Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Trường ĐH Luật Hà Nội kỷ niệm 45 năm thành lập

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh trao bằng khen cho các đơn vị.

Phát biểu khai mạc, TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nói: “Ngày này cách đây đúng 45 năm trước những yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn xây dựng và phát triển đất nước, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 405-CP về việc thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trên cơ sở thống nhất Khoa Pháp lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lý. Trụ sở của trường đặt tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình.

Tại Lễ khai giảng đầu tiên vào ngày 7/3/1980, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giao nhiệm vụ cho Trường: “Chúng ta phải cùng nhau xây dựng Trường Đại học Pháp lý Hà Nội thành một trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý, trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”.

Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, trong hành trình 45 năm qua, với truyền thống đoàn kết, thống nhất và tinh thần cống hiến, phụng sự, không ngừng đổi mới của các thế hệ thầy và trò, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, nhất là trong việc đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao cho Bộ, ngành Tư pháp nói riêng và cả nước nói chung”.

Nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, sinh viên của trường đã và đang được giao đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị.

TS. Đoàn Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội phát biểu khai mạc.

Nhiều người trở thành những thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên giỏi; nhiều người trở thành những luật sư, công chứng viên, chấp hành viên, trọng tài viên, đấu giá viên tài năng; nhiều người trở thành những doanh nhân thành đạt, trở thành những nhà giáo có uy tín, có học hàm, học vị.

Nhiều công trình, đề tài nghiên cứu khoa học pháp lý các cấp đã được nhà trường thực hiện thành công, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Với những kết quả đạt được, nhà trường đã nhiều lần vinh dự đón nhận những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao cho.

TS. Đoàn Trung Kiên nói thêm, có được những “quả ngọt” như ngày hôm nay, thay mặt Nhà trường, trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp; sự phối hợp, hỗ trợ quý báu của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương nơi Nhà trường đóng trụ sở hoặc tổ chức đào tạo.

Đặc biệt là công lao “vun trồng” của biết bao thế hệ thầy, cô đi trước, những người đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn để cống hiến cả tuổi thanh xuân, dành hết công sức, thời gian, trí tuệ, niềm đam mê giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần tạo nên truyền thống vô cùng đáng tự hào.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh gửi lời chúc mừng thầy và trò Trường ĐH Luật Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị nhà trường cần tiếp tục kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng đã đưa ra các nhiệm vụ mà nhà trường cần thực hiện: tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các bậc, hệ đào tạo, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra trong Đề án xây dựng Trường ĐH Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Về phía Bộ Tư pháp, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Nhà trường hoàn thành mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động, tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, giảng viên của Trường ĐH Luật Hà Nội vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Khẩn trương nghiên cứu đổi mới phương thức quản lý, quản trị đào tạo, gắn với đổi mới phương pháp, nội dung, chương trình đào tạo, lấy người học làm trung tâm, công tác đào tạo phải gắn với nhu cầu của xã hội, lý luận phải gắn liền với thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực tự học, tự nghiên cứu của học viên, sinh viên, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới;

Xây dựng môi trường giáo dục, điều kiện học tập lành mạnh; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng về truyền thống và lý tưởng cách mạng; giáo dục học viên, sinh viên về đạo đức, lối sống, về sống có hoài bão, có lý tưởng và có ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, xã hội, gia đình, tạo sự lan tỏa sâu rộng, tích cực đến công tác đào tạo pháp luật của cả nước;

Chú trọng công tác thu hút, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ động bố trí cán bộ, giảng viên và sinh viên đi thực tế ở các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực và kinh nghiệm thực tiễn.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học pháp lý gắn với nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường chất lượng, số lượng các sản phẩm khoa học và công bố quốc tế. Tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tham gia vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật;

Nhà trường cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học; đẩy nhanh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; phát triển giáo dục số, giáo dục thông minh, giáo dục sáng tạo, đáp ứng xu thế phát triển của trí tuệ nhân tạo. Phát triển các phương thức đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, phát triển học liệu mở trực tuyến.

Tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế để phát triển các Chương trình đào tạo mới, tiên tiến, tiệm cận với trình độ của khu vực và quốc tế, các chương trình liên kết đào tạo, đào tạo bằng tiếng Anh ở các bậc, hệ;

Tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đại học trực thuộc Bộ Tư pháp; ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập; hoàn thành đầu tư xây dựng Cơ sở 2 tại Bắc Ninh theo kế hoạch để đưa vào sử dụng trong năm 2025.

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục quan tâm, phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Nhà trường hoàn thành mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật như Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời, chủ động, tích cực huy động sự tham gia của đội ngũ chuyên gia, giảng viên của Trường ĐH Luật Hà Nội vào công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Liêm Anh

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây