Đi thật xa để lánh nạn 'giục cưới'
- Thứ hai - 25/11/2024 19:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đã hơn 30 tuổi mà chưa có người yêu, Thiên Long* liên tục bị gia đình hối thúc tìm hiểu các cô gái gần nhà hoặc người quen. Cha mẹ lo anh “độc thân đến già”. Mong làm yên lòng gia đình, Long bỏ tiền thuê bạn gái về ra mắt gia đình.
Tương tự, Nguyễn Loan cũng được gia đình giới thiệu hàng chục chàng trai để làm quen, tìm hiểu. Song, đến khi cô dẫn bạn trai về ra mắt, cha mẹ lại đổi thái độ. Do vậy mà cô hạn chế về nhà mấy tháng gần đây.
Minh Nghĩa chuyển từ Cần Thơ lên TP.HCM hồi đầu năm 2024. Nhờ đó, anh né được câu hỏi “Bao giờ lấy vợ” của họ hàng. Nghĩa nói rõ bản thân muốn tập trung học tập, làm việc và chỉ kết hôn khi mọi thứ ổn định.
Mùa cưới cuối năm 2024, nhiều người trẻ (hoặc không còn quá trẻ) bị gia đình thúc giục vì chưa kết hôn như bạn bè đồng trang lứa. Nhiều cách đối phó khác nhau được họ đưa ra để làm yên lòng “đấng sinh thành”, họ hàng và bạn bè xung quanh.
Rời nhà để khỏi bị giục cưới
Ngay sau khi hoàn thành chương trình đại học ở Cần Thơ, Minh Nghĩa (23 tuổi, chuyên viên bán hàng) chuyển lên TP.HCM để tìm việc. Anh cho biết mình “luôn đau đầu vì những câu hỏi, lời giục cưới của họ hàng và gia đình”. “Cha mẹ mình trước đây cũng thoải mái khi mình tập trung sự nghiệp nhưng từ khi bị họ hàng liên tục thúc ép, họ trở nên lo lắng hơn”, Nghĩa chia sẻ.
Minh Nghĩa bị gia đình thúc cưới dù chỉ vừa 23 tuổi. Ảnh: NVCC.
Ấp ủ kế hoạch lên TP.HCM học tập và làm việc từ lâu, Nghĩa xem những lời giục cưới như “giọt nước tràn ly” thay vì nguyên nhân chính làm anh chuyển nhà. “Song việc đi làm xa đã giúp mình và cha mẹ bớt nghe những câu hỏi của họ hàng. Dễ chịu hơn hẳn”, anh cho biết.
Theo Minh Nghĩa, việc anh chuyển lên TP.HCM để làm việc cũng làm cha mẹ yên tâm hơn phần nào. Họ hiểu kế hoạch phát triển và quyết tâm tập trung sự nghiệp của con trai.
Gần giống Nghĩa, Nguyễn Loan (29 tuổi, Hà Nội) ít về nhà trong những tháng gần đây. Loan và cha mẹ bất đồng quan điểm sau khi cô giới thiệu bạn trai kém 6 tuổi với phụ huynh. “Bọn mình cũng quen nhau được một thời gian rồi nhưng chưa được gia đình ủng hộ”, cô chia sẻ.
Điều làm Loan giận nhất là cha mẹ, họ hàng liên tục mai mối, giới thiệu hàng chục chàng trai để cô làm quen trước đó. Với những người cô không thích, mẹ vẫn yêu cầu Loan “cố mà nói chuyện rồi tiến xa hơn, quá tuổi rồi”, Loan kể.
Tết Ất Tỵ 2025, chuyên viên marketing sẽ bước sang tuổi 30. Cô cho biết bản thân có phần “e ngại” khi về quê trong thời gian tới. “Trước đây mọi người cũng hỏi tôi nhưng không nhiều, có hỏi thì tôi cũng trả lời qua loa. Năm nay thì sang 30 rồi, cũng sợ khi về quê sẽ bị hỏi quá nhiều”, cô nói thêm chị họ cô thậm chí không dám về quê vì bị giục cưới liên tục.
Những câu hỏi "Bao giờ kết hôn, sinh con" là nỗi lo của nhiều bạn trẻ mỗi dịp Tết đến. Ảnh minh họa: Phương Lâm.
“Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Thiên Long (31 tuổi) hiện làm việc ở TP.HCM. Hiện anh vẫn độc thân và chưa có dự định kết hôn. “Công việc lập trình quá bận rộn làm tôi không có thời gian yêu đương trong khi cha mẹ cứ giục mãi”, anh kể. Long quyết định bỏ tiền thuê một cô gái về làm người yêu.
Sau lần đó, cha mẹ anh yên tâm hơn hẳn. Cuộc trò chuyện trong những lần Thiên Long về nhà lại xoay quanh cô “bạn gái” xinh xắn, nói chuyện dễ thương. Tầm 1 năm sau, cha mẹ anh lại giục cưới. “Lần này tôi chỉ có cách nói rõ với gia đình là chưa muốn lập gia đình chứ không thể thuê ai khác. Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”, anh vừa cười vừa nói.
Không ít bạn trẻ thuê người yêu ra mắt để gia đình an tâm, theo Hồng Minh (*) - người chuyên cung cấp dịch vụ người yêu tạm thời ở TP.HCM. Cô cho biết mình đã về nhà “bạn trai” đến 3 lần trong năm 2024. Có 1 lần cô được một thành viên của cộng đồng LGBTIQ+ thuê về nhà làm “bình phong”, ổn định tâm lý gia đình. Với mỗi buổi ra mắt, Hồng Minh thu về 1 triệu đồng, chưa kể phí đi lại và tiền thưởng.
Nghiên cứu của Viện Tâm lý học ứng dụng và phát triển MP cho thấy có người gặp stress vì liên tục bị giục cưới, hối sinh con. Ảnh minh họa: Shutterstock.
Hiện, cô vừa 27 tuổi và làm việc trong lĩnh vực trị liệu tâm lý. Ngoài ra mắt gia đình, Hồng Minh còn nhận đi xem phim, chơi game, du lịch chung với những người có nhu cầu. Cô nhấn mạnh chỉ đi với vai trò là người bạn lắng nghe, tâm sự với khách hàng chứ không tiến xa hơn.
“Mình luôn làm rõ những điều có thể làm và tuyệt đối không làm với khách hàng, nhất là các hành vi sàm sỡ, tình dục. Nếu khách hàng có suy nghĩ hay mong muốn không lành mạnh, mình sẽ từ chối ngay lập tức để đảm bảo an toàn”, cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Duy Dương, 26 tuổi, đang làm truyền thông ở TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Tương tự Thiên Long, Duy Dương (26 tuổi, TP.HCM) cũng đôi lần bị gia đình, bạn bè hối thúc vì mãi chưa có bạn gái. Và đến khi có người yêu, lại có người khuyên anh kết hôn. Song, anh thấy “bình thường” khi nghe những lời hối thúc.
“Độc thân thì sẽ bị hối có người yêu, đến khi có người yêu sẽ bị hối cưới, đến khi cưới sẽ bị hối có con. Mình hiểu điều này nên không quá bận tâm đến những lời giục giã”, Dương chia sẻ.
Theo anh, một cuộc hôn nhân hạnh phúc cần hội tụ nhiều yếu tố thay vì “muốn là cưới”. “Chúng ta sẽ là người chịu trách nhiệm cho mọi quyết định, kể cả kết hôn hay sinh con. Mình chỉ xem lời hối thúc là quan tâm của gia đình và ghi nhận tình cảm đó chứ không tự áp lực bản thân”, anh khẳng định.
(*) Tri Thức - Znews đổi tên để bảo mật thông tin cho nhân vật.
Đức An - Uyên Ngô