má không theo đoàn hát vì hồi ấy má có thương một người thanh niên. Người đó hiền, thương má lắm! Tôi biết vậy bởi má kể cho tôi nghe trong một đêm mưa rơi tí tách xuống đồng bằng. Nằm trong ghe, ngoài kia ướt đẫm, từng giọt nước rớt bì bõm vào trong cái khạp để trước mũi ghe. Má chong đèn dầu, kể biết bao nhiêu là chuyện, từ thuở má trạc tuổi tôi bây giờ cho đến đoạn đời cơ hàn, đoạn đời lênh đênh của má.

Hồi ấy, má thương người ta lắm! Tình yêu đầu của má, những cảm xúc của tuổi trẻ cuồng nhiệt và đầy khát khao. Mối tình đẹp như màu tím hoa lục bình, như ráng chiều đo đỏ phía trời xa tít tắp… Vậy rồi bà ngoại tôi ngăn má, không cho má tôi đến với người má thương. Tôi hiếu kỳ vọt miệng:

- Ủa, sao vậy hả má? Bà ngoại kỳ ghê!

Má xoay mặt sang tôi. Chiếc ghe lắc lư. Chiếu ấm. Ánh đèn vẫn vàng vọt trên cái kệ gần chỗ ngủ.

- Uyên, con đừng trách bà ngoại. Bà ngoại có mối lo của bà. Phải rồi, ai đời lại để yên cho con gái mình đi lấy một người thanh niên lênh đênh trên sông nước, cái nhà cũng không có, miếng đất cũng không có, phải lang thang sống đời gạo chợ nước sông…

Nói đến đó, tôi nghe giọng má sền sệt lại. Má khóc. Nước mắt má ứa lăn qua đuôi mắt, rớt xuống chiếu.

Tôi hỏi tiếp, vội vã. Trước mắt tôi bấy giờ là cả đoạn đời long đong của má:

- Rồi sao nữa, hả má? Má kể tiếp đi. Con đang chờ nghe má kể đây nè!

Má tôi thều thào:

- Rồi má bỏ bà ngoại mà chạy theo tiếng gọi của tình yêu chớ sao.

- Vậy má có hạnh phúc không? Có bao giờ má nuối tiếc những ngày xưa không má?

Tôi hỏi rồi tự cảm thấy mình có lỗi. Hình như tôi đang xâm lấn vào cuộc đời của má quá nhiều. Ai cũng có những khoảng trời riêng, kín sâu, thăm thẳm.

- Có chứ, Uyên! Ba con rất thương má. Ba má đã sống bên nhau những tháng ngày hạnh phúc, tuy nghèo khó, thiếu thốn và bấp bênh nhưng trên chiếc ghe chưa bao giờ ngớt tiếng nói cười.

Chúng tôi trầm ngâm, im lặng. Đêm đã khuya, mưa đã ngừng và con sông im lìm đến lạ. Thoảng có con chim kêu chới với trong thinh không, vọng về xóm xa. Tôi nằm thêm chút nữa, nghe tiếng má thở đều đặn. Má đã ngủ say. Tôi nghĩ về giấc mơ thời trẻ của má, nghĩ về ba, về cuộc rời đi trong một mùa nước nổi qua lời kể trong nước mắt của má. Ba giờ nằm lại đáy sông sâu. Má nói sông chính là ba. Dù bây giờ má có thể trở về xóm, ngoại cũng không trách gì má nữa, bởi suy cho cùng, hạnh phúc của má vẫn luôn là điều mà ngoại mong muốn. Vậy mà má không về. Má nghĩ mình sẽ sống đời lênh đênh sông nước để được gần ba, được nhìn ba mỗi ngày, được ngắm ba trong những giấc mơ.

* * *

Bây giờ, tôi với má không còn lênh đênh trên ghe nữa. Chúng tôi đã rời khỏi đồng bằng châu thổ, lên thành phố sống quãng đời còn lại của má và sống tiếp những năm tháng tuổi trẻ nhiệt thành và đầy xúc cảm của tôi. Mấy lần má nói tôi tranh thủ đưa má về sông, má nhớ đoạn sông chỗ ba ra đi, má nhớ những đêm trăng hiền soi xuống mũi ghe, má ra ngồi chải tóc mà thấy mình như cô tiên trong những câu chuyện cổ tích ngày nhỏ bà ngoại thường kể.

Nhưng sông vẫn mù xa. Má tưởng tôi đã quên sông rồi…

Tôi không quên. Mãi vẫn không thể nào quên được.

Chị chèo đò nói tiếp:

- Người xứ này bình dị, thiếu thốn chứ nghĩa tình lắm! Lần nào anh chị về đây sống thử ít hôm, sẽ thấy đồng bằng dễ thương đến lạ.

Tôi cười, chẳng lẽ tôi nói: Đó là điều hiển nhiên. Chúng tôi mãi là người con miền sông nước…

Tôi lặng đi, cho đến khi Tâm khều tay tôi, reo lên:

- Uyên, em nhìn kìa! Chợ đã tấp nập hơn lúc nãy. Sôi động, náo nhiệt quá! Một khung cảnh tuyệt vời, đậm hồn sông nước.

Tôi nhoẻn miệng cười trong nắng. Vạt nắng trên vùng châu thổ êm đềm rọi thẳng vào tim tôi./.

Hoàng Khánh Duy

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây