Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Giới trẻ Trung Quốc 'chùn chân' trước hôn nhân

Phụ nữ độc lập tài chính ngày càng ít xem hôn nhân là điều kiện ổn định cuộc sống. Ảnh minh họa: Aly Song/Reuters.

"Nếu kết hôn thực sự tốt đẹp đến thế, tại sao lại cần phải khuyến khích? Liệu có ai cần nhắc nhở khi có tiền rơi trên đường và ai cũng có thể nhặt?"

Sau khi Bộ Dân Chính Trung Quốc công bố số liệu mới nhất về đăng ký kết hôn, chủ đề giới trẻ không muốn kết hôn lại một lần nữa làm dậy sóng mạng xã hội.

Một số ý kiến chỉ trích rằng thanh niên ngày nay quá cá nhân chủ nghĩa và ngại gánh vác trách nhiệm hôn nhân. Trong khi đó, nhiều người phản bác, cho rằng đây là sự áp đặt đạo đức và nếu hôn nhân thực sự tốt đẹp, chẳng ai lại không muốn bước vào, theo Lianhe Zaobao.

Ái ngại hôn nhân làm giảm hạnh phúc

Theo báo cáo, năm 2024 chỉ có 6,106 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn tại Trung Quốc, giảm mạnh 20,5% so với năm trước. Đây không chỉ là mức giảm sâu nhất kể từ khi dữ liệu được ghi nhận vào năm 1986 mà còn chỉ bằng một nửa so với đỉnh cao năm 2013, khi số cặp kết hôn đạt 13,469 triệu.

Trước đó, vào đầu năm 2023, một quan niệm truyền miệng lan truyền trên mạng rằng năm Giáp Thìn 2024 không có Lập Xuân, còn gọi là “năm góa phụ”, ý chỉ năm không may mắn cho hôn nhân. Sự kiện này đã thu hút sự chú ý của cả chính quyền, khiến các phương tiện truyền thông lớn phải mời chuyên gia vào cuộc để bác bỏ quan niệm này.

Giới trẻ ưu tiên cuộc sống tự do, giá trị cá nhân hơn áp lực gia đình truyền thống. Ảnh minh họa: Aly Song/Reuters.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã liệt kê hàng loạt khó khăn mà hôn nhân có thể mang lại, bao gồm: tiền sính lễ, chi phí đám cưới, nhà cửa, xe cộ, tranh cãi, bạo lực tinh thần (chiến tranh lạnh), chồng “mama’s boy” (chồng phụ thuộc mẹ), mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, áp lực sinh con, nuôi con, sinh con thứ hai, việc nhà, áp lực mua nhà trong khu trường học, ngoại tình, bạo lực gia đình và ly hôn.

Nhiều phụ nữ trên mạng xã hội cho rằng hôn nhân làm giảm hạnh phúc. Theo họ, nếu độc thân, áp lực duy nhất là chưa lập gia đình, nhưng khi kết hôn, gánh nặng trách nhiệm và kỳ vọng xã hội ngày càng chồng chất.

Những áp lực bị chê trách và chỉ trích bao gồm: không sinh con, không sinh con trai, không sinh con thứ hai, không làm việc nhà, không chăm chồng, không hiếu thuận với bố mẹ chồng, ra ngoài đi làm, ở nhà nội trợ.

Những kỳ vọng xã hội chồng chéo lên nhau khiến nhiều người cảm thấy bước vào hôn nhân đồng nghĩa với việc đánh mất quyền tự do và hạnh phúc cá nhân.

Chi phí kết hôn cao ngất ngưởng

Hôn nhân chưa bao giờ là một lựa chọn rẻ tiền ở Trung Quốc, nhưng ngày nay, chi phí kết hôn càng trở thành một gánh nặng lớn hơn bao giờ hết. Không chỉ dừng lại ở sính lễ cao ngất ở nhiều vùng, mà áp lực mua nhà trước khi cưới cũng là một rào cản đáng kể.

Theo một khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc năm 2023, chi phí trung bình cho một đám cưới tại Trung Quốc lên đến 330.000 NDT (khoảng 45.500 USD), gấp 8 lần thu nhập khả dụng bình quân đầu người trong cùng năm.

Tuy nhiên, với nhiều người trẻ, đây mới chỉ là bước khởi đầu. Sau hôn nhân, họ còn đối mặt với hàng loạt chi phí như trả nợ mua nhà, nuôi con, cân bằng công việc và gia đình trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

Tỷ lệ kết hôn và sinh con giảm ở Trung Quốc phản ánh sự thay đổi quan niệm về hôn nhân, tương tự các nước phát triển ở Đông Á. Giới trẻ ưu tiên chất lượng hôn nhân, giá trị cá nhân và cuộc sống tự do hơn so với thế hệ trước.

Việc lập gia đình, sinh con không còn được xem là thước đo hạnh phúc. Quan niệm truyền thống coi không có con là bất hiếu cũng dần mất đi sức ảnh hưởng.

Đặc biệt, phụ nữ có học vấn cao, độc lập tài chính không còn xem hôn nhân là điều kiện đảm bảo ổn định. Họ cũng phản đối mô hình “hôn nhân góa phụ”, nơi người mẹ gánh vác toàn bộ trách nhiệm gia đình.

Chi phí kết hôn đắt đỏ đẩy giới trẻ Trung Quốc xa rời hôn nhân. Ảnh minh họa: Florence Lo/Reuters.

Chỉ trong hơn một thập kỷ, số người Trung Quốc kết hôn đã giảm một nửa, trở thành dấu hiệu rõ rệt của tỷ lệ sinh đang suy giảm. Nhà nhân khẩu học Yi Fuxian cảnh báo, nếu xu hướng này tiếp diễn, Trung Quốc có thể đối mặt với thách thức lớn trong tham vọng chính trị và kinh tế.

Xu hướng giảm kết hôn và sinh con, cùng với sự thu hẹp dân số, đang đe dọa tăng trưởng kinh tế. Khi chính phủ nỗ lực vực dậy thị trường bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng, nhu cầu mua nhà suy giảm khiến triển vọng này kém lạc quan. Trước đây, nhà ở không chỉ là tài sản mà còn là điều kiện kết hôn, đặc biệt với các cặp đôi trẻ. Nay, với ít người lập gia đình, nhu cầu này trở nên bấp bênh

Không chỉ bất động sản, sự suy giảm kết hôn và sinh con còn ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế như ngành cưới hỏi, chăm sóc trẻ em, giáo dục, y tế, tiêu dùng cá nhân.

Nhiều chuyên gia cho rằng suy thoái kinh tế là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm mạnh. Tăng trưởng thu nhập chậm, việc làm bấp bênh, cạnh tranh khốc liệt và tâm lý lo ngại về tương lai khiến giới trẻ trì hoãn hoặc né tránh hôn nhân để giảm rủi ro tài chính.

Nếu tâm lý bi quan là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, ưu tiên hàng đầu là khôi phục niềm tin và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Như Phương

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây