Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Giữ sự sống giữa lằn ranh sinh tử

Kì 1: Lời hứa không bao giờ bỏ cuộc

“Tránh ra, tránh ra”, tiếng người đàn ông gấp gáp cùng lúc với hai cánh tay liên tục gạt mọi người. “Bác sĩ ơi cứu bố em với” - tiếng cầu cứu của cô gái nghẹn lại. Tôi giật mình bởi thứ âm thanh hỗn độn lúc ấy khi chiếc xe cấp cứu 115 hú còi, nháy đèn liên tục vừa xịch tới cửa Trung tâm Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai). Hai ca cấp cứu đến cùng lúc. Những bóng áo trắng của bác sĩ, áo màu đỏ mận của điều dưỡng lướt nhanh tới bên cáng…

Trong phòng cấp cứu không khí căng thẳng bao trùm khi một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vừa được đưa vào. Trên giường bệnh, người đàn ông trung niên với gương mặt tái nhợt, hơi thở gấp gáp, lồng ngực phập phồng yếu ớt. Monitor hiển thị nhịp tim bất thường, báo hiệu tình trạng nguy kịch. Một nam bác sĩ nhanh chóng ra y lệnh: “Chuẩn bị sốc điện. Lập đường truyền tĩnh mạch”. Các điều dưỡng thuần thục làm việc trong sự phối hợp ăn ý.

Một cú sốc điện mạnh dội qua cơ thể bệnh nhân, toàn thân ông co giật nhẹ rồi buông thõng. Mọi ánh mắt đổ dồn về màn hình theo dõi - nhịp tim vẫn rối loạn. Không ai bỏ cuộc. Cú sốc điện nữa được thực hiện. Giây phút nín thở chờ đợi… rồi, một tín hiệu từ màn hình - nhịp tim đã dần ổn định. Những tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bệnh nhân dần hồi tỉnh, ánh mắt mơ hồ dần có thần hơn.

Trong khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, những chiến binh áo trắng lại một lần nữa chiến thắng, giành giật sự sống từ tay tử thần. Nhưng họ không kịp nghỉ ngơi, vì ngoài kia, những cuộc chiến khác vẫn đang chờ… Đối với họ, mỗi ca cấp cứu không chỉ là một nhiệm vụ, mà là một sứ mệnh thiêng liêng, là lời hứa không bao giờ bỏ cuộc, là niềm tin không ngừng cháy trong tim để mang lại hy vọng cho những ai đang trong cơn tuyệt vọng.

Liên tục những ca bệnh nặng được chuyển đến Trung tâm Cấp Cứu

Không ít bệnh nhân hay người thân khi bước vào viện mang theo tâm lí hoang mang, sợ hãi, cố gắng bấu víu vào từng ánh mắt, từng cử chỉ của bác sĩ, mong được quan tâm ngay lập tức. Nhưng với những người đã dạn dày trong nghề, họ hiểu rõ ai cần được ưu tiên trước, ai có thể chờ thêm một chút.

Giữa muôn vàn áp lực, họ vẫn phải thật khéo léo giải thích, trấn an, làm sao để không ai cảm thấy bị bỏ rơi giữa nơi vốn đã đầy những nỗi đau và sự tuyệt vọng.

Những đêm trực nối dài bằng những bước chân vội vã, những chiếc cáng lao nhanh vào phòng cấp cứu, những ánh mắt căng thẳng dõi theo màn hình nhịp tim. Đôi khi, khoảnh khắc giao thừa cũng lặng lẽ trôi qua mà chẳng ai kịp nhận ra.

“Có năm trực đêm 30 Tết, cả ekip tập trung cấp cứu một ca bệnh nặng. Khi ngẩng lên, đồng hồ đã chỉ sang năm mới. Chúng tôi nhìn nhau bảo: ca cấp cứu này kéo dài tận hai năm” - ThS. bác sĩ Nguyễn Minh Hiếu, Trung tâm Cấp cứu nhớ lại.

Nhưng không phải cuộc chiến nào cũng kết thúc có hậu. Có những khoảnh khắc, bàn tay bác sĩ buộc phải buông xuôi, sự im lặng bao trùm cả phòng cấp cứu, để lại nỗi day dứt không nói thành lời.

Nhẫn nại, yêu thương

Do đặc thù công việc, tôi được lãnh đạo bệnh viện cho phép có mặt tại điểm nóng này. Từ góc khu lưu bệnh nhân cấp cứu, tôi nhận ra nữ điều dưỡng Đặng Thị Hạ, người từng nổi tiếng mạng xã hội khi cứu mạng một du khách nước ngoài trong lúc đang du lịch cùng bạn bè ở Đà Nẵng mùa hè năm ngoái. Vóc dáng thanh mảnh, cô nhanh nhẹn di chuyển giữa các giường bệnh.

Mỗi ngày, Hạ và các đồng nghiệp phải đối diện với hàng chục, thậm chí hàng trăm ca cấp cứu nặng, từ nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, chấn thương nặng cho đến những bệnh nhân nguy kịch cần hồi sức tích cực. Trong bộ đồ điều dưỡng màu đỏ và chiếc khẩu trang kín mít, họ chạy đua với thời gian, tất bật thiết lập đường truyền, đo huyết áp, hỗ trợ bác sĩ đặt nội khí quản, ép tim cấp cứu hay tiêm thuốc giãn mạch.

Điều dưỡng Đặng Thị Hạ chăm sóc bệnh nhân cấp cứu

Cảnh tượng bệnh nhân nguy kịch liên tục nhập viện, tiếng máy móc vang lên dồn dập, tiếng khóc của người nhà xen lẫn những câu y lệnh khẩn trương khiến tim họ thắt lại, nhưng những cô gái ấy không được phép yếu mềm. Nhiều lần, Hạ nén nước mắt khi chứng kiến một bệnh nhân không qua khỏi, để rồi ngay sau đó lại gấp rút cấp cứu cho một ca bệnh khác.

Giữa những hành lang sáng đèn suốt ngày đêm của Trung tâm Cấp cứu, những điều dưỡng vẫn âm thầm, bền bỉ với công việc của mình. Mỗi ngày trôi qua là một cuộc chiến không khoan nhượng. Xe cấp cứu hú còi dồn dập, cánh cửa phòng cấp cứu bật mở liên tục, những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch được đẩy vào với những hơi thở yếu ớt, nhịp tim rối loạn.

Không có chỗ cho sự chần chừ, họ lao vào công việc một cách thuần thục. Những đôi tay nhỏ nhắn nhưng rắn rỏi không một giây ngừng nghỉ, bởi chỉ cần chậm một nhịp thôi, sự sống mong manh kia có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Giữa những mỏi mệt chồng chất, những thiên thần khoác áo blouse vẫn lặng lẽ kiên trì, nhẫn nại, gói trọn yêu thương vào từng cử chỉ, từng nhịp thở của người bệnh. Bởi với họ, hạnh phúc không chỉ là một lời cảm ơn, mà là khoảnh khắc nhịp tim yếu ớt dần trở nên ổn định, là ánh mắt mừng rỡ của người thân khi bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần, là những giọt nước mắt vui mừng thay cho nỗi tuyệt vọng ban đầu. Chính những điều bình dị nhưng thiêng liêng ấy đã tiếp thêm cho họ sức mạnh, để tiếp tục bước đi trên con đường nhiều gian truân nhưng cũng đầy ý nghĩa…

ThS Lê Quang Trí, Điều dưỡng Trưởng Trung tâm Cấp cứu vừa cầm hộp cơm tối lên đã vội đặt xuống vì một ca bệnh nặng vừa chuyển đến. Khi bệnh nhân tạm ổn, anh quay lại, hộp cơm đã nguội ngắt. Trí cười nhẹ bảo cảnh này cũng quen rồi.

Tôi đọc trong ánh mắt của điều dưỡng trưởng Lê Quang Trí sự thấu hiểu của một người gắn bó trọn đời với những phận người không may…

Khoảng thời gian từ trưa đến chiều tối luôn là những giờ phút căng thẳng nhất, khiến từng y bác sĩ phải gồng mình làm việc liên tục. Đêm muộn, khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ, Trung tâm Cấp cứu vẫn sáng đèn. Những ca bệnh từ các tỉnh lân cận vẫn tiếp tục chuyển về, những cuộc gọi cấp cứu vẫn dồn dập vang lên.

Nhưng dù mệt mỏi, dù áp lực, họ vẫn chưa từng dừng lại. Họ là những người không ngủ để giữ cho sự sống không tắt, là những người lặng lẽ hy sinh để đổi lại từng nhịp tim hồi sinh, từng ánh mắt hồi tỉnh.

Với họ, niềm vui không phải là những phút nghỉ ngơi, mà là khi một bệnh nhân qua cơn nguy kịch, khi nỗi đau dần tan biến, khi sự sống lại tiếp tục được nối dài.

Tôi nghiệm ra, ở đây họ kiệm lời tới mức có thể, chỉ có ánh mắt và đôi tay nói hộ. Đó là “vỏ bọc” của những cơn sốt có tên là giành giật sự sống, mà có sự sống nào không mang trong mình trái tim nóng hổi với bao khao khát ở đời.

(còn nữa)

Hà Minh

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây