Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu là thách thức lớn trong xây dựng và phát triển thư viện số

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta đã tạo nên sự thay đổi rõ nét về nhận thức và hành động trong mọi ngành, lĩnh vực, trong đó có hoạt động thư viện.

Ông Lê Đức Thắng, Trưởng phòng Tin học – Thư viện Quốc gia Việt Nam cho biết, những lợi ích to lớn mà chuyển đổi số đem lại cho xã hội nói chung và ngành thư viện nói riêng đã được khẳng định với việc gần như mọi hoạt động giao dịch đều có thể được thực hiện thông qua công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động.

Tuy nhiên, đi cùng với thuận lợi, nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi công tác bảo đảm an ninh thông tin trong quá trình chuyển đổi số cần được đặc biệt chú trọng.

Theo ông Lê Đức Thắng, hoạt động thư viện số với cốt lõi là dữ liệu số, cùng với những lợi thế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và truyền thông đã giúp tổ chức quản lý, góp phần làm tăng hiệu quả hoạt động thư viện.

Tuy nhiên, ngoài ưu điểm, mức độ ứng dụng công nghệ càng cao đồng nghĩa với việc ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn, an ninh. Đây được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với thư viện số và dữ liệu số. Do đó, công tác an toàn, an ninh dữ liệu số cần được đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa.

Các nguy cơ mất an toàn, an ninh dữ liệu số có thể nhận diện bao gồm mất dữ liệu, hỏng dữ liệu, sai lệch dữ liệu, mất quyền quản lý và dữ liệu bị phân tán ra ngoài mà không thể kiểm soát do bị đánh cắp hoặc do chính người sử dụng. Nguyên nhân chính của các rủi ro kể trên có thể chia thành hai nhóm là nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân chủ quan có thể kể đến như: Chưa có nhận thức đúng và đầy đủ về an toàn, an ninh dữ liệu; Ý thức, trách nhiệm của người dùng; Không có chính sách xử lý rủi ro, khủng hoảng hoặc chính sách chưa đủ mạnh; Hệ thống được thiết kế không bảo mật hoạc bảo mật yếu; Dữ liệu không được sao lưu định kỳ, khoa học; Sử dụng sai phần mềm xử lý, sai cách thức mã hóa; Chính sách sử dụng Internet cho cán bộ và bạn đọc chưa được chặt chẽ…

Nhóm nguyên nhân khách quan bao gồm: Không có các phần mềm bảo mật, phần mềm chuyên dụng; Phần mềm quản lý thư viện số mắc lỗi bảo mật; Thất thoát thiết bị lưu trữ; Do virus tấn công, mã hóa, xóa dữ liệu; Bị hacker xâm nhập, tấn công, phá hoại… Hay các nguy cơ khác như thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ, phá hoại của con người...

Để giải quyết các vấn đền này, ông Lê Đức Thắng cho hay, các thư viện cần định kỳ phân tích, đánh giá, nhận diện rõ vấn đề của thư viện mình. Từ đó, có giải pháp và kế hoạch giải quyết. Hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động của đơn vị. Một số giải pháp cơ bản đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu số cần được triển khai áp dụng như: Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Chính phủ, Bộ TT&TT về đảm bảo an toàn, an ninh dữ liệu số, an ninh mạng; Xây dựng, ban hành các chính sách về thư viện số; Triển khai các giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn, an ninh thư viện số; Tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho người làm thư viện nói chung, bộ phận chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin nói riêng.

"Để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng và phát triển thư viện số một cách hiệu quả, bền vững thì công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu cần được coi trọng và thực hiện một cách bài bản, đúng quy trình, đúng yêu cầu kỹ thuật. Đặc biệt, cần tuân thủ nghiêm chỉnh định hướng và các văn bản pháp luật, quy định của Nhà nước, các hướng dẫn của Bộ, ban, ngành về vấn đề an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu", ông Lê Đức Thắng chia sẻ./.

Thế Trung

* Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL thực hiện

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây