Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Cách tiếp cận đa dạng của các nước và khu vực

Bắc Mỹ: bảo vệ quyền riêng tư và bảo đảm an toàn

Mỹ đã thực thi Luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA) từ năm 1998, yêu cầu các trang web phải có sự đồng ý của phụ huynh trước khi thu thập dữ liệu trẻ dưới 13 tuổi. Các luật mới như Luật An toàn trực tuyến cho trẻ em (KOSA) tiếp tục bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị bạo lực, lạm dụng tình dục trên mạng và các nội dung có hại cho sức khỏe tâm thần, đồng thời yêu cầu các nền tảng áp dụng công cụ kiểm soát.

Nguồn: annelimky.com

Trong khi đó, Canada áp dụng phương pháp tiếp cận đa chiều với Luật Thực hiện Hiến chương Kỹ thuật số 2022 (The Digital Charter Implementation Act, 2022), nhấn mạnh vào quyền riêng tư dữ liệu của trẻ vị thành niên. Để giải quyết vấn nạn lạm dụng, bóc lột tình dục trực tuyến, Canada còn thiết lập đường dây nóng quốc gia Cybertip.ca, cho phép nạn nhân hoặc bất kỳ ai báo cáo tình trạng vi phạm và các nội dung có hại khác trực tuyến. Hệ thống này yêu cầu các trường học triển khai chương trình chống bắt nạt, bạo lực mạng, tạo ra môi trường an toàn hơn cho trẻ em trên không gian trực tuyến và ngoại tuyến.

Châu Âu: quy định về bảo vệ dữ liệu và an toàn trực tuyến

Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU bao gồm các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư mạnh mẽ cho trẻ em, yêu cầu sự đồng ý của phụ huynh đối với người dùng dưới 16 tuổi và hạn chế việc sử dụng dữ liệu cá nhân. Ngoài ra, EU cũng khởi động Sáng kiến Internet tốt hơn cho trẻ em (BIK), cung cấp các nguồn tài nguyên giáo dục để giúp trẻ em, phụ huynh và nhà giáo dục nhận thức và đối phó với các mối đe dọa trực tuyến. BIK cũng tài trợ cho các đường dây trợ giúp và nền tảng trên khắp các quốc gia thành viên để báo cáo và xử lý vấn nạn bắt nạt trên mạng, cũng như nội dung có hại.

Ở từng quốc gia cụ thể, Luật Thực thi mạng của Đức (NetzDG), có hiệu lực từ 1.10.2017, giao trách nhiệm cho các nền tảng truyền thông xã hội xóa nội dung có hại trong vòng 24 giờ, áp dụng các khoản tiền phạt nghiêm khắc đối với hành vi không tuân thủ. NetzDG định nghĩa nhiều hình thức tài liệu có hại, từ ngôn từ kích động thù địch đến bóc lột trẻ em, bảo đảm chúng bị xóa nhanh chóng để ngăn chặn việc tiếp xúc với người dùng trẻ tuổi. Đức cũng tập trung vào giáo dục về kiến thức số, trang bị cho trẻ em các kỹ năng để tự bảo vệ mình an toàn trong môi trường kỹ thuật số.

Trong khi đó, Luật Quản lý phương tiện truyền thông và an toàn trực tuyến (OSMR) của Ireland chỉ định Ủy viên an toàn trực tuyến để giám sát các hoạt động kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là những hoạt động bảo vệ trẻ vị thành niên. Ủy viên này có thể thực thi các yêu cầu gỡ bỏ đối với nội dung có hại nhắm vào trẻ em, đồng thời bảo đảm tuân thủ các biện pháp an toàn phù hợp với lứa tuổi giữa các nền tảng kỹ thuật số.

Châu Á: bảo vệ bằng cách hạn chế tiếp cận

Luật Bảo vệ thanh thiếu niên của Hàn Quốc áp dụng cách tiếp cận chủ động bằng cách hạn chế trẻ em truy cập vào một số hoạt động trực tuyến nhất định. Được gọi là "hệ thống tắt máy", luật này hạn chế trẻ vị thành niên truy cập vào các trò chơi trực tuyến lúc đêm khuya, giảm thiểu việc tiếp xúc với bạo lực trực tuyến và giảm các hành vi gây nghiện. Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình giáo dục học sinh về an toàn trực tuyến, tập trung vào việc nhận biết và tránh bắt nạt trên mạng.

Còn tại đất nước mặt trời mọc, sau nhiều vụ việc bắt nạt trên mạng rúng động xã hội, nước này đã thông qua Luật Phòng ngừa bắt nạt trên mạng, cho phép nạn nhân yêu cầu xóa nội dung trực tuyến có hại. Luật này được hỗ trợ bởi các sáng kiến về kiến thức kỹ thuật số trong trường học, giáo dục trẻ em về các biện pháp thực hành trực tuyến an toàn, cũng như cung cấp các nguồn lực để trợ giúp khi gặp phải các mối đe dọa trực tuyến.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ trẻ vị thành niên của Trung Quốc yêu cầu các công ty truyền thông xã hội và công ty trò chơi trực tuyến thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, bao gồm xác minh độ tuổi và giới hạn thời gian sử dụng màn hình đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi. Các nền tảng cũng phải cung cấp tùy chọn kiểm soát của phụ huynh và hạn chế quyền truy cập vào nội dung không phù hợp hoặc gây nghiện. Các biện pháp đó nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các môi trường trực tuyến có khả năng gây hại trong khi vẫn cân bằng quyền truy cập vào các nguồn tài nguyên giáo dục.

Châu Phi: nhiều luật mới giải quyết tình trạng bóc lột tình dục trực tuyến

Luật Về tội phạm mạng của Nam Phi hình sự hóa các hành vi quấy rối trên mạng và đe dọa trẻ vị thành niên. Luật yêu cầu các nền tảng hạn chế trẻ em truy cập vào nội dung không phù hợp, bằng cách xác minh độ tuổi và lọc nội dung.

Kenya bảo vệ trẻ em bằng Luật Chống lạm dụng máy tính và tội phạm mạng, coi hành vi lợi dụng, bóc lột trẻ em và quấy rối trên mạng là hành vi phạm tội, yêu cầu các nhà cung cấp internet phải hợp tác với chính quyền trong việc báo cáo và xóa nội dung có hại.

Nam Mỹ: Bảo vệ toàn diện cho trẻ

Marco Civil da Internet (Khung dân quyền cho internet) của Brazil bảo đảm rằng các nền tảng kỹ thuật số tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em và Quy chế về trẻ em và thanh thiếu niên (ECA) trừng phạt hành vi bóc lột trực tuyến.

Trong khi đó, Luật Bảo vệ toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên của Argentina bao gồm nhiều điều khoản ngăn chặn hành vi dụ dỗ và bắt nạt trực tuyến. Kế hoạch quốc gia về hòa nhập kỹ thuật số và bảo vệ trẻ em của Chính phủ hoạt động song song với luật này, tập trung vào giáo dục các gia đình và trẻ em về an toàn trực tuyến, cũng như trang bị cho các trường học để xử lý các trường hợp lạm dụng kỹ thuật số.

Châu Đại Dương: thúc đẩy pháp luật về an toàn trực tuyến toàn diện

Luật An toàn trực tuyến năm 2021 của Australia được coi là một trong những quy định an toàn trực tuyến toàn diện nhất trên toàn cầu, trao cho Ủy viên an toàn điện tử thẩm quyền thực thi xóa nội dung nhanh chóng. Các nền tảng phải gỡ bỏ nội dung có hại nhắm vào trẻ em trong vòng 24 giờ hoặc phải đối mặt với hình phạt. Ủy viên an toàn điện tử cũng điều hành các chương trình giáo dục cho trẻ em và phụ huynh, củng cố hành vi trực tuyến an toàn và cung cấp các nguồn lực để xác định và quản lý rủi ro trực tuyến.

New Zealand ban hành Luật Chống truyền thông kỹ thuật số có hại để đối phó với tình trạng bắt nạt và quấy rối trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên. Qua hợp tác với tổ chức như NetSafe, New Zealand cung cấp quy trình báo cáo rõ ràng và các chương trình giáo dục cho trường học nhằm nâng cao nhận thức về an toàn kỹ thuật số. Trường học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ em về hành vi trực tuyến có trách nhiệm, giúp các em có các kỹ năng cần thiết để tránh được nguy cơ lạm dụng trực tuyến.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây