Nhập viện sau 15 phút nhờ người nhà tiêm thuốc vào tay
- Thứ năm - 28/11/2024 14:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Người phụ nữ 54 tuổi (trú tại xã Mỹ Thuận, Tân Sơn, Phú Thọ) được đưa vào Trung tâm y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng tức ngực, kích động.
Trước đó, bệnh nhân đã được người nhà có chuyên môn y tế tiêm 1 lọ thuốc Neutrivit 5000mg vào vùng bắp tay. Sau tiêm, bà đau nhức, căng tức vùng cánh tay phải, tức ngực, khó thở, choáng váng đầu óc, buồn nôn, nôn nhiều lần ra thức ăn lẫn dịch dạ dày.
Tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, bệnh nhân bị tình trạng kích động, sưng nề căng cứng vùng bắp tay phải lan lên cổ ngực và lan xuống bàn tay, mất vận động và cảm giác các ngón tay cùng bên.
Các bác sĩ cho bệnh nhân làm xét nghiệm có nhiều chỉ số bất thường, bao gồm tình trạng tiêu cơ vân cấp. Bà được điều trị bằng các biện pháp hồi sức tích cực như đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, truyền dịch, lợi tiểu...
Hiện tại, tay phải bệnh nhân đã đỡ sưng nề, bớt đau nhức. Người bệnh vẫn cần tiếp tục điều trị thêm cho đến khi các chỉ số xét nghiệm về giới hạn bình thường.
Từ trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo khi người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe hãy đến địa chỉ đảm bảo chất lượng chuyên môn và đáng tin cậy để được chăm sóc sức khỏe an toàn và tốt nhất.
Tiêm thuốc đòi hỏi phải có dụng cụ thích hợp như: ống tiêm, kim tiêm, kim truyền thì phải có bộ dây truyền và vô trùng. Người tiêm thuốc không thông thạo cách tiêm có thể gây ra tai biến như tiêm tĩnh mạch calcium clorid phải tiêm thật chậm, tiêm thuốc không đúng chỗ sẽ làm thương tổn dây thần kinh.
Thuốc tiêm có tác dụng nhanh và tiếp thu trọn vẹn nên nếu có sự nhầm lẫn thì rất tai hại, thậm chí nguy đến tính mạng nếu dược chất có nhiều độc tính.
Phương Thúy