Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Khởi nghiệp thành công sau 5 lần 'chết đi, sống lại'

Vợ chồng chị Phạm Thị Trà Giang (sinh năm 1990, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu) khởi nghiệp với sản phẩm từ Men ngải

Cuộc đời nhiều sóng gió

Anh Trần Ngọc Tâm mới bước vào độ tuổi 40 nhưng cơ thể gầy guộc, da nhăn chùng, dáng lưng gù. Hẳn nhiều người sẽ bất giác nghĩ "có lẽ phải chịu rất nhiều sóng gió thì người đàn ông đang ở độ tuổi chín muồi này mới có bộ dạng như vậy?".

Trò chuyện khá cởi mở về 5 biến cố "chết đi, sống lại" trong đời, anh Tâm kể: "Lúc nhỏ, tôi bị viêm màng não, sau đó trong một lần không may thì bị bỏng toàn thân vì ngã vào nồi cám lợn vừa sôi. Tiếp đến, lấy vợ được một thời gian thì tôi phát hiện bị mắc viêm cột sống dính khớp; chưa hết, sau đó tôi còn bị xe tông gãy 2 đốt sống lưng làm cho căn bệnh thêm trầm trọng, sau đó do bệnh nặng mà bị liệt 2 chân và phải ngồi xe lăn…".

Cuộc trò chuyện bị gián đoạn khi anh Tâm nghẹn ngào nhớ lại: "Đến năm 2017, tôi đã xin phép vợ được nói lời chia tay và đề nghị cô ấy đi lấy chồng mới bởi tôi tưởng chừng không thể trụ vững với cuộc đời khi biến cố liên tục ập tới. Song, điều làm tôi bất ngờ và buộc phải vượt qua nỗi khổ của bản thân, đó là Giang quyết tâm không từ bỏ và muốn được đồng hành cùng chồng lúc khó khăn nhất".

Ngồi lặng hồi lâu, anh Tâm lại nở nụ cười: "Kể từ đó, hai vợ chồng gạt nỗi đau bệnh tật, dùng mọi ý chí và nỗ lực để cùng chăm sóc nhau từng ngày, từng giờ vì cuộc sống của đứa con chung, vì sự lựa chọn của người bạn đời".

Cứ thế, cuộc sống của hai vợ chồng Tâm - Giang ngày qua ngày với gánh nặng cơm áo gạo tiền và nuôi con, rồi lại dành tất cả tiền bạc có được để ưu tiên chữa bệnh duy trì cuộc sống. Vị bác sĩ điều trị nhiều năm cho anh Tâm mãi sau đó mới chia sẻ, tình trạng sức khỏe của anh Tâm rất kém, là người đàn ông 40 tuổi nhưng có tỷ lệ loãng xương hơn bà cụ 60 tuổi.

Anh Tâm nhớ lại chỉ định của bác sĩ: Bệnh này phải sử dụng công nghệ cao, một năm cũng phải tốn vài trăm triệu may ra mới duy trì được. Tuy nhiên, nhìn thấy hoàn cảnh éo le lại mắc bệnh hiểm nghèo, nên bác sĩ cũng khuyên hai vợ chồng anh Tâm về quê sinh sống.

Bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời vợ chồng bắt đầu. Từ kỹ sư cấp thoát nước, kỹ sư hóa dầu, làm cho tập đoàn lớn ở phía Nam (vợ là giáo viên dạy nhảy cho các chị em), hai vợ chồng về mảnh vườn nhỏ ở quê (TP Vũng Tàu), gần nhà mẹ vợ) làm nông để "chữa rách".

Cuộc đời tiếp tục thử thách đôi vợ chồng trẻ khi về quê ở, họ phải mưu sinh bằng đủ thứ nghề: Chăn nuôi lợn (mua giống giá cao nhưng khi xuất chuồng lại rớt giá), chuyển sang nuôi gà, vịt, nuôi thỏ (cũng là mua giống giá cao, bán ra thị trường giá chỉ còn 1/3).

Giọng nói pha lẫn tiếng cười ngậm ngùi, anh Tâm kể: "Ông anh hàng xóm thấy hai vợ chồng hoàn cảnh éo le, mới chỉ cách giúp trồng giống rau sạch để bán. Thế rồi kỹ sư cũng phải ra chợ bán rau. Một ngày bắt đầu từ lúc 4h - 22h…".

Vợ chồng chị Phạm Thị Trà Giang thực hiện livestream giới thiệu sản phẩm hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội

Tạo dựng thương hiệu hàng hóa Việt bằng phương pháp độc đáo: Lên men dược liệu

Vất vả với bệnh tật và mưu sinh, cơ duyên trong lúc khó khăn đó, vợ chồng anh Tâm được tham gia liên minh nông nghiệp tử tế của thầy Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam; cũng là người có nhiều hoạt động đồng hành cùng Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844).

Kể lại quãng thời gian này, chị Giang xúc động: "Nhớ lại lúc ngồi dưới bóng cây, vừa khóc vừa điện cho thầy: "Thầy ơi em trồng rau sạch nhưng không có năng suất, em không cam lòng. Em thấy thầy có lớp dạy về nông nghiệp, thầy dạy em online…". Từ lời khẩn cầu đó, thầy Công đã tìm hiểu hoàn cảnh rồi quyết định truyền dạy miễn phí và gợi ý cho hai vợ chồng tìm cơ hội ở Hà Nội, tận dụng nguồn đất mà làm lại từ đầu".

May mắn từ cơ duyên ấy, vợ chồng chị Giang đã tìm được con đường phát triển là nghiên cứu các sản phẩm phù hợp với sức khỏe. Từ những hướng dẫn bước đầu của thầy Sơn Công về Nam dược và ứng dụng Nam dược vào cuộc sống; cộng thêm các phương pháp lên men dược liệu để giúp dược liệu đó phân giải tốt hơn và cơ thể hấp thụ được một cách tốt nhất để mình đạt được hiệu quả tốt nhất cho bản thân…, anh chị bắt đầu làm thử và nhờ các bác sĩ Đông y hỗ trợ về tài liệu khoa học.

Chia sẻ về sản phẩm dược liệu Men ngải, chị Phạm Thị Trà Giang cho biết: Hai vợ chồng mày mò nghiên cứu tư liệu và thực tế có trong dân gian truyền từ ngàn xưa và được người dân ta áp dụng trong cuộc sống và bữa ăn; tác dụng vào cột sống và những khớp xương đau. "Từ đó mình nghiên cứu và làm những sản phẩm này lên để áp dụng và một phương pháp lâu đời nữa đó là phương pháp ngâm chân (đã có từ 2.000 năm nay). Hai phương pháp trên cộng hưởng vào nhau tạo sản phẩm men ngải cứu để giúp giải tỏa những cơn đau và làm cuộc sống tốt hơn" - chị Giang nói.

Cái độc đáo của sản phẩm này nó chính là sự lên men dược liệu. Việc lên men dược liệu giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn dược liệu. Nó đi đến đúng điểm cần giải quyết cơn đau. Trên thị trường dường như chưa có sản phẩm nào lên men dược liệu từ lá ngải để ngâm chân.

Tháng 8/2024 vừa qua, sản phẩm Men ngải được lựa chọn trong số các startup tiêu biểu tham gia Chương trình giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp xanh và khóa đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp được tổ chức bởi CTCP truyền thông Việt Nam Startup TV trong khuôn khổ Đề án 844. Nhờ đó, vợ chồng chị Giang đã được hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, mở rộng kết nối với các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó, cũng góp sức mình vào nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam sản xuất.

Tiến Đạt

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây