Trên tuyến đầu của khủng hoảng khí hậu
- Thứ hai - 18/11/2024 07:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ảnh minh họa: Những người di cư đứng trên tàu đánh cá tại cảng Paleochora trong chiến dịch giải cứu ngoài khơi đảo Crete, Hy Lạp, ngày 22/11/2022. (Ảnh: REUTERS)
Những năm gần đây, Mauritania là một trong những quốc gia hứng chịu những “cú sốc khí hậu” dữ dội, từ nắng nóng khắc nghiệt, hạn hán đến lũ lụt. Trong chuyến thăm trại tị nạn ở vùng Hodh Chargui miền đông nam Mauritania, Đại sứ thiện chí của UNHCR Theo James đã gặp những người tị nạn trốn chạy xung đột ở Mali. Tận mắt chứng kiến tình cảnh nơi đây, ông James quan ngại rằng, người tị nạn khó có thể tiếp tục cuộc sống khi vẫn thiếu thốn lương thực, nước uống và nơi trú ẩn.
Cũng để tránh xung đột, hàng trăm nghìn người Sudan phải vượt biên sang nước láng giềng Nam Sudan. Theo bà Grace Dorong, nhà hoạt động vì khí hậu người Nam Sudan, dòng người tị nạn này lại rơi vào tình cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa” khi phải chịu hoàn cảnh khắc nghiệt do hạn hán và lũ lụt. Bà Dorong nhận định, cuộc khủng hoảng khí hậu đang tác động tiêu cực đến nỗ lực xây dựng lại cuộc sống của người tị nạn ở khu vực.
Những chia sẻ nêu trên được đưa ra tại buổi công bố báo cáo của UNHCR bên lề Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Đây là báo cáo đầu tiên của UNHCR nêu bật mối liên hệ giữa cuộc khủng hoảng khí hậu, xung đột và tình trạng di dời cưỡng bức.
Báo cáo nhận định, biến đổi khí hậu là một trong các nguyên nhân khiến số người phải rời nhà gia tăng trên toàn cầu, đồng thời đẩy những người vốn trong tình thế khó khăn vào cảnh ngặt nghèo hơn. Theo báo cáo, tính đến tháng 6/2024, trong số hơn 120 triệu người phải di dời do xung đột và bạo lực trên thế giới, ba phần tư sống ở các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, như Ethiopia, Somalia, Syria, Haiti...
Thông điệp của UNHCR gửi đến COP29, cũng là tên gọi của báo cáo “Không lối thoát: Trên tuyến đầu của biến đổi khí hậu, xung đột và di dời cưỡng bức”, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. UNHCR kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ, đồng thời lắng nghe quan điểm của người tị nạn và những quốc gia tiếp nhận khi đưa ra chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu. Được ra mắt bên lề COP29, mạng lưới Người tị nạn vì hành động khí hậu là sáng kiến nhằm nâng cao tiếng nói của người tị nạn trong hoạt động của UNHCR, cũng như các chương trình nghị sự quốc tế về khí hậu.
Sáng kiến này quy tụ những người tị nạn có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, như năng lượng mặt trời, nông nghiệp bền vững, bảo tồn thiên nhiên, phòng ngừa và ứng phó thiên tai... Là thành viên tham gia sáng kiến, ông Opira Bosco Okot cho biết, mạng lưới này thúc đẩy những ý kiến của người tị nạn, vốn bị bỏ qua trong các cuộc đàm phán về khí hậu, giúp người tị nạn lên tiếng và góp phần vào nỗ lực chung nhằm bảo vệ hành tinh.
Thông qua báo cáo, UNHCR cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách bảo đảm nguồn tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hướng đến những người tị nạn và các quốc gia tiếp nhận chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Theo ông Filippo Grandi, người đứng đầu UNHCR, sự bất bình đẳng trong phân bổ tài chính khí hậu cần được khắc phục, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho những người cần nhất.
Báo cáo của UNHCR dự đoán, đến năm 2040, số lượng các quốc gia phải đối mặt những hiện tượng khí hậu cực đoan sẽ tăng mạnh, trong đó phần lớn là những nơi tiếp nhận người tị nạn. Ông Grandi nhận định, dù các giải pháp có trong tầm tay, nhưng thiếu nguồn lực, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và những hành động khẩn cấp, thì những đối tượng dễ bị tổn thương sẽ vẫn mắc kẹt trên “tuyến đầu” của cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
MỘC MIÊN