Kiểu mua sắm truyền thống ngày Black Friday đã dần lỗi thời?
- Thứ năm - 28/11/2024 22:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người dân mua sắm tại cửa hàng ở New York, Mỹ, trong ngày "Black Friday" 25/11/2022. (Ảnh: THX/ TTXVN)
Ngày thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn, hay còn gọi là Black Friday, vốn được coi là sự khởi đầu chính thức của mùa lễ hội mua sắm.
Tuy nhiên, trong kỷ nguyên thương mại điện tử ngày nay, truyền thống này đang dần lỗi thời.
Các nhà bán lẻ đã bắt đầu triển khai các chiến dịch giảm giá sớm hàng tuần, phủ sóng khắp các trang thông tin điện tử và hộp thư điện tử của khách hàng.
Theo kinh nghiệm từ những năm trước và những lời quảng cáo rầm rộ, những ưu đãi tốt nhất vẫn sẽ tập trung vào khoảng thời gian từ Black Friday đến Cyber Monday, thường được gọi tắt là BFCM trong ngành bán lẻ.
Điều này đặc biệt đúng đối với các mặt hàng lớn, hàng hóa theo mùa và các sản phẩm thời thượng mới nhất.
Tuy nhiên, các chuyên gia tiêu dùng lưu ý những chương trình giảm giá sâu không chỉ xuất hiện một lần trong năm.
Họ khuyên người tiêu dùng nên so sánh giá cả, nghiên cứu lịch sử giá và đọc kỹ các điều khoản để đảm bảo mua được những sản phẩm mình muốn với giá tốt nhất.
Dù vậy, nhiều người vẫn thích trải nghiệm không khí mua sắm lễ hội tại các trung tâm thương mại hoặc khu mua sắm địa phương.
Các nhà bán lẻ đang nỗ lực tạo ra những trải nghiệm mua sắm độc đáo và giới thiệu các sản phẩm độc quyền để thu hút khách hàng đến cửa hàng. Một số cửa hàng sẽ mở cửa sớm vào sáng thứ Sáu để khởi động mùa mua sắm lễ hội.
Theo Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ, dự kiến sẽ có 183,4 triệu người mua sắm trực tuyến và tại cửa hàng từ Black Friday (29/11) đến ngày Cyber Monday (ngày 2/12) năm nay, tăng so với 182 triệu người trong năm 2023.
Tuy nhiên, các giám đốc điều hành (CEO) của những doanh nghiệp bán lẻ tỏ ra thận trọng về triển vọng mùa mua sắm năm nay, dự đoán mức tăng trưởng doanh số chậm nhất kể từ năm 2018 do người tiêu dùng vẫn đang phải đối mặt với lạm phát./.
(TTXVN/Vietnam+)