Nguyên thủ Trung Quốc và Mỹ thảo luận bên lề APEC tại Peru
- Chủ nhật - 17/11/2024 12:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC, Lima, ngày 16/11/2024. Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, ông Biden đã cùng ông Tập gặp mặt trong khoảng 2 giờ tại một khách sạn nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lưu trú, đánh dấu cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai nhà lãnh đạo sau 7 tháng.
Trong khuôn khổ cuộc gặp mặt bên lề APEC diễn ra tại Lima, Peru này, ông Tập Cận Bình tuyên bố: "Mục tiêu của Trung Quốc về một mối quan hệ ổn định, lành mạnh và bền vững giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn không thay đổi" dù hai nước đã trải qua “những thăng trầm” nhất định. Ông cũng khẳng định: "Trung Quốc sẵn sàng làm việc với chính quyền mới của My để duy trì liên lạc, mở rộng hợp tác và quản lý những khác biệt".
Về phía Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, ông nói với ông Tập rằng hai nhà lãnh đạo không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, nhưng các cuộc thảo luận giữa họ luôn rất "thẳng thắn". Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó cho biết ông Biden còn nói với ông Tập rằng việc duy trì các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo sẽ rất quan trọng ngay cả sau khi ông rời nhiệm sở.
Về các vấn đề được đưa vào thảo luận, tuyên bố từ Nhà Trắng cho biết ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình đã nhất trí rằng con người chứ không phải AI sẽ đưa ra quyết định về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về vấn đề Triều Tiên và các cáo buộc nước này triển khai quân đội trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, từ đó gây ra lo ngại đối với các quốc gia phương Tây.
Reuters dẫn lời ông Sullivan cho biết: "Tổng thống Biden chỉ ra rằng Trung Quốc đã công khai tuyên bố lập trường liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine là không nên leo thang và không mở rộng xung đột". "Ông Biden cũng chỉ ra rằng Trung Quốc có ảnh hưởng và năng lực, do đó nên sử dụng những yếu tố này để cố gắng ngăn chặn sự leo thang hoặc mở rộng hơn nữa của cuộc xung đột,” ông Sullivan nói.
Các vấn đề lớn khác được nêu ra tại cuộc họp bao gồm vụ tấn công mạng gần đây được cáo buộc là có liên quan đến Trung Quốc đối với các cuộc liên lạc qua điện thoại của chính phủ Mỹ và các quan chức chiến dịch tranh cử tổng thống. Trong cuộc họp, ông Tập Cận Bình khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào ủng hộ về sự tham gia của Trung Quốc vào các cuộc tấn công mạng.
"Khi hai nước đối xử với nhau như đối tác và bạn bè, tìm kiếm tiếng nói chung trong khi gác lại những khác biệt và giúp nhau thành công, mối quan hệ của chúng ta sẽ đạt được tiến triển đáng kể," ông Tập Cận Bình nói với ông Biden thông qua một phiên dịch viên. Ông bổ sung: "Nhưng nếu chúng ta coi nhau là đối thủ hoặc kẻ thù, theo đuổi sự cạnh tranh tàn khốc và tìm cách làm tổn thương lẫn nhau, chúng ta sẽ làm xáo trộn hoặc thậm chí làm đình trệ mối quan hệ song phương".
Trung Quốc và Mỹ cũng ghi nhận các căng thẳng liên quan tới tranh chấp thương mại, trong đó Washington hạn chế đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và chất bán dẫn của Trung Quốc, cũng như hạn chế xuất khẩu chip máy tính cao cấp. Trong cuộc gặp mặt, ông Biden đã mô tả những bước đi này là cần thiết vì lý do an ninh quốc gia của Mỹ và khẳng định chúng không cản trở hầu hết hoạt động thương mại.
Ngân Hà