Hơn 740 triệu trẻ em mắc bệnh cận thị vào năm 2050
- Thứ sáu - 15/11/2024 09:00
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Getty images)
Dữ liệu toàn cầu cho thấy bệnh cận thị đã ảnh hưởng đến 35% trẻ em trên toàn thế giới.
Các nhà nghiên cứu dự đoán con số này sẽ tăng lên 40%, nghĩa là có tới hơn 740 triệu trẻ em mắc bệnh cận thị vào năm 2050.
Theo nghiên cứu đăng tải trên trang tin The Conversation, bệnh cận thị đặc biệt gia tăng ở thanh thiếu niên khi được cho là sẽ ảnh hưởng đến hơn 50% những người từ 13-19 tuổi vào năm 2050.
Khi bị cận thị, việc đeo thêm một chiếc kính sẽ gây cản trở rất nhiều trong sinh hoạt, học tập và làm việc. Nhưng nguy hiểm hơn là cận thị dễ gây biến chứng như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hóa, teo hắc võng mạc, nhược thị dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù lòa. Do đó, chẩn đoán và điều trị cận thị là rất quan trọng đối với sức khỏe mắt suốt đời của trẻ.
Ảnh: Getty images)
1. Nguyên nhân của tật cận thị ở trẻ em
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị cận thị như trẻ thiếu ngủ hoặc ít ngủ, đặc biệt là từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ ngủ quá ít hoặc không đủ thời gian để ngủ vì học quá nhiều sẽ dễ gây ra cận thị.
Trẻ sinh non
Trẻ sinh ra mà trọng lượng cơ thể quá nhẹ (trọng lượng cơ thể dưới 2,5kg) đến tuổi thiếu niên dễ bị cận thị. Trẻ sinh thiếu tháng (sinh thiếu từ 2 tuần trở lên) thường bị cận thị từ khi học vỡ lòng.
Tính bẩm sinh hoặc di truyền
Cận thị có thể được di truyền từ bố mẹ sang con cái. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nếu phụ huynh bị cận thị thì xác suất truyền đến đời con sẽ từ 33% cho đến 60%. Nếu chỉ có một trong hai người bị cận thì khả năng truyền cho con là 23% đến 40%. Trường hợp cả bố mẹ đều không bị thì trẻ vẫn có thể bị cận từ 6% tới 15%.
Học tập trong môi trường thiếu ánh sáng và sai tư thế
Việc bố trí không gian học tập cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Ngoài sự thoáng mát, yên lặng và rộng rãi thì cha mẹ vẫn nên chú ý đến vấn đề ánh sáng quanh khu vực con ngồi học. Ngoài ra, tư thế học tập đúng và đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa mắt và sách vở cũng là điều kiện để mắt hoạt động tốt nhất.
Khi ngồi học hoặc xem sách báo mà cúi gằm mặt xuống bàn, tư thế ngồi không ngay ngắn, đọc sách trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo… cũng rất dễ bị cận thị. Tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh
Trẻ em sử dụng máy tính hoặc thiết bị thông minh trong thời gian dài có nguy cơ mắc cận thị cao hơn.
(Ảnh: Getty images)
Không có thời gian cho mắt nghỉ
Trong việc học tập cũng như việc giải trí, nếu trẻ đọc sách hoặc xem điện thoại, tivi liên tục thì mắt phải điều tiết một cách liên tục. Mắt cũng biết mệt mỏi như cơ thể chúng ta, vậy nên hãy cho mắt được “xả hơi” từ 10 đến 15 phút sau khoảng 45 phút học tập, giải trí để đôi mắt lúc nào cũng luôn khỏe mạnh.
2. Những dấu hiệu phát hiện trẻ bị cận thị
Cận thị đem lại rất nhiều hệ lụy xấu trong cuộc sống hàng ngày, làm cản trở các hoạt động, gây khó chịu cho bệnh nhân. Vì vậy, cha mẹ nên quan tâm và để ý các biểu hiện của con em mình để kịp thời điều trị, không cho tình trạng càng xấu hơn nữa.
Bố mẹ cần dẫn các con đi khám mắt ngay khi có những biểu hiện như nheo mắt khi nhìn một vật nào đó ở xa; sợ ánh sáng, không muốn tham gia các hoạt động bắt buộc phải tập trung quan sát.
Trẻ thường xuyên than đau đầu, khô mắt và mỏi mắt (đặc biệt khi dùng các thiết bị điện tử); dụi mắt, chảy nước mắt nhiều lần trong ngày; phải ngồi sát các thiết bị điện tử để nhìn rõ; chớp mắt liên tục một cách bất thường.
(Ảnh: Getty images)
3. Phòng tránh cận thị học đường
Để phòng tránh cận thị, bố mẹ, thầy cô giáo chú ý nhắc nhở các em học sinh những điều sau.
Cách tốt nhất để phòng ngừa hay làm chậm sự tiến triển cận thị ở trẻ em là tạo cho trẻ thói quen sử dụng mắt tốt.
Bảo đảm đủ ánh sáng trong các phòng học, lớp học cho trẻ em (ánh sáng phải được phân bố đều và có cường độ tốt không gây lóa mắt).
Sách và tài liệu chữ in rõ ràng trên giấy không quá bóng để tránh bị lóa mắt.
Những trẻ cận thị được ưu tiên xếp ngồi gần bảng.
Không học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ. Cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
(Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều. Làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30-40 cm. Những ngày nghỉ nên cho trẻ sinh hoạt ngoài trời, đi picnic, thể dục thể thao nhẹ cho mắt được nghỉ ngơi thư giãn.
Bổ sung cho trẻ các loại vitamin như A, B, C, E, canxi…
Đối với những trẻ bị cận thị nặng cần đi khám bác sỹ hàng năm để theo dõi và phòng ngừa những triệu chứng bất thường./.
(Vietnam+)