Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Nhựa trở thành vấn đề trong ngành công nghiệp album K-pop

Theo trang Variety, cột mốc này đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động ngày càng tăng đối với môi trường, theo báo cáo của hãng thông tấn Pháp AFP.

Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images

Theo một nghiên cứu của Đại học Keele của Anh, việc sản xuất một đĩa CD duy nhất tạo ra khoảng 500 gam khí thải carbon. Nhóm bảo vệ môi trường Kpop4Planet, được thành lập vào năm 2020 bởi một người hâm mộ Indonesia, đã tính toán rằng doanh số bán hàng hàng tuần của một nhóm nhạc K-pop hàng đầu có thể tạo ra lượng khí thải "tương đương với việc bay quanh Trái đất 74 lần".

Sự gia tăng doanh số bán hàng bắt nguồn từ chiến lược tiếp thị tinh vi mà các hãng âm nhạc sử dụng. Album thường bao gồm các mặt hàng sưu tầm như "photocard" phiên bản giới hạn của nghệ sĩ hoặc cơ hội giành được cuộc gọi video với người biểu diễn.

Photocard là chiếc ảnh có kích cỡ như thẻ ngân hàng, thường là ảnh selfie của một thành viên, được đặt ngẫu nhiên bên trong album. Đối với nhiều người hâm mộ K-pop, photocard là vật phẩm sưu tầm yêu thích nhất khi mua đĩa nhạc.

Nếu không bóc album ra, người hâm mộ không thể biết nó có chứa photocard của thành viên mà mình yêu thích hay không. Photocard hiếm khi còn được rao bán trong cộng đồng fan với giá lớn hơn giá trị thực của album.

Một cách thức tiếp thị khác là mở chương trình trao cơ hội được gọi video với thần tượng hoặc gặp trực tiếp để xin chữ ký. Một số chương trình có thể lệ chọn người chiến thắng là người mua nhiều album nhất hoặc quay số trúng thưởng ngẫu nhiên.

"Mỗi album về cơ bản là một tấm vé số. Câu chuyện chủ yếu là 'bạn mua càng nhiều, cơ hội của bạn càng lớn", Roza De Jong – một người hâm mộ K-pop nói với AFP.

Kim Do-yeon, một người hâm mộ K-pop 24 tuổi, cho biết mặc dù điều này không lý tưởng cho môi trường, nhưng cô thường mua nhiều đĩa CD có cùng một bản nhạc từ ban nhạc yêu thích.

"Tôi mua nhiều đĩa CD vì mỗi phiên bản được đóng gói khác nhau - đặc biệt là hình ảnh cũng khác nhau", Kim Do-yeon nói.

Theo công ty theo dõi doanh số bán album của Circle Chart, những chiến thuật tiếp thị từ các công ty K-pop đã mang đến doanh số bán album vật lý - hầu hết là CD - tăng gấp ba lần trong ba năm, lên hơn 119 triệu vào năm 2023.

Báo cáo âm nhạc toàn cầu của cơ quan công nghiệp IFPI ghi nhận đây là nguyên nhân chính dẫn đến mức tăng 13% trong doanh thu album vật lý toàn cầu vào năm ngoái.

Đáng chú ý, lượng nhựa mà các công ty K-pop sử dụng đã tăng vọt, đạt khoảng 800 tấn vào năm 2022, tăng gấp 14 lần so với năm 2017.

Các công ty K-pop nhấn mạnh rằng họ đang sử dụng vật liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường và đang chuẩn bị các báo cáo về tính bền vững.

Giải pháp khắc phục

Khi được yêu cầu phản hồi về các mối quan ngại về môi trường, HYBE - công ty quản lý của nhóm nhạc K-pop siêu sao BTS cho biết họ chủ trương "sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường cho album, ấn phẩm video và hàng hóa chính thức của chúng tôi, giảm thiểu nhựa", mặc dù không cung cấp thông tin chi tiết cụ thể.

HYBE cũng có kế hoạch mở rộng đáng kể các dịch vụ cung cấp album Weverse, nơi người hâm mộ có thể truy cập nhạc và nội dung kỹ thuật số như ảnh bằng cách mua qua mã QR.

Nhóm bảo vệ khí hậu có tên Kpop4Planet. Nhóm thành lập năm 2020 bởi một fan K-pop người Indonesia với tôn chỉ hoạt động là K-pop phải chịu trách nhiệm về tác động của ngành với môi trường.

Kpop4planet lập luận các công ty nợ người hâm mộ nhiều hơn nữa và trừ khi có sự thay đổi trong hoạt động tiếp thị CD, việc sử dụng vật liệu tái chế trong CD cũng giống như hành vi tẩy xanh.

"Hầu hết người hâm mộ K-pop đều còn trẻ, họ là thế hệ tương lai ở độ tuổi thiếu niên hoặc 20, những người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc khủng hoảng khí hậu", Kim Na-yeon, thành viên nhóm Kpop4Planet – một tổ chức chống khủng hoảng khí hậu cho biết.

Các nhà phân tích trong ngành lưu ý rằng sản xuất album đã tăng đáng kể trong thời kỳ đại dịch khi các hãng đĩa tìm cách bù đắp doanh thu lưu diễn bị mất. Doanh số đáng chú ý bao gồm "FML" của Seventeen, trở thành album đơn bán chạy nhất của K-pop vào năm 2023 với 5,5 triệu bản được bán ra.

Bộ Môi trường Hàn Quốc đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng các hình phạt kể từ năm 2003, nhưng mức phạt vẫn rất nhỏ so với doanh thu từ album.

Yoon Hye-rin, phó vụ trưởng Vụ chính sách lưu thông tài nguyên Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho hay số tiền phạt thu về từ các hãng đĩa năm 2023 khoảng hai tỷ won (143.000 USD)./.

Hồng Nhung

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây