Mỹ nhân giàu nhất Sex and the city từng thất vọng tận cùng vì không thể có thai, buộc phải làm điều này
- Thứ ba - 19/11/2024 15:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hiện tại, các con của Sarah Jessica Parker đều đã trưởng thành, hạnh phúc.
Ai theo dõi bộ phim Sex and the city hẳn quá ấn tượng với Sarah Jessica Parker, một biểu tượng của sự giàu có, nhan sắc và hạnh phúc. Cô có 3 người con và hiện các con đều đã lớn, trưởng thành với cuộc sống mĩ mãn, hạnh phúc.
Nhưng có một điều mà không phải ai cũng biết đó là Sarah Jessica Parker từng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và áp lực không nhỏ trong hành trình làm mẹ. Lý do là bởi sau khi sinh cậu con trai đầu lòng James Willkie Broderick bằng phương pháp tự nhiên, cô đã thử mọi biện pháp nhưng vẫn không thể mang thai thêm lần nào nữa.
Được biết, Sarah Jessica Parker gặp phải vấn đề về vô sinh thứ phát nên cô gặp rất nhiều khó khăn cho những lần sinh con sau này. Cô đã bày tỏ rõ niềm đau của mình cũng như những nỗ lực không ngừng để có thêm con, những nỗ lực mà sau cùng không đem lại kết quả mong đợi.
"Chúng tôi đã cố gắng, cố gắng, cố gắng và cố gắng để có thai, nhưng không thể", Sarah từng tâm sự. Khi được hỏi về nỗi thất vọng khi không thể thụ thai, Sarah nói: "Vâng, ý tôi là, tôi không thể giả vờ khác đi. Thật kỳ lạ khi đưa ra lựa chọn này".
Người đẹp của "Sex and the City" đã không ngần ngại chọn lựa con đường thụ tinh nhân tạo IVF và nhờ người khác mang thai hộ để đón nhận niềm vui của hai thiên thần nhỏ vào tháng 6 năm 2009.
Thái độ của Sarah Jessica Parker trong việc chia sẻ mở cửa về quyết định của mình là đáng ngưỡng mộ. Bất chấp sự ngạc nhiên và thắc mắc của dư luận về lý do cô không tự mang thai, ngôi sao đã giải thích một cách chân thành rằng cô và chồng đã cân nhắc kỹ lưỡng và đây là lựa chọn phù hợp nhất sau nhiều năm cố gắng mở rộng gia đình.
Trong một cuộc trò chuyện với tạp chí Vogue, Sarah Jessica Parker đã chia sẻ suy nghĩ về việc có một bé mà không trải qua quá trình mang thai, mô tả nó như một điều vô cùng đặc biệt, một trải nghiệm mới mẻ và đầy ý nghĩa.
Vô sinh thứ phát - bệnh ít chị em ngờ tới
Trong y học, trường hợp đã có con sau đó không thể có con được nữa được gọi là vô sinh thứ phát. Ngày nay, vô sinh thứ phát là tình trạng bệnh không hề hiếm gặp. Vô sinh thứ phát được hiểu đơn giản là những trường hợp đã từng có thai ít nhất một lần trước đó (kể cả những lần thai bị sẩy) nhưng sau này muốn sinh đẻ nữa mà không thể thụ thai.
Cũng như vô sinh nguyên phát (không thể có thai ngay từ đầu), một trong những lý do gây vô sinh thứ phát là do tinh trùng không thể gặp được trứng để thụ thai mà nguyên nhân chủ yếu là do viêm nhiễm phần phụ như viêm âm đạo, cổ tử cung, viêm lộ tuyến cổ tử cung, viêm buồng trứng, viêm nội mạc tử cung... không được điều trị sớm và triệt để.
Đa số chị em bị viêm nhiễm phần phụ là do không biết cách vệ sinh đúng hoặc không chú ý vệ sinh "vùng kín" thường xuyên. Nguy cơ viêm nhiễm càng cao hơn ở những thời điểm sau sinh đẻ, khi nạo hút hoặc sẩy thai. Viêm nhiễm ở cơ quan sinh sản khi chuyển sang mãn tính có thể làm thay đổi cấu trúc bình thường của cổ tử cung, buồng tử cung và ống dẫn trứng, gây khó khăn cho việc thụ thai.
Các viêm nhiễm ở cơ quan sinh sản khi chuyển sang mãn tính có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác, ví dụ như viêm nội mạc tử cung mãn tính có thể dẫn đến tổn thương nội mạc bên trong buồng tử cung, gây dính buồng tử cung, làm cho trứng sau khi thụ tinh không thể làm tổ trong buồng tử cung.
Viêm âm đạo, viêm lộ tuyến cổ tử cung... nếu không điều trị dứt điểm sẽ làm thay đổi cấu trúc bình thường của tử cung. Bất cứ lý do nào đó ảnh hưởng đến chất nhầy hoặc cấu trúc của tử cung, cổ tử cung đều có thể làm cho tinh trùng khó sống sót và không thể bơi qua được và tỉ lệ có thai sẽ giảm xuống.
Viêm, nhiễm trùng ở buồng trứng, vòi trứng nếu không được chứa trị sớm và hiệu quả có thể dẫn đến tắc, chít hẹp ống dẫn trứng, làm cho tinh trùng không thể di chuyển qua để vào bên trong và thụ tinh với trứng.
Bên cạnh đó, một số chị em đã từng nạo, hút thai cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị vô sinh thứ phát do uống kháng sinh dài ngày hoặc bị dị dạng tử cung do phẫu thuật. Uống kháng sinh trong nhiều ngày có thể gây mất cân bằng độ pH và hệ vi sinh trong cơ thể, làm suy giảm sức đề kháng, dễ dẫn đến viêm nhiễm phụ khoa khác. Đặc biệt, nếu chị em sớm có quan hệ tình dục trở lại sau khi thực hiện các thủ thuật này thì khả năng bị viêm nhiễm càng tăng.
Làm gì khi bị vô sinh thứ phát?
Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của y học hiện đại, việc điều trị vô sinh nói chung và vô sinh thứ phát nói riêng không phải là việc quá khó khăn, điều quan trọng là các cặp vợ chồng cần sớm đi khám để được điều trị kịp thời, đúng bệnh. Với những cặp vợ chồng không thể điều trị bằng cách dùng thuốc để thụ thai tự nhiên, các bác sĩ sẽ chỉ định kĩ thuật điều trị bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào tử cung), IVF và ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm - TTTON).
Phương pháp IUI chỉ áp dụng cho những trường hợp bị bệnh nhẹ và phát hiện. Tỉ lệ thành công trung bình khoảng 10-15%. Phương pháp IVF và ICSI (kĩ thuật TTTON cổ điển) thường áp dụng cho các trường hợp tinh trùng tốt. Tại Bệnh viện phụ sản Trung ương, hiện nay phương pháp này được thực hiện khá thành công.
Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp này còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác của mỗi cặp vợ chồng. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp nhất để họ có cơ hội sinh thêm con.
Cách phòng tránh nguy cơ vô sinh thứ phát
Để tránh tình trạng vô sinh thứ phát, ngoài việc cân nhắc về tuổi tác của người mẹ để có thai, người phụ nữ không nên kéo dài quá lâu khoảng cách giữa 2 lần sinh, thời gian lý tưởng là từ 3-5 năm và tốt nhất trước 35 tuổi. Nếu không may phải thực hiện các thủ thuật nạo hút thai trong thời gian này thì cần chọn các cơ sở y tế tin cậy và làm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, thăm khám đầy đủ sau đó.
Trong thời gian tránh thai giữa 2 lần sinh, chị em cũng cần hết sức chú ý giữ gìn để không bị viêm nhiễm phần phụ. Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày bằng nước sạch là việc chị em bắt buộc phải làm, đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt hoặc sau mỗi lần đi vệ sinh. Chị em nên chọn sản phẩm vệ sinh phụ nữ hàng ngày có PH = 4-6 để giữ cân bằng đô pH trong môi trường âm đạo, đảm bảo không có sự phát triển quá mức của các vi khuẩn hoặc nấm men gây hại, dẫn đến nhiễm trùng.