Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Đại học phản ứng trước dự kiến siết xét tuyển sớm: Vì quyền lợi người học hay vì chỉ tiêu?

Dự thảo giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu, điểm chuẩn không thấp hơn đợt thường của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn đúng đắn, đặt quyền lợi của người học là trên hết.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Dự thảo này có nội dung đáng chú ý: "Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 18 như sau: "1. Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung."

Sau khi dự thảo này được công bố, chia sẻ với truyền thông, nhiều trường đại học phản ứng trước dự định giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu, điểm chuẩn không thấp hơn đợt thường của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bởi vì quy định này được cho là gây ra nhiều rào cản bất hợp lý, khó khả thi.

Theo đó, giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu và các trường không được gọi vượt số này.

Về nội dung này có những rào cản như sau: Hiện nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, gọi số trúng tuyển nhiều hơn khoảng 0,5-2 lần để có thể tuyển đủ (hoặc thừa) chỉ tiêu.

Nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung (thường vào tháng 7), gây hỗn loạn, dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu.

Khi các trường không được gọi trúng tuyển sớm nhiều như trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn.

Tuy vậy, một giáo viên bậc trung học phổ thông nêu quan điểm, thứ nhất, vào thời điểm tháng 3 của năm học, rất nhiều học sinh sau khi biết kết quả trúng tuyển sớm vào các các trường đại học thì lại sao nhãng việc học tập. Điều này khiến giáo viên chủ nhiệm, giáo bộ môn rất vất vả trong khâu quản lí và dạy học.

Không ít học sinh đến trường chỉ để học cho hết chương trình, vì hạnh kiểm chứ không phải để tiếp thu kiến thức. Một số học sinh ý thức kém còn nghịch phá bạn bè, thầy cô khiến lớp học lộn xộn. Có học sinh đi thi tốt nghiệp chỉ cần khỏi bị điểm liệt là đỗ, nên mới có chuyện đánh "lụi" các phương án trắc nghiệm chỉ trong vài ba phút rồi ngủ trong phòng thi.

Ngoài ra, những học sinh đã trúng tuyển đại học do được xét tuyển sớm sẽ có sự tác động tâm lí đến những em xét tuyển theo phương thức lấy kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thứ hai, việc các trường đại học công bố chỉ tiêu xét tuyển sớm dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, và tỉ lệ thí sinh ảo khó có căn cứ để xác minh. Ví dụ, một trường có 200 chỉ tiêu ngành Công nghệ thông tin và cần xét tuyển sớm 100 chỉ tiêu. Vậy căn cứ nào để đưa ra con số 100 này mà không phải là ít hoặc nhiều hơn?

Thứ ba, vì nhiều trường chưa xác định được chỉ tiêu tiểu sinh nên thường nâng chỉ tiêu vô tội vạ so với nhu cầu thực tế. Và khi trường đã tuyển đủ chỉ tiêu xét tuyển sớm rồi thì không còn chỉ tiêu cho các trường hợp khác nữa, hoặc lấy điểm chuẩn "phi mã" như đã từng xảy ra ở kì tuyển sinh đại học các năm qua.

Nhìn chung, nhiều trường đại học phản ứng trước dự định giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu là vì chỉ tiêu chứ chưa vì quyền lợi của người học. Có thể khẳng định, dự thảo giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu, điểm chuẩn không thấp hơn đợt thường của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn đúng đắn, đặt quyền lợi của người học là trên hết.

Phan Anh

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây