Chuyện 'ông chú Tân Phú' sửa xe miễn phí cho người nghèo
- Thứ hai - 24/02/2025 19:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Không tiền cũng vá"
Giữa dòng xe cộ tấp nập trên phố Âu Cơ, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, có một tiệm sửa xe nhỏ, giản dị nhưng đầy ắp tình người. Tấm biển với dòng chữ “Không tiền cũng vá” là lời nhắn gửi nghĩa tình của ông Võ Thành Vinh, 63 tuổi.
Ông Võ Thành Vinh tâm niệm, cuộc đời cần lắm sự lạc quan, giúp được ai hay người ấy, chẳng cần toan tính thiệt hơn
Ông Vinh bắt đầu công việc sửa xe từ 30 năm trước. Khi ấy, ông thường túc trực trên vỉa hè các khu vực lân cận, với giỏ đồ nghề đơn sơ, chăm chút sửa chữa cho những chiếc xe đạp, vốn là phương tiện phổ biến nhất lúc bấy giờ. Theo thời gian, với đôi tay khéo léo và sự tận tâm, ông Vinh bắt đầu chuyển sang sửa chữa xe máy, mở một tiệm nho nhỏ trên đường Âu Cơ chỉ với 30 m2, nhưng tưởng như chẳng thiếu thứ công cụ gì.
Ông Vinh kể lại, trong quá trình hành nghề, ông đã chứng kiến bao cảnh người lỡ bước dọc đường vì xe hỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đặc biệt, không ít người khi đẩy xe qua tiệm của ông, lại chần chừ chẳng bước vào vì sợ bị "chặt chém", đành ngậm ngùi tiếp tục dắt bộ. Ông Vinh hiểu được tâm lý lo ngại của người ta, vì vậy, ông quyết định dựng tấm biển hiệu tử tế, trong đó viết rõ những lời mời gọi chân thành: "Ai lỡ độ đường, cứ vào đây, đừng ngại! Không tiền cũng vá!".
Ông còn hóm hỉnh thêm vào đôi dòng tâm sự: "Tìm bạn không dính vào tiền. Cho vay mất bạn, cho nợ mất khách. Đòi suốt thì ngại, để lâu thì quên. Vui lòng không nợ, không tiền cũng vá. Đừng ngại".
Kể từ ấy, tiệm sửa xe của ông chẳng lúc nào vắng khách. Bận rộn với công việc, không khi nào ngơi tay, luôn hiện diện trong bộ quần áo nhuốm màu dầu nhớt, đôi tay chai sần vì dãi dầu sương gió nhưng trên gương mặt ấy, nụ cười hiền hậu chưa bao giờ tắt. Ông Vinh tâm niệm, cuộc đời cần lắm sự lạc quan, giúp được ai hay người ấy, chẳng cần toan tính thiệt hơn. Ông cẩn thận giữ lại những chiếc vỏ xe cũ, vá lại ngon lành, để dành cho những người kém may mắn sau này.
"Ngoài vá xe miễn phí, lắm lúc người ta vào sửa xe, thay đồ với chi phí vài trăm nghìn, nhưng nếu thấy người ta khó khăn quá, tôi cũng sẵn sàng giảm giá cho, coi như chỉ thu về tiền vốn, tiền công thì mình không tính. Người nào khó quá có khi tôi tặng luôn, chẳng lấy tiền làm gì. Sau đó, có nhiều người ghé lại đưa tặng tôi trái cây, đồ ăn, đủ thứ hết, dễ thương lắm", ông chủ tiệm hiền lành chia sẻ.
Túc trực ngày đêm
Tiệm sửa xe của ông Vinh còn nổi tiếng với cái tên "Tiệm sửa xe ngày và đêm", bởi ông luôn mở cửa xuyên suốt, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai gặp sự cố, kể cả lúc nửa đêm. Ông Vinh cho hay: "Lúc nào đi ngủ tôi cũng để điện sáng và mở hé cửa, đồ đạc hay phụ tùng gì cũng để nguyên như vậy, không dọn vào để người ta có hỏng xe thì cứ vào gọi tôi dậy sửa".
Bên cạnh đó, với những vị khách lỡ đường vì quên bơm xăng, ông Vinh cũng chẳng ngại san sẻ chút xăng ít ỏi của mình, mà không mưu cầu nhận lại điều gì. Ông nói, trong hai chiếc xe máy cũ kỹ của mình luôn có sẵn xăng dự trữ, để ai cần là có ngay.
"Tôi hỏi người ta đi đâu, rồi đổ cho 1-2 lít xăng. Ai về quê xa mà không có tiền, tôi cho thêm vài chục nghìn, phòng khi hết xăng giữa đường còn có cái mà đổ"... Cứ như vậy, với tinh thần nhân ái, tương trợ đồng bão, ông Võ Thành Vinh đã giúp đỡ hàng trăm người mỗi năm, bằng tất cả những gì tiệm sửa xe của ông có.
"Cả đời tôi gắn liền với nghề này, nó đã giúp tôi nuôi nấng con cái ăn học thành tài, cuộc sống cũng gọi là ổn định. Giờ không phải lo cơm áo gạo tiền như trước, nên mong muốn của tôi là giúp đỡ được ai thì giúp. Ruột xe nhập vào chỉ mấy chục nghìn, tiền công cán đôi lúc cũng đáng bao nhiêu đâu. Làm được việc tốt, lòng tôi cũng cảm thấy vui vẻ, phấn chấn lên!", ông Vinh bộc bạch.
Cảm động trước tấm lòng hiền hậu của ông Vinh, nhiều mạnh thường quân ngỏ ý muốn chung tay giúp đỡ. Thế nhưng, ông chỉ mỉm cười, nhẹ nhàng từ chối. Ông bảo, sức khỏe còn vững, con cái đã nên người, hiếu thảo đủ đầy, nên chẳng phiền lòng chuyện tiền bạc. May mắn nữa là chủ nhà bao năm nay vẫn giữ nguyên giá thuê, chẳng tăng thêm đồng nào, giúp ông vơi bớt gánh lo chi phí.
Vì tính chất công việc, phần lớn thời gian ông lặng lẽ ở tiệm một mình. Nhiều lần, gia đình thúc giục ông nghỉ ngơi sớm, nhưng ông vẫn kiên quyết bám nghề, chừng nào còn sức thì còn làm. "Sau này, dẫu không còn mưu sinh bằng nghề này nữa, ai cần giúp, tôi vẫn sẵn lòng", ông nói chắc nịch.
Minh Anh