Nâng cao chất lượng giáo dục và môi trường cho học sinh
- Thứ năm - 28/11/2024 16:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hơn 8.000 em học sinh được tiếp cận với môi trường học giáo dục chất lượng công bằng và toàn diện.
Hơn 8.000 học sinh được hưởng lợi từ dự án
Đây là một trong những dự án được Tổ chức Taiwan Fund for Children and Families (TFCF) tài trợ và được Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam, Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện từ năm 2021 đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo thông tin từ Ban tổ chức dự án “Xây dựng trường học an toàn và chất lượng cho trẻ em quận Bình Tân” được bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2021 theo phê duyệt của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tại Quyết định số 740/QĐ-UBND. Dự án hướng đến mục tiêu tổng thể là trẻ em trên địa bàn quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận giáo dục chất lượng và môi trường học tập an toàn, hòa nhập.
Sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã trao tặng và lắp đặt 234 máy tính; 3 hệ thống lọc nước bằng năng lượng mặt trời; thiết lập 3 phòng tư vấn tâm lý cho học sinh; hỗ trợ hơn 3.300 đầu sách tham khảo cho các thư viện xanh trong các trường tham gia chương trình; hỗ trợ 120 suất học bơi cho học sinh; trang bị tủ sách, kệ sách, dù che nắng để xây dựng mới 1 thư viện xanh ngoài trời; 2 hệ thống lưới lan che sân trường, 45 bộ bàn ghế, sửa chữa nhà vệ sinh cho học sinh quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, dự án đã nghiên cứu về nhu cầu tư vấn tâm lý học đường, hỗ trợ học sinh và giáo viên các trường tham gia dự án thiết lập và xây dựng các góc tham vấn tâm lý cho các em, góp phần xây dựng trường học ở Bình Tân thành các trường học an toàn và hạnh phúc.
Chia sẻ về quá trình tham gia dự án, em Lê Thị Minh Anh, học sinh Trường tiểu học Kim Đồng cho biết: “Trước đây, dù ở trường hay ở nhà con ngại nói với bố mẹ, thầy cô và các bạn về khó khăn của con. Khi tham gia dự án các thầy cô hướng dẫn con và các bạn kỹ năng giao tiếp và bình tĩnh giải quyết vấn đề. Con cũng được học cách trao đổi với các bạn cùng lớp, cùng trường, con và các bạn học về bạo lực trong trường học, bạo lực trên mạng để phòng tránh. Con được tham gia nhiều hoạt động và luyện tập nhiều nên đã mạnh dạn và cởi mở hơn. Mỗi ngày đến trường bây giờ với con đều rất vui”.
Ghi nhận về những kết quả dự án mang lại cho trẻ em trên địa bàn bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bình Tân nhấn mạnh: Dự án đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em quận Bình Tân một cách thực chất, với các hoạt động hỗ trợ cả phần cứng và phần mềm.
Theo bà Dung, quận Bình Tân có hơn 800.000 dân, rất nhiều trong số đó là người nhập cư, địa phương luôn có nhu cầu cấp thiết phải xây dựng trường học. Dự án đã hỗ trợ hơn 8.000 em học sinh hưởng lợi vì đã góp phần hỗ trợ các trường trong địa bàn tham gia dự án trở thành trường học an toàn và hạnh phúc.
“Chúng tôi ghi nhận đóng góp của dự án vào việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4 về bảo đảm giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người mà Liên hợp quốc đã khởi xướng và Việt Nam đã tích cực tham gia”, bà Dung nhấn mạnh.
Thông qua các tác động của dự án, trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chương trình hoạt động sẽ được bảo đảm một môi trường học tập an toàn và hòa nhập.
Lan tỏa những giá trị tích cực
Chia sẻ về ý nghĩa của dự án, ông Bùi Bá Bình Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ hỗ AFV cho rằng: Ở Việt Nam, bệnh tâm thần vẫn bị xã hội kỳ thị và thường được bí mật giấu diếm điều trị dẫn đến trẻ em và những người trẻ tuổi dễ bị tổn thương và không được hỗ trợ. Khoảng trống trong việc giải quyết vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em bắt nguồn từ việc thiếu nhận thức nghiêm trọng của cộng đồng đối với sự phát triển của trẻ em và chứng rối loạn tâm thần, chính sách, vận động không hiệu quả đi kèm với sự thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ và phù hợp để xây dựng và thực hiện chương trình.
Theo ông Bình dự án thúc đẩy mục tiêu số 4 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của thế giới cho giai đoạn 2015-2030 do Đại hội đồng Liên hợp quốc đề ra, và được các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam thông qua. Dự án nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng, và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Thông qua các tác động của dự án, trẻ em và thanh thiếu niên, đặc biệt là trẻ em thuộc các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, chương trình hoạt động sẽ được bảo đảm một môi trường học tập an toàn và hòa nhập. Trong đó, các em được phát triển tối đa tiềm năng của mình, bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng. Ngoài ra các em sẽ được tham gia vào quá trình ra quyết định, để mong muốn, ưu tiên và quyền của trẻ em trở thành một phần tất yếu trong các chính sách, chương trình và quyết định công.
“Sau ba năm thực hiện, dự án đã có rất nhiều đóng góp cho các trường trong việc hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập giúp các em học sinh có điều kiện học tập tốt hơn. Đặc biệt dự án đã thiết lập được 3 phòng tư vấn học đường với đội ngũ 18 giáo viên được các chuyên gia tâm lý đào tạo bài bản, cùng 30 em học sinh nhóm nòng cốt được đào tạo và cung cấp các công cụ tư vấn đặc thù nhưng dễ sử dụng, dễ tiếp cận, nhờ đó học sinh trong trường đã tin tưởng và đến phòng tư vấn nhiều hơn, các em xem phòng tư vấn là địa chỉ tin cậy để chia sẻ mọi khó khăn, buồn vui mà các em gặp trong học tập và cuộc sống. Nhờ vậy, chất lượng học tập của các em được cải thiện, các em đến lớp, đến trường đầy đủ, không còn hiện tượng bỏ học, hoặc bạo lực trong trường học”, ông Bình nhấn mạnh.
Hiện nay, phòng tư vấn tâm lý học đường đã trở thành địa điểm tin cậy hằng ngày của rất nhiều học sinh, cha mẹ học sinh và các giáo viên. Với việc đầu tư về cơ sở vật chất, các khóa tập huấn kỹ năng, tâm lý học đường không chỉ giúp cho học sinh mà cả các thầy cô giáo và cha mẹ học sinh có một môi trường học tập chia sẻ cởi mởi hơn. Từ đó đã góp phần xây dựng nên mô hình trường học an toàn và chất lượng cho rất nhiều trẻ em thiệt thòi.
PHÚC HUY