Trào lưu kiếm tiền từ hình thức tiếp thị liên kết
- Chủ nhật - 10/11/2024 10:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Biến thể” mới liên tục xuất hiện
Hình thức tiếp thị liên kết xuất hiện tại Việt Nam khoảng 10 năm trước, bắt đầu từ các ngành hàng tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… rồi lan rộng sang ngành tài chính, dịch vụ, du lịch, viễn thông…
Tiếp thị liên kết là một hình thức kinh doanh online, trong đó nhà cung cấp trả phí cho các nhà tiếp thị để tạo ra lưu lượng truy cập tới trang web, hoặc liên kết đến các trang bán sản phẩm, dịch vụ của công ty, nhãn hàng. Các nhà tiếp thị liên kết sẽ nhận được hoa hồng từ nhà cung cấp dựa trên tỷ lệ chuyển đổi như lượt truy cập, số lượng khách hàng để lại thông tin, doanh thu từ số lượng sản phẩm bán ra qua link liên kết.
Gần đây, tại Việt Nam, cùng với sự đổ bộ của các sàn thương mại xuyên biên giới như Temu, Shein, Taobao, 1688…, đã xuất hiện phong trào kiếm tiền từ tiếp thị liên kết. Temu chính là người đã “châm ngòi” cho cuộc chiến giành thị phần qua phương thức này.
Ngày 22/10, Temu mở đăng ký chương trình tiếp thị liên kết cho người dùng Việt Nam. Theo đó, với mỗi lượt cài ứng dụng, tạo tài khoản theo đường dẫn được cấp, người làm tiếp thị liên kết sẽ nhận 150.000 đồng tiền thưởng. Người mới tham gia được voucher mua hàng 1,5 triệu đồng…
Ngoài ra, Temu còn tạo mô hình chia hoa hồng đa cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình tiếp thị liên kết theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được chia một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm được thêm đối tác, người bậc trên sẽ được hưởng tiếp 20% hoa hồng. Tỷ lệ tiền thưởng trên mỗi món hàng bán thành công cũng rất cao, khoảng 10 - 30%.
Sau khi Temu công bố mô hình tiếp thị liên kết đa cấp, thì ngay lập tức, Shopee đáp trả bằng một biến thể khác. Cụ thể, Shopee hợp tác với YouTube giới thiệu tính năng YouTube Shopping Affiliate tại thị trường Việt Nam. Với sự hợp tác của Shopee, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube có thể kiếm tiền hoa hồng bằng cách giới thiệu sản phẩm trực tiếp trong video của mình.
Góc khuất
Mục đích của các chương trình tiếp thị liên kết là tạo ra một lượng người dùng lớn, thúc đẩy gia tăng đơn hàng, doanh thu cho các sàn thương mại điện tử. Cũng từ đó, xuất hiện một lớp nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết (affiliate creator) mới. Giờ đây, không chỉ những người có tầm ảnh hưởng, ca sỹ, diễn viên nổi tiếng…, mà ngay cả những người bình thường cũng có thể kiếm tiền từ tiếp thị liên kết. Tuy nhiên, khoảng tối của làn sóng này cũng đã xuất hiện.
Theo bà Ngân Trần, CEO của Maygust Trademark Attorneys (cung cấp dịch vụ bảo hộ nhãn hiệu quốc tế), bên cạnh những cơ hội mang lại cho sàn thương mại điện tử và nhãn hàng, tiếp thị liên kết cũng tiềm ẩn rủi ro, như việc nhà tiếp thị lợi dụng hình thức này để đưa thông tin sai sự thật, lừa dối khách hàng hay bán hàng giả, hàng nhái… Điều này không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến các thương hiệu, mà còn đến cả các nhà tiếp thị (publisher) chân chính.
Ngoài ra, do lợi nhuận lớn, các nhà tiếp thị liên kết sẵn sàng “rải thảm”, làm phiền người dùng để mời gọi tham gia các sàn thương mại điện tử, dẫn đến nguy cơ người dùng bị lộ lọt thông tin, bị lừa đảo khi click vào link được đề xuất.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam cho biết, những kẻ lừa đảo thường lợi dụng các vấn đề, sự kiện nóng để trục lợi. Khi một sản phẩm mới, nền tảng mới xuất hiện, người dùng sẽ có nhu cầu trải nghiệm, hoặc đôi khi chỉ là tò mò với các chương trình khuyến mãi, hoa hồng lớn. Lợi dụng điều này, đối tượng lừa đảo có thể thực hiện một số hành vi lừa đảo như tạo ra các đường link có tên miền hoặc giao diện tương tự sản phẩm mới, gửi cho người dùng với những lời chào mời hấp dẫn, dụ cung cấp thông tin nhạy cảm như tên đăng nhập, mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng…, từ đó tiến hành hành vi lừa đảo.
Một vấn đề khác là hiện nay, việc thực hiện dịch vụ tiếp thị liên kết giữa sàn thương mại điện tử và nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết chưa có hợp đồng chính thức, mà chỉ là giao kết online trên nền tảng, nên có thể phát sinh vấn đề pháp lý về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoạt động quảng cáo, vi phạm về an ninh mạng trên không gian mạng, Cục sẽ phối hợp cung cấp thông tin, chuyển các nội dung phản ánh, kiến nghị đến Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc các cơ quan điều tra chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã yêu cầu chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử bị phản ánh khẩn trương thực hiện các biện pháp như tăng cường rà soát, kiểm tra việc đăng tải thông tin, việc hợp tác với các đối tác hỗ trợ hoạt động thương mại, bao gồm cả những đối tác cung cấp dịch vụ quảng cáo. Đồng thời, yêu cầu các chủ sàn rà soát hợp đồng cung cấp dịch vụ với đối tác, có cơ chế kiểm duyệt và thường xuyên thực hiện các biện pháp giám sát các phương thức thực hiện quảng cáo để tiếp cận, thu hút người tiêu dùng đến với nền tảng thương mại điện tử của mình, tránh các hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Ninh, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, hiện các cơ quan quản lý nhà nước đã phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử nhằm đảm bảo có đầy đủ thông tin để đưa ra các quyết sách phù hợp, đảm bảo hoạt động của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đúng pháp luật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh công bằng.
Các biến thể mới của mô hình tiếp thị liên kết xuất hiện trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, dự báo đạt 45 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa vào năm 2025, trong đó thương mại điện tử chiếm 24 tỷ USD, với mức tăng trưởng 22%, theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company.
Dữ liệu từ Marketing Hub cho thấy, chi tiêu toàn cầu cho tiếp thị liên kết đạt khoảng 14,3 tỷ USD trong năm 2023; đạt gần 16 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến tăng lên 27,8 tỷ USD vào năm 2027. Tại Việt Nam, doanh thu từ tiếp thị liên kết đạt khoảng 1.200 tỷ đồng trong năm 2023 và đang tiếp tục tăng mạnh.
Tú Ân