Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Hàng loạt chiến đấu cơ Nga vắng bóng tại căn cứ không quân

Nga di dời nhiều chiến đấu cơ ra khỏi căn cứ Engels-2

Các hình ảnh mới nhất cho thấy có sự sụt giảm đáng kể về số lượng máy bay ném bom hạng nặng, chỉ còn lại 5 máy bay chiến lược tại căn cứ này, gồm 2 chiếc Tu-160 Blackjack và 3 chiếc Tu-95MS Bear. Đây là đợt sụt giảm bất thường so với các giai đoạn trước của cuộc chiến ở Ukraine.

Hàng loạt chiến đấu cơ Nga vắng bóng tại căn cứ không quân Engels-2. Ảnh: Bulgarian Military

Căn cứ không quân Engels-2 cũng chỉ có một số lượng ít ỏi máy bay chiến thuật, bao gồm 2 tiêm kích Su-35 Flankers, 4 chiếc Su-34 Fullback và 4 máy bay chiến đấu tấn công Su-35. Các máy bay hỗ trợ bao gồm một máy bay trinh sát Su-24MR và một máy bay chở hàng An-12.

Việc cắt giảm số lượng lớn máy bay ném bom tại căn cứ Engels-2 đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của Nga, cho thấy căn cứ Engels-2 đang được thu hẹp quy mô, có khả năng tập trung vào việc huấn luyện và duy trì hoạt động nhỏ hơn. Giới quan sát cho rằng, Nga đã chuyển hầu hết các máy bay ném bom đến Căn cứ không quân Olenya, một cơ sở xa xôi ở vùng Murmansk của Bắc Cực.

Dù Nga cắt giảm số lượng máy bay tại căn cứ Engels-2 nhưng hình ảnh vệ tinh đã cung cấp bằng chứng về hoạt động tác chiến của nước này. Nga được cho là đã trang bị cho một máy bay ném bom Tu-95 và 3 máy bay ném bom Tu-95MS tên lửa hành trình Kh-101. Ngoài ra, một số hình ảnh cũng ghi lại cảnh binh sỹ Nga nạp tên lửa vào chiến đấu cơ Tu-160 Blackjack, xung quanh có rất nhiều container vận chuyển có khả năng chứa vũ khí hoặc thiết bị hỗ trợ.

Việc di dời các máy bay ném bom chiến lược ra khỏi căn cứ Engels-2 có thể báo hiệu Moscow đang chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của chiến dịch quân sự đặc biệt. Ngoài ra, điều này cũng cho thấy Nga đang lên kế hoạch đối phó năng lực ngày càng gia tăng của Ukraine, đặc biệt là sau khi Mỹ cho phép Kiev tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa của nước này. Căn cứ Engels-2 được coi là mục tiêu có giá trị cao đối với Kiev.

Mối đe dọa từ Storm Shadow

Theo giới phân tích, việc Mỹ cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa tầm xa sẽ định hình lại chiến lược của Moscow. Bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm nhắm mục tiêu vào Engels-2 bằng tên lửa Storm Shadow đều có thể mang lại rủi ro cho Nga. Engels-2 được coi là bàn đạp để Nga tiến hành các chiến dịch không kích Ukraine. Với vai trò quan trọng như vậy, mọi hoạt động phòng thủ, tấn công và triển khai máy bay của Nga đều rơi vào tầm ngắm của Kiev và phương Tây.

Để tấn công hiệu quả căn cứ không quân Engels-2- một trong những căn cứ không quân chiến lược nhất của Nga bằng tên lửa Storm Shadow, Ukraine sẽ phải lên kế hoạch tỉ mỉ và dùng các chiến thuật tinh vi nhằm tận dụng tầm bắn của tên lửa trong khi tìm cách né tránh hệ thống phòng không của Nga. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa tính cơ động và chiến thuật đánh lừa.

Bước đầu tiên liên quan đến việc triển khai phương tiện phóng, có thể là máy bay ném bom chiến đấu Su-24 đã được cải tiến, trong phạm vi vươn tới mục tiêu. Những máy bay này cần phải hoạt động từ các căn cứ không quân tại miền đông Ukraine, thể là gần Kharkov hoặc một số khu vực khác dọc chiến tuyến. Để xác suất bắn trúng mục tiêu cao, Ukraine cần sử dụng các biện pháp tác chiến điện tử gây nhiễu những cơ sở radar của Nga, làm giảm khả năng phát hiện tên lửa bay tới.

Một cuộc tấn công phối hợp như vậy sẽ phụ thuộc vào thông tin tình báo chất lượng cao. Hình ảnh vệ tinh, có thể do các đồng minh phương Tây cung cấp, có thể giúp Kiev xác định chính xác vị trí các máy bay ném bom và cơ sở hạ tầng quan trọng ở căn cứ Engels-2. Bên cạnh đó, Ukraine cần tiếp nhận thông tin từ máy bay không người lái giám sát để xác định các lỗ hổng trong phạm vi phủ sóng phòng không của Nga. Thời điểm cũng rất quan trọng. Hiệu quả cuộc tấn công sẽ được tối ưu hóa nếu diễn ra trong điều kiện thời tiết thuận lợi, tầm nhìn tốt.

Sau khi tên lửa Storm Shadow được phóng đi, chúng sẽ bay theo quỹ đạo thấp, tránh hệ thống phòng không của Nga trước khi tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Để tăng khả năng thành công, cuộc tấn công có thể được đồng bộ hóa với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc thậm chí là hỏa lực pháo binh từ các hệ thống tầm xa như HIMARS nhắm vào các cơ sở gần đó để gây thêm sự nhầm lẫn cho lực lượng phòng thủ.

Sau khi bắn, máy bay phóng sẽ phải nhanh chóng bay ra ngoài khu vực nguy hiểm, duy trì chuyến bay ở độ cao thấp cho đến khi chúng trở về không phận an toàn. Điều này sẽ giảm thiểu nguy cơ bị máy bay chiến đấu hoặc hệ thống tên lửa đất đối không của đối phương đánh chặn.

Khả năng thực hiện hoạt động như vậy của Ukraine sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc duy trì tính bí mật, tận dụng công nghệ tiên tiến của phương Tây và sự tính toán phù hợp về thời gian. Nếu thành công, một cuộc tấn công vào Engels-2 có thể giáng đòn mạnh vào sức mạnh không quân chiến lược của Nga, phá vỡ chiến dịch ném bom tầm xa và làm suy yếu khả năng quân sự của Nga trong khu vực.

Mục đích của Moscow

Đối với Nga, chiến thuật phân tán các tài sản chiến lược sẽ giúp lực lượng nước này hoạt động linh hoạt hơn, giảm nguy cơ tổn thất lớn và gây khó khăn cho đối phương. Động thái này sẽ giúp Moscow duy trì khả năng ném bom tầm xa trong một cuộc xung đột kéo dài.

Việc tập trung nhiều máy bay ném bom chiến lược tại một căn cứ không quân như Engels-2 sẽ khiến căn cứ này trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của đối phương. Bằng cách chuyển máy bay đến Olenya, nằm trên Bán đảo Kola, Nga đã giảm thiểu được nguy cơ này. Olenya ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc không kích của Ukraine, trong khi gần những khu vực chiến lược như Bắc Cực hoặc Bắc Đại Tây Dương. Nhờ vậy, Nga có thể tăng cường tính linh hoạt về mặt hậu cần và khả năng sẵn sàng cho các hoạt động ở các chiến trường khác nhau.

Vị trí chiến lược này cho phép Nga hỗ trợ các nhiệm vụ ở Bắc Cực và thể hiện sức mạnh ở những khu vực nằm ngoài chiến trường Ukraine. Ngoài ra, việc luân chuyển sẽ giúp bảo dưỡng và nâng cấp máy bay hiệu quả hơn mà không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của chúng.

Động thái trên còn có mục đích là đánh lạc hướng đối phương. Việc thường xuyên luân chuyển máy bay giữa các căn cứ làm gián đoạn các nỗ lực thu thập thông tin tình báo của đối phương, khiến Ukraine khó dự đoán các động thái tiếp theo của Nga, làm phức tạp khả năng lập kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công phối hợp của Kiev tại nhiều địa điểm. Chiến thuật này cũng buộc Kiev phải phân tán các nguồn lực trinh sát và phương tiện tấn công trên nhiều khu vực, làm giảm khả năng tung cú đòn quyết định.

Bằng cách phân bổ tài sản đến các căn cứ như Olenya, Nga dường như muốn đảm bảo khả năng sống sót của các phương tiện tấn công tầm xa. Sự thay đổi này cho thấy Moscow nhận thức được mối đe dọa ngày càng gia tăng do vũ khí tầm xa của Ukraine gây ra, đồng thời chứng tỏ khả năng thích ứng của Điện Kremlin trong một cuộc chiến có nhiều diễn biến khó lường.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Bulgaria Military

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây