8 chiến lược giúp chuyên gia tâm lý sống hòa thuận với mẹ chồng khó tính
- Thứ ba - 25/02/2025 07:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anushree Bose là một nhà tâm lý học và cũng là một nàng dâu người Ấn Độ. Cô đã kết hôn gần 3 năm. Dưới đây là những chia sẻ của cô về việc làm thế nào để có thể sống chung vui vẻ cùng mẹ chồng.
Bối cảnh gia đình
Tôi đến từ Ấn Độ và ngay từ đầu, tôi đã biết rằng nếu tôi kết hôn với anh ấy, mẹ chồng sẽ sống cùng chúng tôi. Tuy nhiên, điều này không làm tôi lo lắng.
Trong văn hóa của hầu hết các nước châu Á, các thành viên trong gia đình có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ, thường sống cùng nhau trừ khi có nhu cầu phải ra ngoài học tập hoặc làm việc. Ngày nay, xu hướng sống độc lập ngày càng phổ biến nhưng đôi khi việc sống chung không thể tránh khỏi.
Anushree Bose là một nàng dâu và cũng là chuyên gia tâm lý người Ấn Độ
Khi tôi gặp chồng mình, anh và gia đình đang đau buồn trước sự ra đi đột ngột của cha anh. Trước khi mất mát này xảy ra, chồng tôi và cha mẹ anh sống ở 2 bang khác nhau. Sau khi cha mất, chồng tôi đã đón mẹ về sống cùng và chăm sóc bà chu đáo.
Thay vì đi uống bia với đồng nghiệp vào tối thứ Sáu, anh ấy thường đi ngủ sớm để hôm sau đưa mẹ đi dạo. Họ cùng nhau đi bộ trong công viên, đến đền thờ, ăn sáng rồi đi uống cà phê tại một quán địa phương, mua sắm thực phẩm từ chợ nông sản. Họ cũng làm tình nguyện tại trại trẻ mồ côi vào cuối tuần. Buổi tối, họ ăn tối cùng nhau, xem tivi và trò chuyện về ngày hôm đó.
Cách chồng tôi chăm sóc mẹ khi bà cô đơn và đau khổ nói lên rất nhiều về nhân cách của anh. Tôi thấy ở anh hình ảnh một người đàn ông biết quan tâm và có trí tuệ cảm xúc đáng kinh ngạc. Tôi ngưỡng mộ cách hai mẹ con anh phối hợp như một đội. Vì thế, tôi rất muốn trở thành một phần của gia đình này.
Những thách thức ban đầu
Sau đám cưới, tôi chuyển đến căn hộ chúng tôi đã thuê và trang bị nội thất. Chồng tôi và mẹ anh đã sống ở đó 3 tháng trước khi tôi về. Tôi đã lường trước những khó khăn ban đầu nhưng vẫn nghĩ rằng chúng tôi sẽ sống vui vẻ như 3 người trưởng thành. Tôi không biết niềm tin của mình sắp bị thử thách!
Thử thách đầu tiên của tôi là vượt qua cảm giác là "khách trong nhà". Tôi cảm thấy mình như một người được thêm vào, một người đến sau. Tôi không thấy thoải mái khi sống cùng mẹ con anh. Tôi nhận thấy chúng tôi thường làm theo những gì mẹ chồng mong đợi hoặc đã làm.
Ngôi nhà đã có một nếp sống phù hợp với mẹ chồng và chồng tôi nhưng không phù hợp với tôi. Tôi cảm thấy bối rối khi cố gắng hòa nhập. Cách sắp xếp đồ đạc, thực phẩm chúng tôi ăn, cách chế biến, thời gian sinh hoạt như giờ đi ngủ, giờ ăn – tất cả đều không phù hợp với mong muốn của tôi.
Tôi cảm nhận được áp lực vô hình phải thích nghi do những kỳ vọng văn hóa mà chúng tôi đã được nuôi dạy theo. Chính vì thế, tôi không cảm thấy đây là nhà của mình. Tôi lên mạng tìm kiếm lời khuyên từ các nhà tâm lý học và chuyên gia về mối quan hệ nhưng không tìm thấy gì hữu ích.
Các nền tảng trực tuyến tràn ngập các câu chuyện từ phương Tây, nơi việc sống chung với mẹ chồng được coi là không phổ biến, thậm chí không mong muốn. Tất cả các lời khuyên dường như chỉ xoay quanh việc sống tách biệt và hạn chế ảnh hưởng của mẹ chồng ngay khi có dấu hiệu không ổn.
Tôi thấy nhiều bài viết của các nàng dâu than phiền về sự thiếu quan tâm của nhà chồng và chồng không ủng hộ. Nhưng tình huống của tôi hoàn toàn khác. Ở Ấn Độ, người ta thường đánh giá cô dâu qua cách cô ấy hành xử, thậm chí đưa ra nhận định không công bằng về cách cô ấy được nuôi dạy.
Là người trẻ hơn, ít kinh nghiệm hơn và mới bước vào gia đình, thách thức lớn nhất đối với tôi là sự mơ hồ trong việc phân chia công việc và quyền ra quyết định.
Tôi muốn hòa nhập mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân. Tôi muốn sống chung một cách trọn vẹn mà không cảm thấy bị bóp nghẹt, đồng thời tạo không gian cho nhu cầu và sở thích của các thành viên khác trong gia đình – những người thân nhưng chưa quen thuộc với tôi.
Anushree Bose cảm thấy cô là khách trong nhà sau khi kết hôn. Ảnh minh họa: Favourite Families
Những chiến lược giúp bạn hòa hợp với mẹ chồng
Sau gần 3 năm sống chung và cải thiện mối quan hệ với mẹ chồng, tôi đã đúc kết được 8 chiến lược dựa trên kiến thức tâm lý học và kinh nghiệm cá nhân của tôi, ngay cả khi mẹ chồng là người khó tính hoặc hay ghen tị.
1. Hiểu sự bất an của mẹ chồng và tránh gây căng thẳng
Mẹ chồng có thể thể hiện nhiều cảm xúc khác nhau với con dâu tùy từng thời điểm. Một ngày, bà có thể tỏ ra thân thiện và ủng hộ bạn nhưng hôm sau lại phàn nàn về những điều nhỏ nhặt.
Đối với mẹ chồng, sự xuất hiện của bạn báo hiệu một sự thay đổi lớn trong cách điều hành gia đình và ai sẽ nắm quyền kiểm soát các công việc hàng ngày. Dù bà muốn hòa hợp với bạn vì bạn quan trọng với con trai bà nhưng bà cũng lo sợ mình sẽ dần bị gạt ra ngoài và mất đi vai trò.
Cách tốt nhất là chứng minh bạn không phải là mối đe dọa. Hãy thực hiện những cử chỉ rõ ràng để cho mẹ chồng thấy bạn không và sẽ không bao giờ cản trở quan hệ giữa bà và con trai. Ví dụ, tôi luôn khuyến khích chồng tiếp tục thói quen đi chơi sáng thứ Bảy với mẹ.
Sự hỗ trợ của chồng tôi là yếu tố quan trọng giúp tôi thấy an toàn và được yêu thương. Khi chồng và tôi ngày càng thấu hiểu nhau hơn, tôi dần không còn cảm giác như người ngoài cuộc. Việc dành không gian để chồng và mẹ chồng kết nối đã giúp củng cố cuộc hôn nhân của tôi và tôi tin điều này cũng có thể mang lại lợi ích cho bạn.
2. Niềm tin được xây dựng theo thời gian
Niềm tin không phải là thứ có sẵn ngay từ khi bạn bước vào hôn nhân mà cần được xây dựng dần theo thời gian. Hãy để quan hệ của bạn với mẹ chồng phát triển tự nhiên, thay vì mong đợi nó sẽ tự động hình thành ngay từ đầu.
Kết hôn với một người đàn ông không có nghĩa là mẹ anh ấy ngay lập tức yêu thương và có thiện chí với bạn. Đừng mong đợi bà ấy sẽ đối xử với bạn giống như cách mẹ ruột của bạn làm.
Không sao cả nếu mẹ chồng không công nhận những nỗ lực của bạn trong việc bếp núc hay chăm sóc nhà cửa. Bà ấy có thể thích làm mọi việc theo cách riêng, điều này chắc chắn sẽ khác với cách của bạn.
Hạn chế tìm đến mẹ chồng để xin lời khuyên hoặc sự giúp đỡ, nhất là với những vấn đề quan trọng đối với bạn. Người lớn tuổi thường cảm thấy bị thiếu tôn trọng nếu bạn không làm theo lời khuyên của họ sau khi đã hỏi.
Nếu bạn nhận thấy mẹ chồng có dấu hiệu ghen tị khi bạn có tin vui, hãy cố gắng giữ mọi chuyện ở mức vừa phải. Thật không công bằng khi mong đợi bà sẽ chia vui với những thành tựu hay buồn bã với những thất bại của bạn chỉ vì hai người có mối quan hệ mẹ chồng – con dâu.
Hãy xem mẹ chồng như một người mà bạn chia sẻ không gian sống và là trách nhiệm gia đình, thay vì đặt vào mối quan hệ này những kỳ vọng quá sớm và không cần thiết. Hãy kiên nhẫn và để mối quan hệ giữa bạn và mẹ chồng phát triển theo thời gian, thay vì mong đợi nó có sẵn ngay khi bạn kết hôn.
3. Thiết lập và duy trì ranh giới rõ ràng
Trong tâm lý học, ranh giới có thể được hiểu như một vòng tròn bảo vệ mà bạn tự vạch ra xung quanh bản thân mình. Bạn chịu trách nhiệm về những gì bên trong vòng tròn đó, trong khi những gì bên ngoài sẽ do người khác tự xử lý.
Ranh giới này cũng quyết định ai có thể tiếp cận không gian thể chất, tinh thần và cảm xúc của bạn, cũng như mức độ mà họ có thể đi vào đó. Việc hạn chế sự tiếp cận của người khác là điều cần thiết nếu bạn chưa hoàn toàn tin tưởng hoặc yêu quý họ.
Việc chung sống với mẹ chồng không có nghĩa là bạn phải chia sẻ tất cả các khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống của mình với bà.
Hãy xem mẹ chồng như một người bạn cùng nhà mà bạn có trách nhiệm tương tác ở mức độ nhất định và cả hai cần hòa thuận với nhau. Hãy phân chia công việc nhà một cách rõ ràng. Nếu bạn có việc đột xuất như công việc, sức khỏe không tốt hoặc thay đổi kế hoạch, hãy thông báo trước cho bà biết.
Thỉnh thoảng, hãy hỏi xem bà có cần giúp gì không và làm theo những gì bà yêu cầu. Nếu bà muốn hướng dẫn hoặc giúp bạn trong công việc nhà như nấu ăn, hãy lắng nghe. Nếu bạn không thích lời khuyên của bà, hãy đưa ra một lý do tế nhị và nói rằng bạn thích tự làm việc đó hơn.
Dù bạn có cố gắng thế nào, sẽ có những lúc mẹ chồng có tâm trạng không tốt ngay trước khi bạn và chồng đi chơi riêng. Nếu bà tìm cách hoãn kế hoạch của hai bạn, hãy hít một hơi thật sâu, bỏ qua và cứ tiếp tục đi như dự định.
Hãy nhắc nhở bản thân và chồng rằng, hai bạn không có trách nhiệm với cảm xúc của mẹ chồng. Hãy tận hưởng buổi tối bên nhau và thỉnh thoảng mua một món quà nhỏ cho mẹ chồng khi về nhà. Cử chỉ này sẽ giúp bà cảm thấy được quan tâm mà không làm gián đoạn thời gian riêng tư của hai bạn.
Anushree Bose khuyên không nên để cảm xúc của mẹ chồng ảnh hưởng tới quan hệ của 2 vợ chồng. Ảnh minh họa: Medium
4. Đừng để bụng. Hãy công bằng với mẹ chồng
Hãy nhìn mẹ chồng từ góc độ rộng, khách quan hơn. Nếu bà là một nhân vật trong sách hoặc trong phim, bạn sẽ nghĩ gì về bà? Hãy quan sát cách bà cư xử trong nhiều tình huống khác nhau. Hãy hỏi về tuổi thơ, cuộc sống hôn nhân, những giai đoạn khó khăn nhất và những ước mơ chưa thành của bà.
Như Aristotle đã nói: “Tổng thể lớn hơn tổng các phần cộng lại”. Những đứa trẻ lớn lên trong sự chỉ trích thường trở thành những người lớn hay phán xét. Nếu bạn nhận ra mẹ chồng là một người trưởng thành nhưng chưa chín chắn về mặt cảm xúc, luôn gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của mình, bạn sẽ không còn thấy những hành vi của bà là nhỏ nhen nữa.
Nếu bạn phát hiện ra rằng mẹ chồng từng là một đứa trẻ bị bỏ bê và là một người vợ không được quan tâm, luôn phải đấu tranh để giành sự quan tâm từ mẹ và chồng của mình, bạn sẽ hiểu vì sao bà ấy luôn muốn nắm quyền kiểm soát, đặc biệt là khi liên quan đến con trai và gia đình bà.
Việc lớn tuổi hơn và có vị trí cao hơn không có nghĩa là mẹ chồng có sự trưởng thành và khôn ngoan. Nếu bạn cởi mở để tìm hiểu câu chuyện của mẹ chồng, bạn có thể đồng cảm với bà. Điều này sẽ giúp bạn bớt cảm thấy bị tổn thương bởi những lời nói hay hành động của bà.
Ngoài ra, hãy tạo dựng thiện chí trong mối quan hệ để có thể sử dụng khi cần. Bạn có thể làm điều này bằng cách ghi nhận những điều tích cực từ mẹ chồng một cách chân thành và kịp thời.
Nếu bà nấu món gì đặc biệt cho sinh nhật của bạn và bạn thấy ngon, hãy nói lời cảm ơn. Nếu bà làm điều gì đó chu đáo hoặc hài hước, hãy khen ngợi bà. Khi chúng ta thể hiện sự trân trọng với ai đó, họ có xu hướng lặp lại những hành vi đó nhiều hơn. Khi một người cảm thấy được lắng nghe, quan tâm và trân trọng, họ ít có khả năng giữ thái độ thù địch với bạn hơn.
5. Dành không gian cho nhau và giao tiếp rõ ràng
Không ai thích sự soi mói! Hãy học cách tập trung vào việc của mình. Hãy để mẹ chồng làm những gì bà thích và đừng can thiệp trừ khi bà yêu cầu.
Tạo ra những cơ hội để gắn kết và có những khoảnh khắc vui vẻ là điều quan trọng để duy trì mối quan hệ lâu dài. Tuy nhiên, hãy làm điều đó theo cách của bạn. Tránh dành thời gian với mẹ chồng khi bạn đang mệt mỏi, căng thẳng, bận rộn hoặc cảm xúc không ổn, trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp.
Chỉ cần giữ thái độ thân thiện và dễ gần là đủ để duy trì một mối quan hệ gia đình lành mạnh.
Ví dụ, tôi thường uống trà sáng và ăn tối cùng mẹ chồng. Dù chồng tôi cũng có mặt nhưng trong những khoảng thời gian này, tôi tập trung hoàn toàn vào mẹ chồng, lắng nghe những câu chuyện của bà và đáp lại khi cần. Tôi chỉ nói về bản thân nếu được hỏi.
Sau bữa sáng, tôi đi làm và sau bữa tối, tôi lui vào phòng riêng. Thời gian tôi dành cho mẹ chồng diễn ra đều đặn, ngắn gọn, hiệu quả và đủ để duy trì quan hệ tốt đẹp. Cuối tuần thì linh hoạt hơn. Theo thời gian, khi mối quan hệ trở nên thân thiết hơn, chúng tôi dành nhiều thời gian bên nhau hơn.
6. Xác định và ghi nhớ mục tiêu
Chiến lược này dành cho những thời điểm khó khăn.
Trong công việc, có những lúc bạn phải hợp tác với những người mà bạn không hoàn toàn tin tưởng hoặc thấy thoải mái. Trong trường hợp như vậy, mối quan hệ không phải là điều quan trọng nhất, công việc mới là trọng tâm. Mối quan hệ chỉ là phương tiện để đạt được mục tiêu.
Quan hệ với mẹ chồng cũng vậy. Hãy giữ cho mối quan hệ với mẹ chồng ở mức thân thiện: Gật đầu, mỉm cười, lịch sự và tối giản, đặc biệt là khi tình hình căng thẳng hoặc có thể xảy ra mâu thuẫn.
Hãy tập trung vào việc giữ không khí hòa thuận trong gia đình, hỗ trợ lẫn nhau và làm những gì cần thiết. Mục tiêu quan trọng nhất là có thể quây quần trong những dịp quan trọng như lễ hội, sự kiện gia đình và những khoảnh khắc đặc biệt.
7. Hãy sống cuộc đời tích cực
Hãy sống cuộc đời tốt nhất mà bạn có thể. Càng yêu quý cuộc sống của mình, bạn sẽ càng ít cảm thấy khó chịu với những người có quan điểm trái ngược với bạn.
Tập thể dục mỗi ngày, ăn uống lành mạnh và không ngừng học hỏi. Trở thành một chuyên gia giỏi hơn trong lĩnh vực của bạn. Trở thành một con người tốt hơn. Hãy có sở thích riêng và dành thời gian cho bạn bè. Đi du lịch cùng chồng và làm những điều thú vị cùng nhau.
Thay vì lấp đầy tâm trí bằng những lời phàn nàn về mẹ chồng, hãy để nó tràn ngập những điều bạn yêu thích. Càng tập trung vào những điều tích cực và có lợi cho bản thân, bạn sẽ càng có ít năng lượng để dành cho những điều khiến bạn kiệt sức.
8. Sửa chữa những rạn nứt
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, bất đồng và hiểu lầm là không thể tránh khỏi. Nếu mẹ chồng không hài lòng với lựa chọn của bạn, thay vì nghĩ rằng “đó không phải việc của bà”, thì hãy xem đây là cơ hội để tìm hiểu giá trị của bà và giúp bà hiểu về giá trị của bạn.
Ví dụ, tôi thích trang trí và làm đẹp cho ngôi nhà. Đôi khi, tôi mua đồ không phải vì cần thiết mà vì chúng đẹp và giúp tạo ra một không gian như mong muốn.
Nhưng mẹ chồng tôi cảm thấy không thoải mái với điều này và cảnh báo tôi không nên lãng phí. Thay vì phản bác, tôi đã tận dụng cơ hội này để hiểu rằng bà muốn tôi có khoản tiết kiệm đề phòng những tình huống khẩn cấp và không tiêu xài phung phí.
Để thay đổi góc nhìn của mẹ chồng, tôi bắt đầu chia sẻ rằng tôi thường mua đồ khi có giảm giá và luôn dành một khoản tiết kiệm từ lương hàng tháng. Tôi cũng giải thích việc có một ngôi nhà ấm cúng, đẹp mắt là điều rất quan trọng đối với vợ chồng tôi. Đây chính là một trong những lý do chúng tôi làm việc chăm chỉ mỗi ngày.
Việc cởi mở đón nhận quan điểm của nhau và cố gắng giải thích giúp chúng tôi củng cố mối quan hệ mà không cần phải thay đổi lập trường của mình.
Những chiến lược này đã giúp tôi giữ được sự khách quan và sẵn sàng xây dựng một mối quan hệ chân thành với mẹ chồng. Chúng tôi vẫn có những ngày khó khăn nhưng chúng giảm bớt đi rất nhiều.
Không có gia đình nào giống gia đình nào. Nếu những chiến lược trên không phù hợp với bạn và mối quan hệ trở nên căng thẳng, tôi mong bạn vẫn giữ được sự tử tế và phẩm giá trong cách cư xử. Đừng bao giờ xúc phạm mẹ chồng và cũng đừng để bà xúc phạm bạn.
Nếu tình hình trở nên quá mức chịu đựng, hãy tìm đến một chuyên gia tư vấn tâm lý hoặc một nhà trị liệu gia đình.
Đăng Dương