Cơn sóng ngầm không được báo chí phương Tây để ý ở Qatar
- Thứ hai - 28/11/2022 19:20
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cờ Palestine xuất hiện giữa rừng cờ Qatar trong trận giữa Qatar và Senegal. Ảnh: AP.
Khi hàng trăm nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đổ về Qatar trong tuần này để xem World Cup, nước chủ nhà đã góp phần tạo nên lịch sử khi mở các đường bay thẳng từ Tel Aviv, Israel đến Doha. Song, những cổ động viên Israel cũng phần nào đề phòng, khi quan hệ Israel với Qatar hay các quốc gia Arab vẫn còn căng thẳng.
Những câu chuyện bên lề World Cup 2022 ở Qatar như việc cấm rượu bia, thể hiện tình cảm nơi công cộng đã xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, một điều ít được chú ý ở phương Tây nhưng cũng không kém phần quan trọng là việc Qatar mở cửa cho người hâm mộ và truyền thông Israel đến dự kỳ World Cup, điều thể hiện sự nhượng bộ của chủ nhà nhưng cũng tiềm ẩn những lo ngại, Guardian nhận định.
Quan hệ Israel - Arab còn nóng
Qatar không có quan hệ chính thức với Israel, nhưng đã cấp phép đặc biệt cho các chuyến bay thẳng từ Tel Aviv, và cho phép các nhà ngoại giao Israel lưu trú tại một công ty du lịch ở Qatar để hỗ trợ lãnh sự cho công dân của họ.
Tuy nhiên, nắm bắt được dư luận trong nước, Qatar khẳng định rằng các biện pháp này là tạm thời và không phải là bước tiến tới một thỏa thuận bình thường hóa, như một số quốc gia Arab khác đã ký với Israel trong những năm gần đây.
Phóng viên đài Israel được cổ động viên Iran đeo kính và đội mũ khi đám đông ăn mừng chiến thắng trước xứ Wales. Ảnh: Twitter.
Mặc dù cả Israel và Palestine đều không tham gia giải đấu, nhưng hình ảnh Palestine đã được thể hiện nổi bật tại kỳ World Cup đầu tiên tổ chức ở Trung Đông.
Trước trận khai mạc vào 20/11, một nhóm gồm những người Qatar đã diễu hành vào sân vận động Al Bayt và hô vang: “Mọi người đều được chào đón”, mang theo lá cờ của Palestine.
“Chúng tôi đang quan tâm đến người dân ở Palestine, và tất cả người dân Hồi giáo cũng như các quốc gia Arab đang giương cao lá cờ Palestine vì chúng tôi ủng hộ họ”, một người nói với Guardian.
Người hâm mộ từ Tunisia, Saudi Arabia và Algeria cũng khiến cờ Palestine nổi bật tại các trận đấu và đeo chúng như áo choàng quanh cổ. Hôm 24/11, Randa Ahmer, một phụ nữ người Palestine, đứng ở khu chợ Souq Waqif nhộn nhịp của thủ đô Doha, cầm cờ Palestine trước đám đông từ khắp các nước.
“Đó là đất nước của chúng tôi, chúng tôi sẽ mang cờ của mình đi khắp mọi nơi”, cô nói, khi những người qua đường hô vang thông điệp ủng hộ.
FIFA đã tuyên bố thỏa thuận với Qatar rằng sẽ cho phép người Israel bay đến Doha, đồng thời cho phép người Palestine đến Qatar từ Tel Aviv. Song, không rõ có bao nhiêu người Palestine có thể vượt qua sự kiểm soát chặt chẽ của Israel. Một số người đến Qatar bằng cách đi từ Jordan hoặc Ai Cập.
Hào hứng và lo ngại
Tính đến đầu giải đấu, gần 4.000 người hâm mộ Israel và 8.000 người Palestine đã nhận được thị thực nhập cảnh vào Qatar, mặc dù ngoại trưởng Israel cho biết có thể có tới 20.000 người Israel sẽ đến.
Một nhà bếp đã được đặt gần sân bay Doha để cung cấp cho người hâm mộ Israel nơi tụ tập và thức ăn phù hợp với yêu cầu tôn giáo.
"Thức ăn, quang cảnh, văn hóa, con người - mọi thứ nghe thật đặc biệt và có lẽ khác với những gì chúng tôi biết", Roy Sagir, cổ động viên Israel, nói với Middle East Eye.
Chuẩn bị đến Doha vào cuối tuần qua, Duby Nevo, công dân Israel, cho biết anh đang xem các báo cáo về hoạt động của người Palestine tại giải đấu và có một số lo ngại.
“Tôi hy vọng rằng người dân Qatar sẽ chào đón và mọi thứ sẽ ổn”, anh nói. “Tôi thực sự hy vọng được gặp mọi người từ khắp nơi trên thế giới và đặc biệt là từ các nước Arab - nếu họ muốn kết bạn. Tôi chỉ muốn tận hưởng bóng đá và không muốn có xung đột gì cả”.
Người Israel kiểm tra an ninh tại sân bay Tel Aviv, trước khi bay sang Doha hôm 20/10. Ảnh: Times of Israel.
Thay vì các trận đấu được trải dài ở nhiều thành phố trong các kỳ World Cup trước đây, 1,2 triệu người hâm mộ các nơi đều tụ họp về thủ đô Doha.
Với Israel, các nhà ngoại giao đã đăng tải video khuyến cáo công dân nên giữ kín danh tính, do các vấn đề nhạy cảm giữa Israel với các quốc gia mâu thuẫn.
"Đừng phô ra sự hiện diện hay bản sắc Israel vì an toàn của chính bạn", nhà ngoại giao Lior Haiat của Israel nói.
Một số cổ động viên Israel cho biết họ thấy không khí thân thiện ở Qatar, nhưng cũng cần đề phòng.
"Chúng tôi không ngại đến Qatar với tư cách là người Israel, họ rất tốt bụng và chúng tôi không cảm thấy có mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia", cổ động viên Omer Laufer nói. "Đôi khi, chúng tôi nói rằng mình đến từ Cyprus - nhưng chỉ khi nói với người từ các quốc gia Arab".
Hỗn loạn tại khu vực cho cổ động viên ở Qatar Đám đông vượt gấp đôi sức chứa 40.000 người đã kéo đến công viên Al Bidda ở Doha hôm 20/11, khiến cảnh sát phải ngăn bớt những cổ động viên quá khích.
Trần Hoàng