Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


'Chăm sóc bản thân thật sự': Kỹ năng quan trọng để thiết lập ranh giới

Bạn không cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác

Tonya, ba mươi chín tuổi, là một sản phụ vừa sinh con đầu lòng trong giai đoạn đại dịch. Gia đình cô luôn coi trọng việc dành thời gian chất lượng bên nhau khi có một em bé chào đời. Vì con của Tonya sinh ra đã có vấn đề sức khỏe nên để đảm bảo an toàn, bác sĩ nhi đã nói với Tonya rằng vợ chồng cô không nên tiếp bất kỳ ai đi máy bay đến thăm trong ít nhất hai tháng tiếp theo.

Cô biết chắc mẹ chồng cô rất muốn gặp đứa cháu đầu lòng, và với tình trạng sức khỏe của cha chồng cô, Tonya biết họ không còn nhiều thời gian nữa. Nếu cô từ chối họ, cảm giác tội lỗi trong cô có thể sẽ rất nặng nề. Tôi thường thấy phụ nữ gặp khó khăn khi phải chịu đựng cảm giác tội lỗi, như trường hợp của Tonya.

Để đối mặt với cảm giác tội lỗi, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng mình không thể kiểm soát cũng như không cần chịu trách nhiệm cho cảm xúc của người khác. Để kiên định nói ra lời từ chối, chúng ta phải học cách đối diện với sự thất vọng của người khác và tin rằng đó không phải là thất bại về chuẩn mực đạo đức của chúng ta. Vì nhiều người trong chúng ta không phát triển được kỹ năng này khi còn nhỏ nên tất nhiên đến lúc trưởng thành, chúng ta cảm thấy không thoải mái với việc đặt ra ranh giới.

Khi cảm thấy có lỗi vì đã đặt ra ranh giới với nhà chồng, Tonya đã bị “mắc kẹt” trong cảm giác tội lỗi. Trong tâm trí cô, cảm giác này có nghĩa là cô đã sai khi bày tỏ điều mình muốn ưu tiên. Thông qua quá trình trị liệu, Tonya đã có thể tách bản thân khỏi cảm giác tội lỗi bằng chiến lược “phân tách nhận thức” (cognitive defusion), giúp thúc đẩy tính linh hoạt tâm lý. Đây là một thuật ngữ dùng để chỉ khả năng nuôi dưỡng tinh thần cởi mở và mong muốn khám phá đối với những suy nghĩ và cảm xúc của bạn. Khi có tính linh hoạt tâm lý, bạn nhận ra không có một suy nghĩ hay cảm xúc nào là tuyệt đối.

Nhờ hiểu và thực hành phân tách nhận thức, Tonya bớt bị dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi, từ đó có thể nói rõ ranh giới với gia đình và báo họ đợi vài tháng nữa hãy đến thăm cô. Tonya hiểu cô đã đưa ra lựa chọn đúng đắn cho bản thân và gia đình nhỏ của mình. Cuối năm đó, khi cha mẹ cô ghé thăm lúc con gái cô đang bị ốm mà không báo trước, Tonya đã có thể dứt khoát bảo họ rời đi và từ chối yêu cầu của họ là ít nhất hãy đánh thức cháu gái đang ngủ cho họ gặp trước khi ra về.

Chúng tôi xem đây là một thành tựu và là kết quả trực tiếp từ việc cô cảm thấy thoải mái hơn khi đối mặt với cảm giác tội lỗi của mình. Theo thời gian, Tonya nhận ra cảm giác tội lỗi không phải là sự phán xét từ lương tâm của cô, mà là một tư duy đã ăn sâu trong tâm trí cô khi bấy lâu nay cô luôn được dạy là phải ưu tiên người khác hơn bản thân mình.

Bỏ ngoài tai những thứ cần bỏ ngoài tai

Khi đã thuần hóa được “con quái vật tội lỗi”, bước tiếp theo bạn cần làm để thiết lập ranh giới là nhận biết những người xung quanh ảnh hưởng thế nào đến quyết định của bạn. Tôi gọi họ – những người mà ý kiến của họ chiếm phần lớn không gian trong tâm trí bạn – là “kẻ phá đám”.

Tôi không lạ gì chuyện này. Lớn lên trong một gia đình nhập cư người Nam Á, câu hỏi “Người ta sẽ nói gì?” đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ khi còn rất nhỏ. Mãi cho đến khi trở thành bác sĩ tâm thần, tôi mới hiểu rằng việc mình quá coi trọng cách người khác nhìn nhận về mình có liên quan thế nào với việc đặt ranh giới.

Vào thời điểm khoảng hai mươi lăm tuổi, tôi đối mặt với tình huống mà nhiều phụ nữ phải trải qua: tất cả những người bạn thân nhất của tôi đều đính hôn và lên kế hoạch cho đám cưới. Lúc đó, tôi vẫn đang ở giai đoạn hẹn hò và phải chịu áp lực rất lớn từ gia đình khi họ muốn tôi nhanh chóng kết hôn và ổn định cuộc sống với người tôi đang quen. Đồng thời, tôi cũng đang định chuyển đến một khu vực khác để bắt đầu thực tập nội trú trong lĩnh vực tâm thần học.

Khi nói chuyện với cha mẹ về việc tôi sẽ chuyển đến sống với bạn trai mà không đính hôn, tôi nhận được câu hỏi quen thuộc: “Nhưng người ta sẽ nói gì?”. Khi đề cập đến “người ta”, cha mẹ tôi muốn nói đến bạn bè và họ hàng, cũng như gia đình chúng tôi ở Ấn Độ.

Tôi không thể đổ lỗi cho cha mẹ tôi về tất cả những chuyện xảy ra sau đó. Bản thân tôi khi đó cũng muốn nhanh chóng theo kịp bạn bè. Tôi không muốn bị bỏ lại phía sau và tôi nghĩ mình sẽ phải trả một cái giá rất đắt khi đặt ra ranh giới với gia đình. Tôi cũng yêu bạn trai mình, không muốn đánh mất anh ấy hay tương lai của chúng tôi. Vậy là chúng tôi kết hôn. Nhưng rốt cuộc, hôn nhân của chúng tôi đã kết thúc bằng việc ly hôn, gây nhiều đau đớn và tổn thương cho những người tôi quan tâm.

Bây giờ, khi nhìn lại khoảng thời gian đó và hiểu thấu mọi thứ, tôi thấy rằng để có thể thiết lập ranh giới, chúng ta phải trả cái giá dưới dạng các mối quan hệ xã hội. Tôi đã đánh giá sai và cho rằng đó là cái giá quá cao, tôi đã không lên tiếng bảo vệ bản thân với sự cấp bách lẽ ra tôi nên nhận thấy, chỉ vì tôi sợ các mối quan hệ xã hội của mình sẽ bị ảnh hưởng. Vấn đề của lối tư duy này là bạn càng gắn bó với một mối quan hệ, công việc hoặc tình huống không phù hợp, thì cái giá bạn phải trả về mặt cảm xúc để có thể đưa ra quyết định quan trọng về ranh giới sẽ càng cao.

Cuối cùng tôi vỡ ra một điều mà đáng lẽ tôi nên hiểu từ lâu: không có con đường tắt nào cho việc thiết lập ranh giới và hiểu rõ giới hạn của bản thân. Bạn càng để cho nỗi lo ngại về sự phán xét hoặc phản ứng của người khác chi phối quyết định của mình, tác hại về lâu dài mà bạn phải gánh chịu sẽ càng nghiêm trọng. Đây chính là lý do vì sao ranh giới là nền tảng của chăm sóc bản thân thực thụ.

Vậy làm thế nào để bạn buông bỏ nỗi lo lắng về lời phán xét của những “kẻ phá đám”? Trước hết, khi nói đến ranh giới, hãy đặc biệt cẩn trọng về người mà bạn chọn nghe theo. Dù mong muốn tự nhiên của con người chúng ta là tìm kiếm cảm giác an tâm, nhưng đôi khi những người thân thiết nhất của chúng ta không thể mang lại cho ta cảm giác đó, có thể vì họ đã hình thành những lối mòn tư duy từ thời thơ ấu, hoặc có thể vì chính họ cũng không có khả năng kiểm soát sự lo âu. Thay vì tìm kiếm nguồn hỗ trợ bên ngoài để đưa ra những quyết định khó khăn, điều quan trọng là bạn cần chú ý đến nhu cầu và sở thích của bản thân.

Những mối quan hệ lành mạnh của người trưởng thành phải đáp ứng được nhu cầu và giá trị ưu tiên của từng cá nhân. Trong một mối quan hệ lành mạnh – dù là với bạn đời, các thành viên trong đại gia đình hay đồng nghiệp – đặt ra ranh giới là một cách để bạn đầu tư bản thân vào mối quan hệ, vì khi đó bạn đang chia sẻ cho họ biết những nhu cầu và mong muốn của mình.

Hạ Vĩ

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây