Khích lệ phong trào học tập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
- Thứ hai - 11/11/2024 14:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga nhấn mạnh, để phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong các nhà trường, nhất là trường có học sinh dân tộc thiểu số, dân tộc nội trú.
Ngành thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, ý thức, pháp luật và sự quyết tâm học tập, rèn luyện cho học sinh, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngay từ bậc học phổ thông và thích ứng với sự phát triển trong giai đoạn mới.
Đồng thời, ngành cần tăng cường các giải pháp để phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, năng khiếu ở các vùng, miền, ngành học, bậc học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, miền núi; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là các thầy, cô giáo là người dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Thị Kim Nga cũng đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; quan tâm đến các chính sách đối với giáo viên, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kịp thời động viên, khích lệ phong trào học tập trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Hệ thống mạng lưới, cơ sở vật chất, trường, lớp được đầu tư phát triển rộng khắp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; trường học thuộc các xã vùng dân tộc, miền núi cơ bản được kiên cố hóa. Đội ngũ thầy giáo, cô giáo cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; trật tự, kỷ cương trong nhà trường được nâng cao và đảm bảo.
Trao Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho các học sinh dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Năm học 2023-2024, Vĩnh Phúc có 15 thầy, cô giáo là người dân tộc thiểu số đạt thành tích giáo viên giỏi cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh; 88 học sinh dân tộc thiểu số đạt giải quốc gia, cấp tỉnh các môn học; 89 em đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố; nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện.
Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có hơn 55.000 người (chiếm 4,8%), chủ yếu là dân tộc Sán Dìu, Dao, Cao Lan…
Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh công tác chăm lo đời sống người dân đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép thực hiện chính sách dân tộc với các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng dành ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, gia đình chính sách; hỗ trợ học phí cho con em người dân tộc thiểu số; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt…
Trao Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho 5 giáo viên dân tộc thiểu số tiêu biểu. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Tại lễ tuyên dương, tỉnh Vĩnh Phúc tôn vinh, khen thưởng 15 giáo viên, 138 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua học tập tốt, rèn luyện tốt năm học 2023 - 2024.
Nguyễn Thảo (TTXVN)