Con trai không được khóc?
- Thứ tư - 08/01/2025 00:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhiều cha mẹ đau đầu khi thấy con tuy đã lớn, đặc biệt là con trai, nhưng vẫn thường xuyên khóc nhè.
Bị cho là yếu đuối
Chị Lê Hoàng Lan (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, khi đưa con đi chơi công viên đã gặp một cậu bé đang đuổi theo con mèo của mình. Đột nhiên cậu bé vấp ngã, chị vội chạy đến giúp đỡ. Lúc này khuỷu tay, đầu gối của cậu đều đã bầm tím. Thằng bé đau đến mức mặt tái nhợt, khuôn miệng méo xệch chực khóc.
Người mẹ sau đó chạy đến nói: “Là con trai không được khóc, phải mạnh mẽ không là bị mọi người cười đấy. Ngã có một tí thôi, chỉ là chuyện nhỏ, không đáng để khóc”. Cậu bé mắt đỏ hoe nhưng nghe mẹ đã không khóc, đứng lên, lầm lũi đi theo sau.
Ở một trường hợp khác, chị Mai Linh (Hải Phòng) vô cùng lo lắng là con mít ướt, nhạy cảm quá. Chỉ cần bố mẹ mắng nhẹ hay trách móc, cu cậu cũng khóc thổn thức. Nghe bài hát xúc động, nước mắt con không ngừng rơi. Va chạm với bạn, con cũng sụt sùi. Chị lo, với tính cách yếu đuối như thế, sau này con sẽ là người không quyết đoán trong mọi việc và không làm được việc gì lớn.
Không chỉ có vậy, con sẽ bị bạn bè chê cười, chế giễu, việc đó ảnh hưởng đến tâm lý rất nhiều. Thấy con “động một chút là khóc”, chồng chị Mai Linh thường xuyên quát mắng, cằn nhằn: “Suốt ngày khóc lóc, sao lại yếu đuối như vậy”. Anh nghĩ, sự chế giễu của mình sẽ khiến con xấu hổ và ngừng khóc. Thế nhưng, trước sự chế giễu của bố, con trai lại càng ấm ức, buồn bực. Cậu khóc đến mức nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng.
Nhiều phụ huynh thường có quan niệm con trai phải mạnh mẽ và tuyệt đối không được khóc lóc, bởi đó là biểu hiện của sự yếu đuối. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý học, việc không được thể hiện cảm xúc có thể khiến các bé trai gặp phải nhiều vấn đề về tâm lý khi trưởng thành.
Chuyên gia tâm lý Thương Huyền chia sẻ, đàn ông thường được kỳ vọng luôn mạnh mẽ nên phải kìm nén không được khóc. Dù họ là ai cũng phải thể hiện “bản lĩnh nam nhi” của mình. Nếu bạn có một cậu con trai bé bỏng, liệu bạn có muốn sau này cuộc sống của con sẽ nặng nề với áp lực của một người đàn ông? Mỗi một người đàn ông chính là một tấm gương soi của con trai. Nếu luôn che giấu cảm xúc, bạn sẽ không thể dạy cho con trai những bài học ý nghĩa về tình cảm trong gia đình. Hơn nữa, trẻ em che giấu cảm xúc cũng có nguy cơ bị trầm cảm cao.
Theo cô Huyền, thay vì dạy con trai về chuẩn mực nam tính là “đàn ông không được khóc”, bạn có thể dạy con giúp đỡ mọi người và bảo vệ em nhỏ. Nếu bạn dạy con biết cách bộc lộ cảm xúc phù hợp, con sẽ kiểm soát stress tốt hơn và tránh nguy cơ bị trầm cảm.
“Con trai phải mạnh mẽ; Đàn ông con trai không được khóc... Tôi tin nhiều cha mẹ đã nói điều này với con trai của họ. Thoạt nghe như một lời động viên, nhưng những lời nói dường như bình thường ấy thực sự đã khoác ‘gông cùm’ vào tâm hồn của nhiều bé trai, khiến nhiều trẻ không dám thể hiện cảm xúc chân thực của mình”, chuyên gia Thương Huyền nhận định.
Đừng xem nhẹ cảm xúc của con trai
Thực tế, cả con trai và con gái đều phải đối phó với những cảm xúc giống nhau. Tuy nhiên, chỉ một số cảm xúc của con trai được bố mẹ cho phép thể hiện như vui mừng, tức giận,… Còn nỗi buồn, sự tổn thương thì thường bị xem nhẹ và bỏ qua.
Trong khi đó, việc phải kìm chế cảm xúc, cố gắng che giấu tâm trạng có thể khiến con trai gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần như uất ức, trầm cảm. Không chỉ vậy, một số nghiên cứu cho thấy những người đàn ông phải kìm nén cảm xúc lâu ngày thường có xu hướng bạo lực, lạm dụng chất gây nghiện. Điều này là bởi người đàn ông thiếu hụt kỹ năng điều chỉnh cảm xúc trong quá trình trưởng thành.
Chuyên gia tâm lý Thương Huyền cho hay, một số công trình nghiên cứu gần đây của các nhà tâm lý học đã chỉ ra những lợi ích khi con người được trải nghiệm đa dạng cảm xúc, cả tiêu cực và tích cực. Theo đó, tâm trí con người giống như một hệ sinh thái trừu tượng. Hệ sinh thái càng đa dạng thì chúng ta càng được lợi. Kết quả từ những người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho thấy, ai có trải nghiệm cảm xúc đa dạng thì ít xuất hiện triệu chứng trầm cảm hơn.
Những người bị hạn chế về mặt cảm xúc thường gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như: Căng thẳng, lòng tự trọng thấp, trầm cảm, luôn tỏ ra lo lắng trước mọi thứ xung quanh. Không chỉ vậy, họ còn có thái độ tiêu cực khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác.
Việc cho trẻ nhỏ đối mặt với nhiều loại cảm xúc sẽ giúp chúng học được cách phục hồi tâm lý. Trẻ sẽ học cách đối phó với những cảm xúc tiêu cực, sự căng thẳng và các vấn đề trở ngại trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu trẻ thường khóc nhè với tần suất dày đặc và gây ra những cảm xúc khó chịu, ức chế, cha mẹ cũng đừng xem nhẹ. Hãy tìm cách giải quyết cơn khóc của con bằng cách đầu tiên là giúp trẻ bình tĩnh.
Một khi đã ý thức được vấn đề của mình, cảm xúc tiêu cực tạm thời tan biến. Trong trường hợp trẻ vẫn không nín khóc, nhưng ít nhất trẻ sẽ hiểu được vấn đề của mình lúc đó và không làm trầm trọng thêm tình huống đang xảy ra. Việc trẻ quấy khóc có thể khiến cảm xúc của bố mẹ thay đổi, từ đó đưa ra các phương án giải quyết không phù hợp, khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, khi thấy con trai hay khóc nhè, chính cha mẹ cũng là người cần bình tĩnh để không la mắng, xúc phạm trẻ.
Dưới góc độ gia đình, việc trẻ quấy khóc rất khó chịu, nhất là khi trẻ càng lớn, ở độ tuổi khủng hoảng, tiếng khóc như một loại “vũ khí” bắt người lớn phải nghe theo. Đặc biệt, mọi người luôn nghĩ con gái thường thích khóc hơn con trai. Thế nên, khi thấy con trai hay khóc, một số người thường nhận xét “đây là một cậu bé mít ướt”.