Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, Google liệu có thoát hiểm?
- Thứ sáu - 08/11/2024 12:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ thay đổi hoặc hủy bỏ một số chính sách chống độc quyền mà chính quyền của ông Biden đã thực hiện, bao gồm cả việc chia tách Alphabet (công ty mẹ của Google).
Các chính sách chống độc quyền mà chính quyền thời ông Joe Biden đưa ra bao gồm việc điều tra và kiện các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như Google vì lo ngại họ thao túng thị trường, ngăn cản sự cạnh tranh công bằng, đặc biệt trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo.
Logo của Google LLC được hiển thị trên một tòa nhà ở San Diego, California, Hoa Kỳ, 9/10/2024. Ảnh: Reuters
Theo một nguồn tin, Google bị cáo buộc lạm dụng sự thống trị trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo, khiến các đối thủ khó cạnh tranh. Do đó, mục tiêu của các vụ kiện này là bảo vệ thị trường và tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn.
Hiện tại, chính quyền ông Biden đang tập trung vào việc "kiểm soát quyền lực" của các Big Tech hơn là thực hiện ngay việc tách các công ty này ra và việc chia tách Google có thể chỉ được xem xét như một biện pháp cuối cùng.
Theo giới phân tích, ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, ông Trump có thể sẽ tiếp tục các vụ đối đầu pháp lý với các công ty công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook (Meta), Amazon và Microsoft.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Bộ này cũng đang tiến hành hai vụ kiện chống độc quyền với Google. Vụ đầu tiên liên quan đến tính năng tìm kiếm, trong đó, Google bị cáo buộc độc quyền trong kết quả tìm kiếm để ngăn chặn cạnh tranh. Vụ thứ hai liên quan đến công nghệ quảng cáo của Google, nhằm vào việc công ty kiểm soát phần lớn thị trường quảng cáo số.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng có vụ kiện chống lại Apple. Trong khi đó, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đang kiện Meta (công ty mẹ của Facebook) với lý do tương tự, nhằm ngăn chặn độc quyền trên nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, trong vụ kiện liên quan đến mảng tìm kiếm của Google, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đề xuất một số biện pháp khắc phục nhằm giảm sự độc quyền của Google. Các biện pháp bao gồm yêu cầu Google bán lại hoặc tách rời một số bộ phận, như trình duyệt web Chrome.
Ngoài ra, họ muốn Google chấm dứt các thỏa thuận với các nhà sản xuất thiết bị, chẳng hạn như việc Google là công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone của Apple. Những biện pháp này nhằm tăng tính cạnh tranh trong thị trường tìm kiếm trực tuyến và giảm sự phụ thuộc vào Google.
Phiên tòa xử lý các biện pháp điều chỉnh đối với Google sẽ không diễn ra cho đến tháng 4/2025 và phán quyết cuối cùng có thể đến vào tháng 8 cùng năm.
Giáo sư William Kovacic - Giám đốc Trung tâm Luật Cạnh tranh, Trường Luật Đại học George Washington nhận định, khoảng thời gian chờ đến khi phán quyết cuối cùng về vụ kiện Google được đưa ra sẽ cho phép ông Trump và Bộ Tư pháp có cơ hội điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách chống độc quyền.
Kovacic- Cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang dưới thời tổng thống George W. Bush cho biết, ông Trump có thể ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ về cách giải quyết các hành vi vi phạm của Google.
Các luật sư cho rằng, dưới thời chính quyền ông Biden, các chính sách chống độc quyền khiến các công ty gặp khó khăn khi thực hiện các giao dịch sáp nhập. Ông Biden tỏ ra không mấy linh hoạt trong việc giải quyết các vấn đề cạnh tranh liên quan đến sáp nhập, ví dụ như yêu cầu các công ty bán đi một phần doanh nghiệp của họ.
Ông Trump có thể thay đổi cách tiếp cận này bằng cách rút lại một số chính sách gây khó chịu cho các giao dịch được đề ra dưới thời ông Biden, nhằm giúp các công ty giải quyết những vấn đề này một cách linh hoạt hơn.
Ông Jon Dubrow - Luật sư cao cấp tại Công ty luật McDermott Will & Emery - cho biết, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ( DOJ) có khả năng hủy bỏ các hướng dẫn đã được thiết lập dưới thời chính quyền ông Biden về cách đánh giá và xử lý các giao dịch sáp nhập giữa các công ty, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty trong các vụ sáp nhập trong tương lai.
Ông Jon Dubrow cho rằng: "Hướng dẫn sáp nhập năm 2023 rất nghiêm ngặt và có thể gây khó khăn cho quá trình sáp nhập và mua lại các công ty. Điều này có nghĩa là các cơ quan quản lý sẽ siết chặt hơn trong việc đánh giá và phê duyệt các thương vụ sáp nhập, nhằm ngăn chặn việc hình thành các tập đoàn quá lớn và độc quyền, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường".
Cao Nhung dịch (theo Reuters)