'Cõng sóng' lên bản, đưa thông tin tới từng hộ dân Yên Bái
- Thứ ba - 26/11/2024 11:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đưa sóng lên vùng cao
Phình Hồ là xã khó khăn của tỉnh Yên Bái với 100% người dân là đồng bào dân tộc Mông, nằm ở độ cao 1000m so với mực nước biển, bao quanh bởi núi đá cheo leo, sóng điện thoại chập chờn, lúc có lúc không. Điều này khiến cho đồng bào dân tộc nơi đây khó có thể tiếp cận kịp thời với những nguồn thông tin thiết yếu.
Anh Sùng A Tủa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phình Hồ, hiểu hơn ai hết những khó khăn, vất vả của đồng bao dân tộc Mông nơi đây. Anh Sùng A Tủa, đã chủ động kết nối với các nhà mạng để đưa cột sóng lên vùng núi cao này, nhờ đó mà người dân được tiếp cận với mạng viễn thông, internet dễ dàng hơn, góp phần nâng cao nhận thức, cải thiện chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
“Trước đây, khi chưa có cột sóng di động này, cách thức tiếp cận mạng viễn thông, thông tin của người dân nơi đây còn nhiều hạn chế. Ngay cả việc cán bộ xã chúng tôi muốn tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tới bà con cũng gặp nhiều khó khăn, phải tới tận nơi tuyên truyền. Có những thời điểm cần đưa thông tin gấp tới các già làng, trưởng bản, trưởng thôn để cập nhật thông tin cho bà con, cán bộ xã chúng tôi phải xuống tận nơi, hoặc phải đợi lúc có sóng mới liên lạc được. Khi chúng tôi lên đây khảo sát và lắp đặt cột sóng của nhà mạng Viettel, nhờ đó sóng di động đã phủ khắp bản làng, công tác tuyên truyền đã hiệu quả hơn”, anh Sùng A Tủa nói.
Cột sóng di động mới giúp người dân xã Phình Hồ dễ dàng tiếp cận thông tin.
Anh Sùng A Tủa cho biết, kể từ khi cột sóng mới được đưa vào hoạt động, công tác tuyên truyền thông tin tới người dân đồng bào dân tộc Mông tại xã Phình Hồ đã thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Song song với đó, người dân tộc Mông tại xã Phình Hồ cũng có cơ hội được tiếp cận với internet, với các mạng xã hội, từ đó giúp họ mở mang thêm kiến thức, học hỏi những kinh nghiệm nuôi trồng, sản xuất phù hợp với điều kiện kinh tế, thổ nhưỡng tại địa phương.
Nỗ lực xóa vùng lõm sóng, trắng sóng
Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, Yên Bái đã tập trung triển khai các giải pháp phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số, đặc biệt là xóa vùng lõm sóng di động 3G, 4G tại các thôn, bản, trong đó hoàn thành xóa 39 vùng lõm sóng, trắng sóng 3G, 4G.
Hạ tầng mạng cố định băng rộng được phủ tới 100% xã, phường, thị trấn. Tỉ lệ nhà văn hóa thôn, bản có mạng Internet đạt 80%. Đặc biệt, Viettel Yên Bái đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác 1 trạm BTS, phủ sóng di động 4G cho 257 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu của 3 bản chưa có điện lưới của xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu liên lạc và truy cập internet, trạm đóng vai trò quan trọng đảm bảo liên lạc trong trường hợp thiên tai, tình huống đặc biệt xảy ra trên địa bàn.
Đặc biệt, sau khi đưa trạm phát sóng vào khai thác, Viettel Yên Bái đã hỗ trợ trên 50 máy điện thoại smartphone kèm gói cước 70.000 đồng/tháng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hỗ trợ hòa mạng mới được gần 100 thuê bao cho người dân ở 3 bản: Háng Tày, Kể Cả, Pú Vá, góp phần quan trọng giúp xã Chế Tạo xây dựng chính quyền số, xã hội số; rút ngắn khoảng cách giữa vùng thấp với vùng cao, đẩy mạnh hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh sẽ có thêm 57 trạm phát sóng 5G của Viettel Yên Bái, VNPT Yên Bái. Đây cũng là địa phương tiên phong thí điểm mô hình "Bình dân học AI”. Qua hơn 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình đã đạt được những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.