Trí tuệ nhân tạo sẽ mang đến cuộc cách mạng trong giáo dục
- Thứ tư - 13/11/2024 00:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thuộc danh sách những cuốn sách hay nhất năm 2024 (tính đến thời điểm này) trên Amazon, “Nền giáo dục mới can đảm” của tác giả Salman Khan mang đến những phân tích sâu sắc về các công cụ công nghệ giáo dục và cách chúng sẽ chuyển đổi việc dạy và học như thế nào.
Cuốn sách “Nền giáo dục mới can đảm” của tác giả Salman Khan. Ảnh: H.Y
Thay vì những lo lắng, e ngại trước sự “bùng nổ” của AI, tác giả Salman Khan khẳng định AI có thể mang đến bước ngoặc trong giáo dục: “Nếu được sử dụng đúng cách, nó sẽ tác động tích cực đến cách giáo viên lập kế hoạch, hướng dẫn và chấm điểm. Bằng cách đưa AI vào lớp học, các nhà giáo dục có thể giải quyết các vấn đề cố hữu trong giáo dục mà chúng ta chưa thể giải quyết bằng công nghệ và tài nguyên hiện có. AI có thể thúc đẩy học tập trên toàn cầu và thậm chí đưa chúng ta đến gần hơn với việc hiện thực hóa một thế giới mà mọi người trên Trái đất đều có quyền truy cập vào hình thức học tập đẳng cấp thế giới với chi phí phải chăng”.
Tại buổi tọa đàm ra mắt sách “Nền giáo dục mới can đảm” được Omega Plus tổ chức tại Hà Nội ngày 12-11, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc AI có thể thay thế con người? Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, trong lĩnh vực giáo dục, AI không phải là công cụ thay thế giáo viên mà là công cụ hỗ trợ, là người trợ lý thông thái giúp giáo viên thực hiện các công việc của mình hiệu quả hơn.
Buổi tọa đàm ra mắt sách “Nền giáo dục mới can đảm”.
Tương tự, đối với sự lo lắng của các bậc phụ huynh về thành công của con em mình, cuốn sách “Nền giáo dục mới can đảm” đưa ra những minh họa cách AI có thể cá nhân hóa việc học bằng thích ứng với tốc độ và phong cách riêng của từng học sinh, nhận diện điểm mạnh và điểm cần cải thiện, đồng thời, cung cấp hỗ trợ và phản hồi phù hợp để bổ sung cho giáo dục truyền thống. Bởi vậy, việc áp dụng AI trong giáo dục không nhằm thay thế tương tác con người mà là tăng cường nó thông qua các công cụ học tập tùy chỉnh và dễ tiếp cận, khuyến khích kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo và chuẩn bị cho học sinh bước vào một thế giới ngày càng số hóa.
“Nền giáo dục mới can đảm”, ngay từ tên cuốn sách, đã như lời “cảnh tỉnh” rằng để tận dụng AI cũng đòi hỏi một chút sáng tạo và sự can đảm mà tác giả Salman Khan gọi là “lòng dũng cảm có tri thức”. Trong nền giáo dục mới can đảm ấy, chúng ta phải vượt qua chứng sợ hãi công nghệ, tận dụng công nghệ để khai thác những điều tốt đẹp nhất mà công nghệ có thể mang lại.
Với gần 250 trang, cuốn sách được chia thành 9 phần: “Sự trỗi dậy của gia sư AI”, “Trao tiếng nói cho khoa học xã hội”, “Trao quyền cho những nhà sáng tạo kế tiếp”, “Cùng nhau tốt hơn”, “Bảo vệ trẻ em”, “Dạy học trong thời đại AI tạo sinh”, “Lớp học toàn cầu, “AI, đánh giá và tuyển sinh”, “Công việc và những điều tiếp theo” với những bài viết không chỉ nói về công nghệ mà còn về ý nghĩa sâu xa của công nghệ cũng như các khía cạnh đạo đức và xã hội khi sử dụng AI trong giáo dục.
Không chỉ là lời hiệu triệu hành động đối với giáo viên, người học và phụ huynh, cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý - hoạch định chính sách giáo dục, các cố vấn nghề nghiệp và tất cả những ai quan tâm đến giáo dục.
Tác giả Salman Khan là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Khan Academy, một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh cung cấp chương trình giáo dục miễn phí, chất lượng hàng đầu thế giới cho bất kỳ ai, ở bất cứ đâu. Trên toàn thế giới, Khan Academy có hơn 150 triệu người dùng đã đăng ký tại 193 quốc gia, với các bài học miễn phí bằng 50 ngôn ngữ. Hiện, Khan Academy đang thử nghiệm một AI gia sư mang tên Khanmigo.
Tại Việt Nam, Khan Academy cũng đã “khởi động”, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam đứng thứ ba trên thế giới trong sử dụng Khan Academy tại học đường với hơn 1 triệu người dùng.
Hạ Yến