Tin Nhanh Việt Nam

https://baohomnay.com:443


Bên trong thế giới ngầm của ngành đẻ thuê ở Trung Quốc

Không khí tràn ngập sự căng thẳng khi Peng Yu và Li Xiaoyun hồi hộp chờ đợi sau tấm rèm. Peng, tay run rẩy không kiểm soát được, cố gắng ghi lại một đoạn âm thanh bằng điện thoại, hy vọng có thể lưu giữ khoảnh khắc một sinh mệnh mới ra đời trong căn phòng.

Đột nhiên, họ nghe có người nói "bé đây rồi", tiếp theo là tiếng khóc của một đứa trẻ. Cặp đôi người Trung Quốc nhìn nhau đầy xúc động. Ở phía bên kia tấm rèm, đứa con của họ đã được sinh ra bởi một người phụ nữ khác.

Đứa con chào đời cũng chính thức kết thúc hành trình tìm kiếm mang thai hộ của họ suốt 3 năm tại Mỹ. Đối với người phụ nữ ngoại quốc đã mang thai đứa con của họ trong hơn 9 tháng, giờ đây vai trò của cô cũng hoàn thành.

Đối với Peng và Li, việc mang thai hộ, mặc dù bản chất gây tranh cãi, là một sự thỏa hiệp. Li cởi mở với việc nuôi con nhưng không muốn mang thai và sinh con. Chồng cô, Peng, khao khát có con nhưng hiểu được nỗi lo lắng của vợ mình.

Vì vậy, họ bắt đầu tìm hiểu về việc mang thai hộ khoảng 4 năm trước. Cặp đôi bắt đầu hành trình thuê người mang thai hộ vào tháng 8/2021.

Ở Trung Quốc, việc mang thai hộ trở nên phổ biến, với số lượng ngày càng tăng các cặp đôi và thậm chí những người độc thân lựa chọn phương pháp này. Nhiều vợ chồng khá giả về tài chính trong độ tuổi sinh đẻ chuyển đến Mỹ, nơi việc mang thai hộ là hợp pháp với luật toàn diện và dịch vụ chăm sóc y tế tiên tiến.

Tuy nhiên, tại Mỹ, chi phí để có một đứa trẻ qua mang thai hộ dao động 180.000-250.000 USD, đây là rào cản tài chính đáng kể. Vì vậy, phần lớn nhu cầu mang thai hộ của Trung Quốc được đáp ứng ngay trong nước, kéo theo một ngành công nghiệp ngầm phức tạp, không được xã hội chính thống chấp nhận và đang đi vào vùng xám pháp lý.

Thế giới ngầm

Được thành lập vào năm 2004, AA69 tự nhận là công ty mang thai hộ đầu tiên tại Trung Quốc. Sau hai thập kỷ, số lượng các tổ chức tương tự tại nước này đã tăng lên rất nhiều.

Dựa trên ước tính của hãng truyền thông Trung Quốc Caixin, vào năm 2017, có khoảng 1.000 công ty trong nước cung cấp dịch vụ mang thai hộ, trong đó có 20-30 công ty có quy mô nhất định, với số ca mang thai hộ hàng năm tại quốc gia này khi đó ước tính là 20.000. 7 năm sau, con số có thể đã tăng lên.

Những công ty mang thai hộ kín đáo này chủ yếu xuất hiện ở các thành phố hạng nhất và hạng hai, nơi có mức thu nhập cao hơn, chẳng hạn Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Vũ Hán và Hàng Châu.

Nhu cầu về dịch vụ mang thai hộ ở Trung Quốc ngày càng lớn. Ảnh: Reuters.

Sau khi liên hệ với 5 cơ sở mang thai hộ có trụ sở tại Thượng Hải và Vũ Hán, phóng viên tờ Lianhe Zaobao nhận thấy quy trình mang thai hộ của họ phần lớn giống nhau: bao gồm kiểm tra sức khỏe, rụng trứng, nuôi cấy và cấy ghép phôi, kiểm tra thai kỳ cho người mang thai hộ và sinh con.

Chi phí để có một đứa con thông qua phương pháp mang thai hộ ở Trung Quốc là 450.000-800.000 nhân dân tệ (62.150-110.501 USD).

Các nhân viên mà phóng viên đã nói chuyện tự gọi mình là "chuyên gia tư vấn sinh nở", một số thậm chí còn cho xem ảnh chân dung chuyên nghiệp của họ để tạo sự tin cậy.

Họ cũng thảo luận về các gói dịch vụ khác nhau một cách trôi chảy và chi tiết. Để tránh các thuật ngữ nhạy cảm, ngành công nghiệp mang thai hộ sử dụng một bộ mật mã, như "dai yu" nghĩa là "mang thai hộ", và "qu luan" nghĩa là "lấy trứng".

Họ tuyên bố có thỏa thuận được sắp xếp trước với các bệnh viện phụ sản đối tác, hứa sẽ giải quyết mọi vấn đề pháp lý liên quan đến bác sĩ hoặc tổ chức, khẳng định "mang thai hộ không phải là tội phạm", đảm bảo khách hàng được thả ngay trong ngày ngay cả khi bị bắt.

Các tổ chức mang thai hộ này hoạt động thông qua mối liên kết bất hợp pháp với các bệnh viện địa phương. Chính quyền thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) gần đây đã công bố kết quả điều tra về phòng khám mang thai hộ ngầm lớn nhất miền Bắc Trung Quốc, liên quan đến một bệnh viện công 3A địa phương và các bác sĩ của bệnh viện này.

"Làng đẻ thuê"

Lianhe Zaobao nhận thấy hiện nay, những người mang thai hộ do các công ty cung cấp chủ yếu là phụ nữ nông thôn, có trình độ học vấn thấp đến từ các vùng kém phát triển về kinh tế như Vân Nam, Quý Châu và Tứ Xuyên.

Việc tuyển dụng phụ nữ muốn làm người mang thai hộ ngày càng khó khăn, có thể do điều kiện kinh tế đã cải thiện trên khắp Trung Quốc và nhu cầu mang thai hộ cao. Một số công ty dùng đến các phương pháp riêng tư, đặt các áp phích quảng cáo nhỏ ở những khu vực cụ thể để tuyển dụng và lựa chọn ứng viên.

Qili từng là "làng đẻ thuê" nổi tiếng. Ảnh: SPH Media.

Tại một ngôi làng nhỏ ở trung tâm Hồ Bắc, điều đầu tiên người dân địa phương nói với phóng viên tại phòng khám, cửa hàng thực phẩm và trung tâm chơi mạt chược là: "Bạn đang tìm người mang thai hộ phải không?".

Trước khi kịp đáp, phóng viên đã nhận được câu trả lời gần như giống hệt nhau rằng dịch vụ mang thai hộ không còn hoạt động ở đây nữa. Chủ một điểm chơi mạt chược nói một cách nghiêm túc: "Hãy từ bỏ ý định đó đi".

Làng Qili này từng là "làng đẻ thuê" nổi tiếng ở Trung Quốc. Vị trí địa lý gần Vũ Hán, nơi tập trung các công ty đẻ thuê, cho phép nhiều phụ nữ trong làng kiếm tiền bằng cách cung cấp dịch vụ.

Mỗi đứa trẻ đẻ thuê chào đời có thể mang lại cho gia đình từ 150.000-250.000 nhân dân tệ (20.666-34.443 USD). Trong cuộc phỏng vấn do một hãng truyền thông Trung Quốc thực hiện cách đây 7 năm, dân làng chia sẻ rằng "99% phụ nữ đã từng là mẹ đẻ thuê".

Nhưng giờ đây, ngôi làng không còn "bụng đẻ thuê" để làm nghề này nữa. Khi những bà mẹ mang thai hộ sinh vào những năm 1980 già đi và điều kiện kinh tế trong làng được cải thiện, ngày nay rất ít người muốn làm mẹ mang thai hộ.

Thực tế là hiện nay rất khó tìm được người mang thai hộ ở một ngôi làng vốn từng là trung tâm của dịch vụ này phản ánh sự dịch chuyển của ngành công nghiệp ngầm của Trung Quốc trong thập kỷ qua.

Tranh luận đạo đức

Trong số nhiều người tìm dịch vụ, có những gia đình giàu có lựa chọn mang thai hộ mặc dù không gặp khó khăn về sinh sản và những người độc thân muốn có con, nhưng phần lớn hơn là những người không thể sinh con, chẳng hạn các cặp vợ chồng vô sinh, người lớn tuổi bị mất đứa con một và các cặp vợ chồng lớn tuổi có ý định sinh đứa con thứ hai hoặc thậm chí thứ 3.

Tuy nhiên, những người có tư duy tiến bộ hơn có thể không coi mối quan hệ huyết thống là điều cần thiết để theo đuổi việc mang thai hộ. Peng và Li thuộc nhóm này.

Con trai họ có gene của Peng nhưng không có quan hệ huyết thống với Li. Sau khi bác sĩ phát hiện Li có số lượng trứng thấp, sau nhiều lần cân nhắc, cặp đôi đã quyết định sử dụng trứng hiến tặng để có cơ hội thành công cao hơn.

Li không bận tâm đến việc con trai không có quan hệ huyết thống với cô, vì cô không nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của mình hay tình yêu mà cô dành cho đứa trẻ.

Nhưng có một câu hỏi then chốt trong cuộc tranh luận về đạo đức đối với việc mang thai hộ là: bây giờ công nghệ sinh sản có thể tách biệt hoàn toàn gene khỏi việc sinh nở, làm thế nào chúng ta có thể định nghĩa mối quan hệ cha mẹ - con cái? Người mẹ thực sự của đứa trẻ là người phụ nữ đã hiến tặng trứng, người mẹ mang thai hộ hay người mẹ trên giấy tờ?

Cuộc tranh luận đạo đức về mang thai hộ ở Trung Quốc vẫn còn kéo dài. Ảnh: The New York Times.

Trong quá trình mang thai tự nhiên, người phụ nữ xây dựng mối quan hệ tình cảm với đứa con của mình trong suốt hơn 9 tháng trước khi trải qua thử thách sinh nở để trở thành một người mẹ. Liệu bỏ qua quá trình này có khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên không trọn vẹn, hoặc khiến mọi người coi trọng việc sinh con và làm cha mẹ ít hơn trước không?

Trong một cuộc phỏng vấn với Lianhe Zaobao, Phó Giáo sư Xu Wenhai từ khoa Luật, Đại học Sư phạm Hoa Đông (ECNU), chỉ ra rằng việc mang thai hộ đặt ra thách thức về việc ai là mẹ hợp pháp của đứa trẻ và "làm mất ổn định đáng kể" mối quan hệ cha mẹ - con cái, đây là một trong những lý do hầu hết quốc gia trên thế giới chưa hợp pháp hóa việc mang thai hộ.

Một tranh luận đạo đức khác về việc mang thai hộ xoay quanh vấn đề bóc lột phụ nữ. Những người phản đối cho rằng mang thai hộ thương mại khiến việc sinh con trở thành một mặt hàng, điều này đang bóc lột phụ nữ, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới.

Cong Yali, giáo sư khoa Đạo đức và Luật tại Trường Y khoa Nhân văn thuộc Đại học Bắc Kinh, nói rằng những người không có khả năng sinh sản "rất đáng được thông cảm", nhưng về mặt đạo đức, việc mang thai hộ lại tạo ra nhiều vấn đề tiềm ẩn và tác hại hơn.

Cong nhận thấy hầu hết người mang thai hộ là những phụ nữ nghèo khó, có thể cảm thấy bị buộc phải nhận làm nó vì khó khăn về tài chính chứ không phải lựa chọn tự do. Những bà mẹ mang thai hộ này thường cảm thấy hối tiếc sau đó.

Đối với hàng chục nghìn gia đình Trung Quốc có con nhờ mang thai hộ, việc đứa trẻ chào đời không có nghĩa là kết thúc mà là sự khởi đầu của một hành trình mới trong cuộc sống, vì họ có thể phải đối mặt với những tác động về mặt pháp lý, tình cảm và xã hội trong những thập kỷ tới.

Trong khi việc mang thai hộ giúp Li thoát khỏi việc mang thai và sinh nở, cô vẫn lo lắng có thể cảm thấy xa cách về mặt tình cảm với con trai và chồng mình. "Bạn bè của anh có nói xấu sau lưng em không, nói rằng em sẽ không gần gũi với con trai chúng ta?", cô hỏi chồng một cách ẩn ý trong cuộc phỏng vấn.

Đinh Phạm

Nguồn tin: www.baomoi.com

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây