Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Có đứa trẻ nghèo không biết Tết...

Tết và nỗi lo cơm áo...

Xuân đang về trên những chặng đường. Hình ảnh: ĐT

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần cố nông quanh năm chạy ăn từng bữa. Nỗi lo cơm áo của người lớn sớm chạm vào đôi mắt trẻ thơ. Bố mẹ tôi chỉ có vài mảnh ruộng con con mùa được mùa mất để nuôi chị em chúng tôi lớn lên thành người. Cứ mỗi khi tháng Chạp dội về, mẹ tôi lại mất ngủ hằng đêm, lo âu cho những món nợ phải trả, những món đồ Tết phải sắm cho tròn phận dâu con.

Tháng Chạp, tôi đi học một buổi còn một buổi theo mẹ ra đồng. Mùa đông là mùa của ngô, của khoai đến kỳ thu hoạch. Tôi bé loắt choắt, đen nhẻm, gầy gò, trèo lên những luống khoai mà đất đã khô vỡ, dỡ những dây già còn lại để mẹ cuốc lấy củ. Mẹ chằng bó dây khoai đùng lên chiếc xe đạp khung nam nhiều hơn tuổi của tôi, tôi luồn chân dưới khung xe, đạp vẹo sườn, chở bó dây khoai lang già đi bán cho những nhà có nuôi lợn. Rồi những củ khoai khi khô nhựa, cũng được tôi mang ra vệ đường, cóp nhặt bán cho người lại qua, từng cân, từng cân một.

Cái con bé mới hơn mười tuổi là tôi lúc đấy, cầm từng đồng tiền lẻ, vuốt cho phẳng phiu mang về khoe mẹ: "Mẹ ơi, từng này là mua được một cân đỗ xanh; từng này mua được miến. Để con bán dần thêm bắp ngô, trái ớt, mua lá dong gói bánh".

Là một đứa trẻ sinh ra ở nhà quê nhưng lớn lên ở miền núi xa xôi, tôi chẳng ngại chi những công việc chân tay dù còn bé tí. Trông em, nấu cơm bằng bếp rơm, phụ mẹ làm đồng, rồi kiếm củi, nấu cám lợn, gom những đồng tiền lẻ bằng chút nông sản mẹ trồng ra. Tết trong tôi cứ năm qua năm, lớn dần theo nỗi lo âu nghèo khó của gia đình mình.

Bố tôi là con út trong một gia đình có 8 anh chị em. Năm nào gói bánh chưng xong, mẹ cũng sắp lễ Tết ông bà và các bác. Mẹ gom những gì cả nhà sắm được để mang chúc Tết họ hàng. Chị em tôi cứ nhìn theo tiếc nuối: "Mẹ ơi, tại sao nhà mình không được giữ lại gì?".

Cứ mỗi khi chị em chúng tôi được mừng tuổi, mẹ lại kéo vội chúng tôi xuống góc bếp tồi tàn, móc trong túi chúng tôi những đồng tiền vừa có được rồi chạy vội lên nhà, mừng tuổi lại cho con nhà người ta.

Có những đứa trẻ chuyện áo mới đón Tết chỉ là ước ao...

Ước ao có quần áo đẹp mặc Tết đối với chúng tôi chỉ là ước ao. Như ước ao khi thấy nhà bác mình có khách khứa nườm nượp quà bánh tới chúc Tết. Cả một nhà đầy bánh kẹo. Chúng tôi là lũ con nít thèm thuồng và khát khao nhưng không bao giờ dám bộc lộ sự nghèo hèn của mình ra một cách suồng sã. Chúng tôi bẽn lẽn đứng bên bố mẹ, rón rén nhón cái trứng chim khi được mời, ăn cho có lệ chứ không vồ vập để đã cơn thèm.

Nhà bác tôi làm cán bộ ủy ban. Bố tôi thường được bác gọi sang làm cơm giúp để đãi khách. Cả buổi tất bật luôn chân luôn tay nhưng bố tôi chỉ ở bếp, đến lúc xong xuôi, khách khứa cùng bác hỉ hả bên mâm cơm ly rượu thì bố tôi về nhà. Cái nghèo đi cùng cái tủi hèn xa lạ. Máu chảy ruột già đó cũng không bằng túi quà, chai rượu và phong bao đỏ.

Nhà chúng tôi cứ thế mà cuốn theo những ngày tháng Chạp long đong. Nợ trong nợ ngoài nối đuôi nhau đến. Mẹ tôi bán thóc trang trải nợ nần cho vài người. Còn lại thì khất lần khất lữa xin đến ra Giêng. Nhưng ai mà biết được ra Giêng rồi đến giáp hạt, tôi lại bưng rá đi vay gạo nấu tạm bữa trưa...

Cứ thế, cứ thế, cũng đến tối ba mươi Tết, cũng nghe một năm mới rộn ràng trên chiếc tivi phải vỗ vỗ vài cái mới lên tiếng, lên hình. 18 cái Tết đầu tiên của tôi trôi qua như lạ như quen, như mơ như thực, trong ánh mắt nheo nheo của mẹ, trong sự vá víu của cái thiếu chưa khi nào đầy, trong những ngày cúi mặt ngăn không cho sự tủi thân làm trào nước mắt...

Bây giờ thì tôi đã xấp xỉ bốn mươi tuổi, có một tổ ấm riêng mà không còn long đong như ngày ấu thơ nữa. Các con tôi được gói bánh chưng, mặc áo dài tươi thắm, được hồn nhiên như đúng tuổi của chúng.

Ngày 23 tháng Chạp, tôi cùng chồng sửa soạn mâm cơm gia tiên với đầy đủ lòng thành, chắp tay trước ban thờ cảm tạ một năm đã qua với những ân phước từ cuộc đời, từ mọi người.

Nhờ sự thiếu thốn của thời thơ ấu, nhờ những lam lũ ngày còn chân đất nơi mái tranh nghèo mà tôi có đủ vững vàng trước dòng đời đầy gian lao, trước những thách thức của hai chữ "người lớn", trước những vất vả gian lao nhưng không thấy khổ cực. Tôi thầm cảm ơn sự nghèo khó cho tôi nghị lực, cho tôi biết vén, biết đủ và thấy ấm êm trong chiếc tổ nhỏ của riêng mình.

Ý niệm về Tết dù mỗi năm mỗi tuổi và mỗi sự đổi thay, nhưng trên hết vẫn là tình thân, là dịp để lại về gần bên nhau, để kính lễ và chạm vào tâm khảm, lòng biết ơn đến tận cùng nguồn cội của chính mình. Dù nguồn cội ấy có khô cằn nứt nẻ, tôi cũng đã nhờ đó mà lớn lên thành người.

Minh Phú

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây