Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Khi Gen Z la cà trên mạng - Bài cuối: Cách nào không lạc lối trong thế giới ảo?

Chậm lại để không tiếp tay cho điều xấu

TS Nguyễn Nga Huyền - giảng viên Trường Quản trị và Kinh doanh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, chưa có một nghiên cứu nào khái quát được thực trạng sử dụng mạng xã hội của giới trẻ, cũng như chưa thể khẳng định giới trẻ hiện nay chủ yếu tiếp nhận thông tin nông nhưng không sâu, hay dễ bị đồng hóa bởi AI. Tuy nhiên, có những câu chuyện, ví dụ cho thấy một bộ phận giới trẻ sử dụng mạng xã hội nói chung còn theo trào lưu, thiếu những kỹ năng chọn lọc thông tin và chưa nhận thức được về văn hóa ứng xử.

Người trẻ cần vững bản sắc để không bị đồng hóa bởi mạng xã hội, AI

Không hiếm để chúng ta bắt gặp những ngôn từ thiếu lành mạnh, mang tính bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một cá nhân nào đó đến từ các bạn trẻ. Chúng ta dễ dàng thấy những hiện tượng “đòi hỏi” đãi ngộ có phần ảo tưởng trong công việc của những ứng viên mới ra trường. Chúng ta không còn xa lạ khi thấy một bình luận khẳng định chắc nịch một sự thật gì đó dưới một bài viết mà thậm chí chính tác giả còn mơ hồ về tình huống, diễn biến của một sự việc đó.

Thực tế, nếu giới trẻ quan tâm đến những vấn đề thời sự, những chuyện ảnh hưởng đến cộng đồng… thì đó là tín hiệu đáng mừng, bởi nó cho thấy họ không thờ ơ, lãnh đạm trước những mối quan tâm chung của xã hội. Tuy nhiên, biết đến đâu là đủ, biết rồi thì cần làm gì, làm thế nào cho đúng… là điều mà giới trẻ cần quan tâm, để “sự biết” đó không chỉ dừng lại ở bề mặt, mà phải cố gắng nắm được bản chất của mỗi sự kiện, câu chuyện một cách khách quan đa chiều, rút ra bài học giá trị cho bản thân, từ đó điều hướng nhận thức, thái độ, hành vi đến những điều đúng đắn và nhân văn.

Mạng xã hội tạo ra một cơ chế tương tác quá dễ dàng đã khiến cho nhiều bạn trẻ ngộ nhận về giá trị thực sự của bản thân. Nó là nơi cho đi lời khen cũng như lời phán xét ai đó rất nhanh và trực diện. Nó là nơi mang đến cho bạn quá nhiều thông tin và thậm chí “níu” đôi mắt của bạn lại không rời màn hình, bởi thuật toán liên tục giới thiệu những chủ đề bạn quan tâm.

“Mạng xã hội khiến cho bạn chìm vào một thế giới thông tin (mà đa phần được tạo ra bởi các cá nhân) có tính chất: ngắn, nhanh, visual và lôi cuốn. Do đó, nó đẩy cảm xúc của bạn cuốn theo các tình tiết, và không để bạn có thời gian dành cho việc suy nghĩ, cân nhắc, phản biện”, TS Huyền nói.

Theo nữ chuyên gia báo chí - truyền thông, để giới trẻ trở lại cuộc sống thực, không có cách nào khác, họ cần bớt sống trên không gian ảo và sống ở thế giới thực nhiều hơn. Thay vì lướt mạng, các bạn trẻ có thể đọc nhiều sách hơn. Thay vì bình luận ở trên mạng, các bạn có thể gặp mặt trực tiếp bạn bè, người thân quen của mình để nói chuyện với nhau một cách tập trung nhất.

“Các bạn trẻ nên cân nhắc “chậm lại”. Chậm lại trước khi tương tác trên mạng xã hội, nghĩ xem đây có là điều đáng được chia sẻ. Chậm lại trước khi khẳng định điều gì đó mà bạn chưa chắc chắn hoàn toàn. Chậm lại trước khi buông lời phán xét một ai đó. Chậm lại trước khi vô tình “tiếp tay” cho những điều xấu lan tỏa…”, TS Huyền khuyến cáo.

Hình thành một bản thể có chiều sâu, vững bản sắc

Theo TS Nguyễn Tuấn Anh- chuyên gia Tâm lý học về Thanh thiếu niên, Viện Nghiên cứu Thanh niên, bản sắc cá nhân là một quá trình liên tục tự hoàn thiện, xây dựng và định hình thông qua trải nghiệm, niềm tin và những giá trị sống. Trong môi trường số hóa hiện nay, quá trình này dần trở nên phức tạp bởi giới trẻ không chỉ xây dựng bản sắc cho riêng mình mà còn chịu ảnh hưởng từ các hình mẫu và tiêu chuẩn văn hóa số. Từ đó, bản sắc không còn là sự lựa chọn cá nhân, mà là một dạng phản ánh, đáp ứng nhu cầu của số đông, thậm chí bị điều khiển bởi những giá trị ảo và áp lực vô hình.

Mạng xã hội đang có tác động khách quan làm mờ nhạt đi bản sắc của mỗi bản thể. Môi trường ảo thúc đẩy việc tạo dựng hình ảnh cá nhân, nhưng đồng thời dễ tạo ra áp lực từ “hào quang ảo” - một lớp vỏ bọc hoàn hảo mà nhiều người cố gắng xây dựng để thu hút sự chú ý.

Trong không gian ảo, mọi thứ diễn ra với tốc độ chóng mặt và mang tính chất kích thích cảm xúc cao. Những nội dung gây sốc, tranh cãi hoặc nổi bật có thể làm mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến các phản ứng tiêu cực như tức giận, đố kỵ, hay thất vọng. Vì vậy, người trẻ dễ chạy theo để thanh minh, cố chứng minh cho những giá trị ảo ấy, hay nói cách khác là làm thỏa mãn “cái tôi ảo”, khiến người khác nể phục mình.

Theo TS Tuấn Anh, muốn lui lại sau “lưới ảo” để điều hướng nhận thức tới giá trị nhân văn, trước tiên, cần giáo dục về quản trị cảm xúc, giúp họ nhận biết và kiểm soát cảm xúc của mình trước các kích thích từ mạng xã hội. Việc làm chủ cảm xúc không chỉ giúp họ bảo vệ sức khỏe tâm lý mà còn giúp họ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn, tránh xa những luồng thông tin xấu, bảo vệ bản thân trước áp lực của “văn hóa loại trừ” (cancel culture) hay các xu hướng đám đông.

“Thế hệ gen Z cần được khuyến khích tìm hiểu những vấn đề phức tạp, dành thời gian cho việc học hỏi và khám phá một cách có hệ thống qua sân chơi do tổ chức Đoàn, Hội tổ chức như hội thảo khoa học sinh viên, cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sáng tạo trên nền tảng số… nhằm hình thành tư duy liên kết tri thức với nhu cầu xã hội”, vị chuyên gia tâm lý nói thêm.

CHÂU LINH

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây