Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Kinh tế toàn cầu sau bầu cử Mỹ - Bài 1: Hiệu ứng đảo ngược

Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ có thể tạo ra tác động đáng kể tới cấu trúc kinh tế toàn cầu trong những năm tới. Ảnh: Energy Transition

Dự báo về những tác động đối với kinh tế thế giới sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhật báo Le Figaro cho rằng mối đe dọa đầu tiên đến từ hàng rào thuế quan, tiếp theo là chủ nghĩa bảo hộ, nguy cơ lạm phát và những cuộc chiến tranh thương mại mới khiến nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng và có thể làm gia tăng bất ổn toàn cầu.

"Thuế hải quan" là cụm từ đẹp nhất trong từ điển, theo cách nhìn nhận của ông Donald Trump. Đối với ông, việc hạn chế hàng nhập khẩu sẽ góp phần "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại". Tác động tích cực từ một cuộc chiến thương mại là khuyến khích sản xuất trong nước, tăng thu ngân sách và củng cố sức mạnh của Mỹ. Ứng cử viên đảng Cộng hòa đã nhiều lần nhắc lại trong chiến dịch tranh cử rằng ông dự định áp dụng thuế hải quan phổ quát tối thiểu 10%, thậm chí 20%, bất kể xuất xứ từ quốc gia nào. Biện pháp thuế quan được dự báo sẽ nghiêm khắc hơn đối với Trung Quốc, quốc gia mà ông định "trừng phạt" bằng mức thuế khoảng 60%.

Định hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ của ông Donald Trump - bằng cách tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc và sau đó là châu Âu - đã gây ra một cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Không chỉ riêng ông Donald Trump, người kế nhiệm của ông là Tổng thống Joe Biden đã duy trì hầu hết các mức thuế này. Nhưng trở lại Nhà Trắng lần này, ông Donald Trump được cho là sẽ mạnh tay hơn.

Ông sẽ có đủ phương tiện để thực hiện điều này. Quốc hội, có khả năng sẽ ủng hộ ông, trao cho Tổng thống những quyền hạn đáng kể, với các điều khoản chống lại các thông lệ thương mại "không công bằng" hoặc rủi ro đối với "an ninh quốc gia".

Tuy sự đe dọa này có thể chủ yếu là nhằm đạt được những nhượng bộ lớn từ các đối tác của Mỹ, nhưng mối lo ngại vẫn luôn tiềm ẩn. Một cuộc chiến thương mại mới quy mô lớn sẽ gây rối loạn thương mại toàn cầu và ảnh hưởng đến nhiều nền kinh tế. Xuất khẩu của Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều quốc gia cũng sẽ chịu "tác dụng phụ" từ các loại thuế được áp đặt lên các đối tác chính của Washington.

Đối với châu Âu, đây sẽ là một đòn kép. Trung Quốc, đối mặt với sự sụt giảm xuất khẩu sang Mỹ, sẽ chuyển hướng năng lực dư thừa sang các thị trường khác, bắt đầu với EU. Cuộc chiến mà ông Donald Trump hứa hẹn có thể khiến thâm hụt thương mại hàng hóa và dịch vụ của EU với Trung Quốc tăng từ 14,1 tỷ USD lên 75,4 tỷ USD vào năm 2030, theo ước tính của Trung tâm nghiên cứu về kinh tế thế giới (CEPII).

Tình hình của các nước láng giềng Canada và Mexico, nơi xuất khẩu phần lớn sang Mỹ, sẽ phức tạp hơn. Tuy hai nước này có thể không tránh khỏi việc bị áp thuế phổ quát, đặc biệt khi ông Donald Trump có ý định xem xét lại thỏa thuận ba bên mà chính ông đã hoàn tất, Mexico và Canada có thể được hưởng lợi từ "sự xuống cấp" trong quan hệ thương mại của Mỹ và trở thành đối tác được ưu đãi hơn nữa.

Tuy nhiên, quyết định tăng thuế của Mỹ cũng có thể khiến nước này sẽ không tránh khỏi hiệu ứng boomerang (hiệu ứng đảo ngược). Thuế hải quan cao sẽ làm gia tăng lạm phát, một vấn đề mà người Mỹ đang chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden, và không tạo ra nhiều việc làm trong nước. Theo nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), việc tăng thuế đối với thép và nhôm trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump đã tạo ra 1.000 việc làm trong sản xuất thép, nhưng việc tăng chi phí đầu vào có thể đã làm cắt giảm 75.000 việc làm trong các ngành sản xuất phụ thuộc vào thép và nhôm, theo báo cáo của ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ J. Safra Sarasin.

"Căng thẳng thương mại dự kiến với Trung Quốc có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra lạm phát nhập khẩu ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp", chuyên gia John Plassard của ngân hàng Mirabaud (Thụy Sĩ) cảnh báo. Ngoài ra, các biện pháp trả đũa có thể đến từ Trung Quốc hoặc châu Âu. Thuế hải quan phổ quát 10%, nếu kết hợp với các biện pháp trả đũa, sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 0,9% vào năm 2026, theo tính toán của các nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE).

Với châu Âu, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử đã biến nỗi lo thành hiện thực, đặc biệt khi chiến thắng này kéo theo nhiều nguy cơ bất ổn trong lĩnh vực kinh tế. Cựu Ủy viên châu Âu Thierry Breton từng nhấn mạnh rằng, khi Mỹ là "đối tác thương mại rất lớn" của châu Âu, việc cân nhắc kỹ lưỡng về hướng đi của quan hệ thương mại giữa hai bên trở nên đặc biệt quan trọng nếu ông Trump tái đắc cử.

Những lo ngại này không phải không có cơ sở. "Chiến thắng của Trump không phải là tin tốt lành cho châu Âu. Điều này đồng nghĩa với sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, với sự tăng vọt đáng kể của thuế hải quan", Giáo sư danh dự về kinh tế Christian de Boissieu tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne phân tích.

Còn chuyên gia kinh tế trưởng của công ty kiểm toán và tư vấn BDO Anne-Sophie Alsif cảnh báo, điều này có thể "gây bất lợi cho phần lớn các sản phẩm công nghiệp của châu Âu".

Tiếp theo: Kinh tế toàn cầu sau bầu cử Mỹ - Bài cuối: “Bóng ma” lạm phát quay về?

Thu Hà (P/v TTXVN tại Paris)

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây