Tầm nhìn dài hạn tác động tới hành vi người tiêu dùng
- Thứ ba - 12/11/2024 07:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Giảm sứctiêu thụ và gánh nặng bệnh tật
Theo WHO, đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống không cồn có chứa đường tự do. Đường dạng lỏng trong đồ uống có đường/nước giải khát có đường, bao gồm: Glucose và fructose được hấp thụ rất nhanh, trực tiếp vào máu không qua chuyển hóa như đường dạng rắn nên cơ thể không kịp ghi nhận lượng calo đã dung nạp để gửi tín hiệu no đến não bộ; do vậy, người sử dụng không có cảm giác no và vẫn tiếp tục dung nạp.
Việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây. Nguồn: ITN
Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường/nước giải khát là một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân béo phì. Đồng thời, làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa và các bệnh không lây nhiễm khác như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, hội chứng chuyển hóa và bệnh gan.
Cùng với đó, tiêu thụ nhiều đồ uống có đường/nước giải khát có đường là nguyên nhân chính gây ra sâu răng và các bệnh về răng miệng, tác động xấu đến sức khỏe của xương, đặc biệt, gây nguy cơ tử vong do liên quan tới bệnh tim mạch và ung thư hoặc nguyên nhân bất kỳ.
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Theo số liệu của Euromonitor 2023, tổng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng nhanh từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023 (tăng 420%). Tiêu thụ tính trên đầu người cũng tăng nhanh tương ứng, từ mức 18 lít/người năm 2009, lên 66 lít/người năm 2023 (tăng 350%).
Mức tiêu thụ đồ uống có đường được dự báo sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tiếp theo.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) theo khuyến cáo của WHO và cao gần gấp đôi so với ngưỡng đường có lợi cho sức khỏe là nhỏ hơn 25g/ngày (cho một người trưởng thành có khẩu phần 2.000 Kcal/ngày). Mức tiêu thụ này được dự báo sẽ ngày càng gia tăng trong những năm tiếp theo.
Cân nhắc lợi ích áp thuế tiêu thụ đặc biệt
Nhằm bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách, trong đó có chính sách về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Song, vẫn còn những khoảng trống nhất định. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần cân nhắc về chính sách, quy định bắt buộc về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường/nước giải khát có đường.
Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), hiện Bộ Tài chính đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam, với hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Trong dự thảo này, nước giải khát có đường là mặt hàng mới được bổ sung vào diện chịu thuế với thuế suất TTĐB dự kiến 10%, nhằm đối phó với tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng tại Việt Nam hiện nay.
Việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây.
WHO lưu ý, thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ 10% trên giá xuất xưởng có tác động rất khiêm tốn đến giá bán lẻ của đồ uống có đường (khoảng 5%); do đó, tác dụng giảm mức tiêu thụ đồ uống có đường cũng rất khiêm tốn. Tuy nhiên, việc áp dụng thành công thuế TTĐB với sản phẩm này sẽ là yếu tố quan trọng, cung cấp cơ chế để theo dõi mức tiêu thụ và để xây dựng các phương án thuế với đồ uống có đường hiệu quả hơn trong tương lai.
Trên cơ sở đó, WHO khuyến nghị, Bộ Tài chính xem xét đưa ra một lộ trình tăng thuế suất TTĐB đến năm 2030 là 40% giá xuất xưởng để giá bán lẻ các sản phẩm đồ uống có đường tăng thêm 20% (theo giá thực đã tính đến lạm phát) nhằm giảm khả năng chi trả đối với các sản phẩm này.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính đến 8.2023 đã có 117 quốc gia áp thuế đối với đồ uống có đường, trong số này, có 104 quốc gia áp thuế TTĐB trên toàn quốc. Áp thuế đồ uống có đường được chứng minh là chính sách hiệu quả nhất, tiết kiệm chi phí; bởi áp dụng chính sách này sẽ có tác động đến người tiêu dùng, làm tăng giá dẫn đến giảm tiêu thụ thực phẩm không lành mạnh và khuyến khích sử dụng thực phẩm lành mạnh.
Hải Yến