Chiếc roi mây của bố
- Thứ hai - 17/02/2025 12:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bố tôi ít nói nhưng nghiêm khắc lắm. Chỉ cần ông “liếc mắt” một cái là 3 chị em tôi ngưng tị nạnh, hết cãi nhau. Thế nên chúng tôi nghịch ngợm, làm gì cũng phải “nhìn trước, ngó sau”. Bố tôi là bộ đội xuất ngũ, ông thường dậy sớm, chăn màn ngăn nắp, đồ đạc để ở đâu, lấy xong phải để lại ở đó. Để phân xử những cuộc cãi vã của mấy chị em, bố tôi chuẩn bị sẵn chiếc roi mây, giắt sau cửa bếp. Roi mây đánh vào chân đau điếng. Chiếc roi để càng lâu, càng bóng, càng bền…
Là con gái, thế nhưng trong 3 chị em thì tôi nghịch ngợm hơn cả, hay quên trước, quên sau. Và dĩ nhiên tôi cũng là người “ăn” nhiều roi mây nhất trong nhà. Trưa không ngủ, tôi lén đi hái trộm trái cây hàng xóm, đi nướng khoai, bắt giun câu cá, đi đá dế… Không có trò gì mà tôi bỏ sót. Có lẽ vì thế nên tôi “dạn” roi mây của bố lắm. Đôi khi vì tôi mà chị gái và em trai phải chịu “vạ lây”. May mắn là tôi sáng dạ, học giỏi nhất nhà nên thỉnh thoảng bố vẫn tha thứ khi tôi lỡ nghịch dại.
Tuổi thơ tôi cứ thế lớn lên trong sự yêu thương của bố mẹ, tất nhiên là không thiếu sự răn đe của chiếc roi mây sau cửa. Bố tôi giờ đã gần 70 tuổi, mỗi ngày bố ngồi uống trà với mấy ông bạn chí cốt. Thi thoảng gọi điện thoại cho tôi, bố lại nhắc nhẹ, đừng đánh cháu ngoại ông, có gì nói nhỏ nhẹ, nó còn nhỏ, nghịch ngợm là bình thường. “Thật là lạ… Ngày trước, ai vẫn vung roi mây đánh vào bắp chân con mà không nhớ tới “nhỏ nhẹ” nhỉ!” - tôi hóm hỉnh hỏi lại bố. Bố cười hiền. Thực tế phải công nhận từ sự nghiêm khắc của bố mà chị em tôi nên người, có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống hạnh phúc như hôm nay.
Do lấy chồng xa, rồi bận bịu công việc, con cái, mỗi năm, tôi chỉ có thể sắp xếp về quê một lần. Về lại mái nhà thời thơ ấu, nơi chứa đựng bao kỷ niệm, trở về bên cạnh bố mẹ, thấy lại cánh cửa gỗ xưa, nơi giắt chiếc roi mây năm nào. Nay, cánh cửa ấy vẫn giắt sẵn chiếc roi mây. Chiếc roi của vợ chồng đứa em út ở chung với bố mẹ, để sẵn dành cho 2 cậu con trai thi thoảng nghịch ngợm, hái trộm trái cây… như tôi hồi xưa.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email [email protected], Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!
Lê Na