Ông Vũ Trọng Kim: 'Bộ, ngành hiện nay còn ôm đồm, làm thay địa phương'
- Thứ sáu - 29/11/2024 05:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị..
Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim về nội dung này.
Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim
PV: Nhìn vào tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay, ông có những đánh giá như thế nào?
Ông Vũ Trọng Kim: Qua quá trình đổi mới 40 năm, chúng ta đã từng bước đổi mới, trong đó có đổi mới về tổ chức bộ máy. Qua các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và những kết luận của Bộ Chính trị, chúng ta đã làm được một số việc cũng khá quan trọng. Tuy nhiên, bộ máy vẫn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian, chức năng, nhiệm vụ chưa phân biệt rõ ràng. Cho nên nhiều cơ quan làm cùng một việc gây ra sự trùng lắp, chồng chéo, thậm chí có việc chờ đợi, đùn đẩy, chưa quan tâm đúng mức đến các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong lúc họ rất cần những công việc cụ thể.
Bộ, ngành nói chung hiện nay còn ôm đồm làm thay địa phương, cũng có việc bỏ sót nhiệm vụ; có nhiệm vụ không ai chịu trách nhiệm, kiểm tra thì có tới 3 - 4 bộ đều quản lý nhưng mà bộ nào là chính, bộ nào chịu trách nhiệm thì không rõ.
Tôi thấy Chính phủ cũng cố gắng phân cấp, phân nhiệm từ đầu năm 2022 nhưng hiệu quả vẫn chưa rõ rệt. Cho nên phân cấp, phân nhiệm bây giờ phải đi vào cụ thể, rõ ràng để cho địa phương chủ động, chứ hiện nay địa phương không dám làm, cán bộ thì sợ sai.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà cho nên dân khổ sở, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước họ muốn đầu tư cái gì thì lại mất thời gian dài, mà mất thời gian là mất đi cơ hội. Có khi việc đó chỉ mất vài tháng thôi nhưng họ phải mất vài năm, phải qua hàng chục con dấu, hàng chục chữ ký của cơ quan từ dưới lên. Cho nên tâm lý của họ chán nản, thậm chí bỏ không đầu tư nữa.
Việc ôm đồm, làm thay như thế cũng gây ra sự nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí đòi bôi trơn, rồi tham nhũng, lãng phí xảy ra.
PV: Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả". Cá nhân ông ông cảm nhận được thông điệp gì qua bài viết này của Tổng Bí thư?
Ông Vũ Trọng Kim: Qua bài viết rất quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm, tôi cảm nhận được rằng đây là một điều rất phấn khởi và mới mẻ. Ở đây cho chúng ta thấy thông điệp đổi mới căn bản, cụ thể là phải quyết liệt đổi mới tổ chức bộ máy để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, nhiệm vụ mới của đất nước ta, đưa dân tộc phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Đây là thông điệp rất mạnh mẽ, thực hiện đổi mới tư duy một cách toàn diện. Nó phản ánh bức tranh thực tế khách quan của hệ thống chính trị nước ta hiện nay còn vướng nhiều vấn đề cơ chế chính sách, thậm chí cơ chế chính sách nó là điểm nghẽn của nhiều điểm nghẽn khác.
Chúng ta cần giải quyết vấn đề cán bộ, về tổ chức bộ máy. Đó là phải tiến hành một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, cho dù có khó khăn, có cản trở, thậm chí có sự phản kháng cũng phải làm cho được.
PV: Trên nghị trường Quốc hội, khi thảo luận về vấn đề này, ông cũng đã rất thẳng thắn nhận định rằng: Có những bộ nếu có thể tinh giản đến 30 – 40% nhân lực thì cũng không ảnh hưởng gì. Rõ ràng, đây là một câu chuyện mà chúng ta phải hết sức nghiêm túc?
Ông Vũ Trọng Kim: Một đồng chí Bộ trưởng từng nói với tôi điều này, họ nói bộ của họ nếu giảm 30 – 40% biên chế thì cũng không hề hấn gì cả. Đó là một thực tế mà chúng ta phải khơi dậy tinh thần tự giác và tinh thần phải có trách nhiệm chung để giải quyết vấn đề này.
Nếu chúng ta không làm tốt vấn đề này thì hệ lụy rất nghiêm trọng. Chủ trương có rồi, nghị quyết, kết luận cũng có rồi, bây giờ cần phải kiểm điểm lại xem như thế nào.
PV: Với bộ máy cồng kềnh như thế này thì có lẽ những mục tiêu về cải cách tiền lương sẽ khó đạt được, thưa ông?
Ông Vũ Trọng Kim: Tiền lương chiếm 70% ngân sách quốc gia, như thế là đầu tư phát triển chỉ còn 30%. 30% thì ít quá, ngân sách quốc gia khó mà cân đối, khó đầu tư vào những dự án, chương trình cần thiết nhất.
Về cải cách tiền lương, vừa rồi chúng ta cũng đặt ra chủ trương này nhưng e rằng khó làm được. Chúng ta mới nâng mức lương cơ sở lên 2.340.000 đồng, như vậy là có tăng lên được một ít, tức là 30%. Lương cơ sở tăng 30 %, trong khi đó giá cả sinh hoạt cũng đã tăng lên rồi. Để cải thiện đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc thì chúng ta phải tăng lên gấp đôi, gấp ba lần lương hiện nay thì mới có thể giải quyết được.
Hệ lụy ở đây là con người, con người phải yên tâm thì mới làm được việc. Cho nên điều quan trọng là vị trí việc làm đã xác định rồi thì phải trả lương theo vị trí việc làm, theo cống hiến, đóng góp của họ chứ không phải là vấn đề cào bằng. Nhất là vấn đề “nhàn rỗi” của một số cán bộ, có người làm không hết việc nhưng vẫn có người ngồi chơi, tình trạng này hơi nhiều, như một vị Bộ trưởng nói với tôi là giảm 30 - 40% nhân lực cũng không sao. Cho nên chúng ta cần phải quyết liệt như một cuộc cách mạng trong vấn đề này.
PV: Theo ông, chúng ta cần những giải pháp quyết liệt như thế nào để có thể tinh gọn bộ máy, đúng như nhan đề của bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả”?
Ông Vũ Trọng Kim: Bài viết của Tổng Bí thư rất sâu sát với đời sống thực tại hiện nay. Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra là bây giờ phải tổng kết, đánh giá 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương, công tác đổi mới tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả trong công việc như thế nào, phải làm rõ vấn đề này.
Từ đó chúng ta phải mạnh dạn đưa ra một mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nước ta. Trong hệ thống chính trị, điều quan trọng là phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Hệ thống của chúng ta gồm có Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các đoàn thể, theo cơ chế vận hành là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Trên tinh thần đó chúng ta phải xem lại, kết hợp lại xem sự liên thông giữa các cơ quan có điều gì giống nhau và có thể gắn kết với nhau cùng một nhiệm vụ để tránh chồng chéo, trùng lặp. Những nơi nào còn chồng chéo, trùng lặp thì có thể sáp nhập. Cần phải đặt vấn đề giảm nội bộ của một đơn vị thì cấp cục, vụ thế nào thì cũng phải xem xét lại.
Việc này không chỉ làm ở cấp xã, ở huyện, quận mà Trung ương phải gương mẫu. Trung ương và các tỉnh, thành phố cũng phải tiến hành một cách mạng đồng bộ, toàn diện.
PV: Xin cảm ơn ông!
PV/VOV.VN