Đời sống của những người vợ dưới chế độ đa thê
- Thứ hai - 13/01/2025 08:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chế độ đa thê hiện nay tồn tại ở một số nơi. Ảnh: CBC.
Gia đình đa thê điển hình bắt đầu bằng việc một người đàn ông khoảng 23 tuổi kết hôn với một phụ nữ kém anh ta ba tuổi; đây sẽ là cuộc hôn nhân hợp pháp duy nhất của anh ta. Mười mấy năm sau, anh ta lấy vợ thứ hai, một người phụ nữ trẻ hơn người vợ đầu tiên 11 tuổi. Nếu lấy vợ thứ ba, cô ấy cũng sẽ ở độ tuổi đôi mươi vào thời điểm kết hôn. Dù là ở trong các cuộc hôn nhân đa thê hay một vợ một chồng, những người vợ Mặc Môn cũng có tỷ suất sinh cao, trung bình có từ bảy đến tám người con.
Tùy theo khả năng và sở thích của người chồng, anh ta sẽ để cho vợ ở những phòng khác nhau trong cùng một ngôi nhà, hoặc ở những ngôi nhà khác nhau, đôi khi khá xa nhau. Những người vợ Mặc Môn thường rơi vào hoàn cảnh phải học cách sống tập thể và hợp tác dưới một mái nhà với một hoặc nhiều người cùng là vợ và những đứa con sinh ra từ nhiều người vợ khác nhau.
Nếu sống ở một nơi xa chồng, người vợ Mặc Môn thường có tính độc lập đáng kể. Cô ấy có khá nhiều quyền tự chủ trong việc nuôi dạy con cái, mối quan hệ mẹ con thường được ưu tiên hơn quan hệ vợ chồng, vì người chồng chia sẻ với những người vợ khác, thường sống ở xa và thường xuyên đi truyền giáo. Chuyện một người vợ theo đạo Mặc Môn làm việc bên ngoài nhà không phải là hiếm, nhà thờ Mặc Môn khuyến khích phụ nữ có khả năng kinh doanh và tự chủ tài chính.
Không giống như những người vợ thuộc tầng lớp trung lưu thời Victoria của xã hội lớn hơn, người vợ theo đạo Mặc Môn hoàn toàn không bị giới hạn trong đời sống gia đình; họ làm nông dân, thợ may và doanh nhân, thậm chí một số còn trở thành y tá và bác sĩ.
Nhiều người đã hoạt động tích cực trong Hội Cứu trợ, một tổ chức được thành lập vào năm 1842 để hỗ trợ các hoạt động tôn giáo, từ thiện và văn hóa. Sau đó, từ năm 1872 đến năm 1914, một số phụ nữ tiến bộ nhất đã cho ra đời một tờ báo mang tên Người ủng hộ phụ nữ (Women's Exponent), bày tỏ nhiều mối quan tâm khác nhau, bao gồm cả những mối quan tâm gắn với "Phụ Nữ Mới" cuối thế kỷ XIX. Rõ ràng các cuộc hôn nhân của người Mặc Môn thế kỷ XIX đã phức tạp hơn quan điểm phổ biến coi họ là "hậu cung" phục vụ cho ham muốn của nam giới.
Cuốn hồi ký do Mary Ann Hafen để lại cho con cháu bà mang lại một bức tranh sống động về cuộc sống của bà với tư cách là một người vợ đa phối ở Utah và Nevada. Sau khi mất người chồng đầu tiên (người mà bà từng là vợ thứ hai), bà được cha mẹ thúc giục chấp nhận lời cầu hôn của John Hafen. Nhưng ông cũng đã có người vợ đầu tiên, Susette, là người không hài lòng với việc cưới vợ hai cho chồng mình. Do sự phản đối của Susette, sau nhiều nước mắt và đầy miễn cưỡng, cuối cùng Mary Ann mới đồng ý cuộc hôn nhân này. John Hafen sẽ lấy thêm hai người vợ nữa và Mary Ann Hafen sẽ có bảy đứa con.
Tương tự, Jane Snyder Richards, người vợ đầu tiên của sứ đồ Mặc Môn Franklin D. Richards, kể lại những thử thách mà bà phải chịu đựng khi là người vợ đầu tiên buộc phải đón mười người vợ khác vào gia đình mình. Bà Hubert Howe Bancroft, người đã ghi lại câu chuyện của Richards cho người chồng sử gia của mình vào năm 1880, kết luận rằng phụ nữ Mặc Môn coi chế độ đa thê là "một nghĩa vụ tôn giáo và tự học cách chịu đựng những nỗi khó chịu của nó như một kiểu hành xác tôn giáo".
Marilyn Yalom & Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam